Chuyên gia phong thủy hướng dẫn cách lau dọn, bài trí bàn thờ gia tiên ngày tết

Trong tâm thức người Việt, chăm chút bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên. Chính vì vậy nên mỗi dịp Tết đến Xuân về, gia đình nào cũng cố gắng lau dọn và sắp xếp bàn thờ một cách bài bản, khang trang nhất.

Những điều tối kỵ khi bài trí bàn thờ gia tiên

Dưới góc nhìn phong thủy, chuyên gia Nguyễn Mạnh Linh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Phong thủy Kiến trúc (Đại học Xây dựng) cho rằng, việc bày biện quá nhiều đồ lễ đắt tiền hay những của ngon vật lạ lên bàn thờ là không cần thiết.

“Nhiều người vẫn lầm tưởng bày bàn thờ càng đẹp, càng đầy đủ thì con cháu càng có lộc. Nhưng thực chất, bàn thờ là nơi thờ cúng gia tiên chứ không phải nơi phô trương. Chúng ta chỉ nên bày biện vừa đủ để tránh gây mất thẩm mỹ”.

Theo chuyên gia phong thủy, chỉ cần bày một mâm ngũ quả thật đẹp cùng cặp bánh chưng, bánh dày là đã đầy đủ ý nghĩa. Những lễ vật này vừa chứa cả yếu tố Âm – Dương, Ngũ hành, vừa mang đậm nét văn hóa của người Việt.

chuyen gia phong thuy huong dan cach lau don bai tri ban tho gia tien ngay tet

Bàn thờ là nơi linh thiêng, chỉ nên bày biện vừa phải. (Ảnh minh họa)

Nếu gia đình đang đặt bàn thờ gia tiên cùng bàn thờ Phật hay bàn thờ mẫu thì cần tách riêng. Trong đó, bàn thờ gia tiên để thấp hơn và tách biệt. Đồ lễ cúng xong nên bỏ xuống để thụ lộc, tránh bày từ ngày này qua tháng khác, riêng ngày Tết có thể để đồ cúng đến mùng 5.

“Có một điều cấm kỵ nhưng hiện nay nhiều người mắc phải, đó là không được bày lên bàn thờ đồ giả (hoa giả, quả giả,…) hoặc những thứ không liên quan đến thờ cúng. Bên cạnh đó, ban thờ chính là nơi thuộc về thế giới thiêng liêng nên chỉ được bày những đồ sạch sẽ, tinh khiết như hương, hoa, oản, quả, tuyệt đối tránh đặt mâm lễ mặn. Mỗi gia đình nên chuẩn bị một chiếc bàn nhỏ để đặt mâm cúng bên dưới”, chuyên gia Nguyễn Mạnh Linh nhấn mạnh.

Hiểu đúng về việc bốc lại bát hương và tỉa chân hương

Sau khi tiễn ông Công, ông Táo về trời, các gia đình thường tiến hành sang sửa bát hương, tỉa bớt chân hương vì quan niệm đây là thời gian “thần linh đi vắng”, nếu có làm xê dịch đồ thờ thì cũng không bị quở trách.

Bàn về quan niệm này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Phong thủy Kiến trúc nói: “Bàn thờ tổ tiên là nơi trang nghiêm, thanh tịnh nên cần có sự quan tâm, lau dọn thường xuyên chứ không nhất thiết phải đợi đến dịp gần Tết Nguyên đán. Điều quan trọng là khi thực hiện việc này phải làm một cách thành tâm, nghiêm túc, thể hiện lòng thành kính với người trên chứ không được vương vấn chuyện khác”.

Trước khi bắt đầu, người dọn dẹp bàn thờ phải tắm rửa sạch sẽ rồi thắp hương để “xin phép” thần linh và gia tiên.

chuyen gia phong thuy huong dan cach lau don bai tri ban tho gia tien ngay tet

Tỉa bớt chân hương để giữ bàn thờ sạch sẽ. (Ảnh minh họa)

Khi tỉa bớt chân hương, gia chủ sẽ rút từng chút một cho tới khi còn một số lẻ trong bát hương (thường là 3, 5, 7, 9). Số còn lại sẽ được mang đi hóa thành tro, đổ xuống sông hoặc vùi vào gốc cây. Cần lưu ý, tuyệt đối không được vứt chân hương hoặc các đồ thờ cúng khác vào thùng rác hoặc nơi ô uế.

“Đừng nghĩ rằng việc giữ chân hương tạo thành tầng tầng, lớp lớp sẽ khiến tổ tiên dễ về hơn hoặc gia chủ có lộc hơn. Đó chỉ là sự mê tín do mỗi người tự nghĩ ra. Chúng ta nên thường xuyên tỉa chân nhang để bát hương và bàn thờ không bị dính bụi bẩn, gây mất thẩm mỹ”, chuyên gia Nguyễn Mạnh Linh cho biết.

Cũng vào thời điểm cuối năm, nhiều gia đình có nhu cầu bốc lại bát hương. Tuy nhiên theo chuyên gia phong thủy, việc này chỉ thực hiện trong một số trường hợp như khi về nhà mới; nhà đang muốn gộp hay tách bát hương hoặc nhà chẳng may gặp vận hạn. Khi bốc lại bát hương, cần đổ hết tro cốt cũ, rửa sạch bát hương rồi mới bốc lại.

“Trước đây, phần lớn chúng ta vẫn nghĩ, người bốc bát hương phải là người cao minh, là thầy hoặc pháp sư. Nhưng trên thực tế, ai cũng có thể làm được điều này, sẽ tốt nhất nếu đó là người trụ cột trong gia đình (ông, cha, con trưởng). Người thực hiện bắt buộc phải là người thành tâm, chân tay, quần áo sạch sẽ”, chuyên gia phong thủy cho hay.

chuyen gia phong thuy huong dan cach lau don bai tri ban tho gia tien ngay tet

Bàn thờ là nơi con cháu thể hiện lòng kính yêu và tưởng nhớ đến tổ tiên. (Ảnh minh họa)

Khi vệ sinh bát hương cần dùng rượu gừng, khăn gạc lau sạch từ miệng bát hương trở xuống. Sau khi đã vệ sinh, sang, sửa bát hương xong đặt yên vị trên bàn thờ, gia chủ không được xê dịch bát hương nữa. Lưu ý, khi cho thêm tro mới cần cách miệng bát hương 1 – 2cm. Khi hoàn thành các công đoạn, cần thắp hương báo mời thần linh và gia tiên trở về.

Quy trình bốc lại bát hương theo hướng dẫn của chuyên gia phong thủy

1. Lau rửa sạch: Giã gừng cho vào rượu trắng, dùng khăn sạch nhúng rượu gừng và lau bát hương, để khô.

2. Nên: Có cốt (tro đốt bằng rơm nếp, có bán tại các hàng mã) và một trong các thất bảo của nhà Phật (ưu tiên đá quý, ngọc như hổ phách, lưu ly, thạch anh... vì có trường khí cao, mua ở các cửa hàng đá quý).

Không nên: Cho giấy trang kim, hạt nhựa... bán sẵn ở các hàng mã. Cũng không nên cho bùa chú, linh phù... của đạo gia, mật tông... vào bát hương vì sẽ gây ra trường khí âm bất lợi.

3. Rửa tay sạch sẽ, lần lượt bốc bát hương. Thông thường có ba bát cho thần linh, gia tiên và bà cô.

Bốc lần lượt từng nắm cốt vào bát. Để cho yên tâm, Phật gia thường khuyên đếm theo số sinh như "sinh, lão, bệnh, tử". Lần lượt đếm và bốc cho đến khi gần đầy miệng bát. Nhớ nắm cuối cùng dừng lại ở số "sinh".

Không dốc, đổ cho đầy bát hương, mà nên bốc từng nắm. Trước khi bốc bát hương nào thì trong đầu cũng phải nghĩ là "Con ... (họ tên)... xin bốc bát hương cho thần linh (thần linh/gia tiên/bà cô)".

Bốc xong để riêng từng vị trí, tránh nhầm lẫn. Nếu sợ nhầm, có thể viết giấy dán bên ngoài, đến khi đưa lên ban thờ cần bỏ ra.

4. Bốc xong đặt bát hương lên ban thờ. Bát hương thần linh ở giữa, bát hương bà cô ở tay trái từ trong nhìn ra, bát hương gia tiên bên tay phải.

5. Sắm lễ: Hoa tươi, quả tươi, nước sạch bày lên bàn thờ. Mở rộng cửa ra vào trước khi thắp hương. Lúc mới đầu mỗi bát hương thắp 3 nén, những lần sau chỉ cần một nén là đủ. Nếu có chân nhang cũ có thể cắm lại mỗi bát 3 chân nhang.

6. Bố trí: Bát hương đã đặt lên ban thờ cần giữ nguyên vị trí, không xê dịch. Sau bát hương là phần thờ cúng, chỉ nên để ảnh gia tiên (nếu có), không bày rượu, vàng mã... ở đây. Tất cả đồ thờ dâng lên (hoa tươi, quả tươi...) cần ở phía trước hay bên cạnh bát hương.

Theo Dân trí

Đọc thêm

Hân hoan mừng đón Giáng sinh

Hân hoan mừng đón Giáng sinh

Những ngày này, không khí chuẩn bị cho lễ Giáng sinh tại Nhà thờ chính tòa Văn Hạnh (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) đang rất khẩn trương. Bà con giáo dân gấp rút hoàn thiện các phần việc cuối cùng trong niềm hân hoan và đoàn kết.
Các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ bạn nên biết

Các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ bạn nên biết

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu, các hệ thống trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện như ở người lớn. Khi thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ đột ngột thay đổi, độ ẩm trong không khí tăng cao, môi trường bụi bẩn tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus có hại cho sức khỏe, sinh sôi, nảy nở. Làm sao để phòng ngừa hiệu quả các bệnh này?
5 thói quen làm đau cột sống

5 thói quen làm đau cột sống

Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý về cơ xương khớp ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là các bệnh lý về cột sống.
Lan tỏa yêu thương từ chương trình trồng răng Implant miễn phí của Nha khoa Mai Hùng Group

Lan tỏa yêu thương từ chương trình trồng răng Implant miễn phí của Nha khoa Mai Hùng Group

Chương trình “Trồng răng Implant miễn phí” được Nha Khoa Mai Hùng Group phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức không chỉ là sự giúp đỡ về mặt y tế, mà còn là món quà của hy vọng, là sự động viên, chia sẻ yêu thương để những người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Điều gì xảy ra khi gội đầu quá nhiều?

Điều gì xảy ra khi gội đầu quá nhiều?

Gội đầu hằng ngày không chỉ làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên tóc, khiến tóc khô, dễ gãy, gây kích ứng da đầu, mà còn có thể tác động đến tuổi thọ mái tóc.
Thời tiết Hà Tĩnh những ngày tới ra sao?

Thời tiết Hà Tĩnh những ngày tới ra sao?

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ ngày 16-21/12, Hà Tĩnh tiếp tục chịu ảnh hưởng không khí lạnh có cường độ suy yếu chậm nên có ngày hửng nắng xen kẽ có ngày mưa.