Chuyện một gia đình có 5 người cùng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị

(Baohatinh.vn) - Trong rất nhiều câu chuyện đặc biệt của chiến tranh, chuyện một gia đình có 5 con, cháu ruột ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) cùng chiến đấu bảo vệ đất nước trong mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị, hơn thế đều trở thành cán bộ cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là rất hiếm.

Quảng Trị những năm 1972, 1973 ghi dấu những trận đánh ác liệt của quân và dân ta. Trong đó, cuộc chiến đấu giữ thị xã và Thành cổ Quảng Trị tuy không có ý nghĩa lớn về chiến lược quân sự nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng, một sự hỗ trợ lớn cho Việt Nam tại bàn đàm phán ở Paris.

Chuyện một gia đình có 5 người cùng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị

Chiến trường Trị - Thiên - Huế năm 1972 ác liệt. Ảnh: TTXVN.

Nơi đây, phía địch sử dụng hàng chục sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn quân chủ lực thiện chiến, gồm đủ các quân, binh chủng, tăng cường máy bay chiến lược B52 và các hỏa lực mạnh khác, dội vào đây một khối lượng bom đạn tương đương 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hirosima.

Trong rất nhiều câu chuyện đặc biệt của chiến tranh, chuyện một gia đình có 5 con, cháu ruột cùng chung một chiến trường ở Hà Tĩnh là rất hiếm. Họ là con, cháu ông Nghiêm Đích ở làng Khóng, xã Đức Yên (nay là thị trấn Đức Thọ) gồm 4 anh em ruột là Đại tá Nguyễn Chí Điềm (tên thật là Nghiêm Nghị), Trung tá Nghiêm Kình, Đại úy Nghiêm Trình, Nhà báo Nghiêm Sỹ Thái và người con trai cả của ông Nghiêm Nghị là Chuẩn úy Nghiêm Sỹ Chúng.

Chuyện một gia đình có 5 người cùng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị

Liệt sỹ Nghiêm Kình (ảnh do gia đình cung cấp).

Trong cuốn “Cha tôi Chính ủy Nghiêm Kình”, Thiếu tướng Nghiêm Triều Dương (con trai ông Nghiêm Kình) - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Khoa học (Bộ Công an) đã viết: Suốt cả tháng 5/1972, Mỹ - ngụy tập trung cao độ lực lượng và phương tiện, mở cuộc hành quân “Lam Sơn 72” với 4 sư đoàn bộ binh hòng chiếm lại tỉnh Quảng Trị. Cùng đó là 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép, 7 - 10 khu trục hạm của Hải quân Mỹ chi viện hỏa lực, hơn 50 máy bay lên thẳng chở quân, liên tục hoạt động. Ngoài ra, kẻ địch còn tung vào đây một số lượng dày đặc máy bay ném bom chiến lược B52 cùng phản lực chiến đấu, xuất kích mỗi ngày từ 70 - 165 lần/chiếc.

Sư đoàn 320B phòng ngự từ tuyến biển Cửa Việt vào đến Thành cổ Quảng Trị và huyện Hải Lăng, có nhiệm vụ đánh quân ngụy phản kích, lấn chiếm. Trung tá Nghiêm Kình - Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn sát cánh ngày đêm, cùng cánh quân tuyến trước để động viên, khích lệ cán bộ, chiến sỹ ngoan cường chiến đấu, bẻ gãy các đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa.

Chuyện một gia đình có 5 người cùng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị

Hai anh em ruột Nghiêm Trình (trái) và Nghiêm Sỹ Thái trong lần gặp nhau tại Hà Nội (ảnh do gia đình cung cấp).

Cách phòng tuyến phía Đông của ông Nghiêm Kình không xa là nơi mà Đại tá Nguyễn Chí Điềm (Nghiêm Nghị) anh trai ông, thành viên của cơ quan tham mưu chiến dịch, chỉ huy lực lượng bộ đội đặc công sát cánh cùng Sư đoàn 320B đánh địch phía trước của tuyến phòng thủ vòng ngoài, sau đó phát triển vào khu Đông Quảng Trị. Đây cũng chính là khu vực hoạt động của Chuẩn úy Nghiêm Sỹ Chúng (con trai Đại tá Nghiêm Nghị, cháu ruột của Trung tá Nghiêm Kình), một trợ lý vũ khí của Trung đoàn 202, Binh chủng Tăng thiết giáp, có nhiệm vụ tổ chức chỉ huy việc đảm bảo hậu cần, kỹ thuật trong chiến dịch của đơn vị.

Người em thứ ba cùng có mặt ở Quảng Trị “những ngày hè đỏ lửa” là Đại úy Nghiêm Trình. Thời gian này, ông được giao chỉ huy một đội công tác đặc biệt của Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) vào nghiên cứu, thu hồi vũ khí, khí tài, phương tiện chiến tranh mới của địch, chuyển ra Bắc để Bộ Quốc phòng nghiên cứu đánh lại địch và chuyển cho Bộ Quốc phòng Liên Xô (cũ) cùng phối hợp để nghiên cứu tính năng chiến đấu của các loại vũ khí Mỹ. Không chỉ là nhà nghiên cứu đơn thuần, năm 1972, ông Trình đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu tiêu diệt địch ở căn cứ Ái Tử, nơi giáp ranh thị xã Quảng Trị khi đang đến thu thập tài liệu ở đây.

Người em trai út là Nhà báo Nghiêm Sỹ Thái cũng được Thông tấn xã Việt Nam cử vào làm phóng viên chiến trường với chức danh Trưởng phân xã Trị - Thiên. Trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972, anh luôn ở tuyến trước, có mặt cùng các đơn vị, viết và chụp hàng trăm tin bài, ảnh về chiến dịch.

Chuyện một gia đình có 5 người cùng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị

Phóng viên Nghiêm Sỹ Thái (thứ 3 từ trái sang) cùng đồng đội và đồng nghiệp tại chiến trường Quảng Trị 1972. (ảnh do gia đình cung cấp)

Một số cán bộ Sư đoàn 320B, nơi tôi cùng công tác, những lần về dự họp mặt truyền thống thường hỏi thăm về Nghiêm Sỹ Thái. Đại tá Nguyễn Quý Trác - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn, có lần kể: “Nhà báo Nghiêm Sỹ Thái với chiếc máy ảnh và cuốn sổ ghi chép trong tay, chẳng có súng đạn gì nhưng xông xáo, dũng cảm không khác nào một lính chiến”.

Cuộc chiến khốc liệt đã trôi qua hơn 40 năm, cỏ non Thành cổ giờ đã ngút ngát một màu xanh non tơ. Và 5 chiến binh trong một gia đình ngày ấy cũng trải qua những số phận khác nhau. Người anh cả, Đại tá Nghiêm Điềm - Tư lệnh Bộ đội Đặc biệt tinh nhuệ, sau đó tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Năm 1976, ông bị bệnh nặng từ chiến trường. Ông mất ngày 8/11/1976, được Nhà nước truy phong liệt sỹ.

Em trai ông, Trung tá Nghiêm Kình, đêm 22, rạng sáng 23/8/1972, đã anh dũng hy sinh cùng 6 chiến sỹ khi đang trên đường đến cùng cánh quân phía trước, bên kia sông Thạch Hãn. Em trai tiếp sau của ông Nghiêm Kình, là ông Nghiêm Trình, một người được đào tạo 6 năm ở Học viện Xe tăng Matxcơva (Liên Xô cũ) rồi Học viện Xe tăng Tây An (Trung Quốc), thông thạo 4 ngoại ngữ, Nga, Trung, Anh, Pháp, về sau là Giám đốc X79 (Quân khu 1). Ông nghỉ hưu năm 1984 với quân hàm Trung tá.

Em trai út Nghiêm Sỹ Thái, sau khi trải qua các vị trí Trưởng phân xã Thông tấn Trị - Thiên (1966 - 1976), Trưởng phân xã Thông tấn Lâm Đồng và làm việc ở Báo Tuần tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) đã nghỉ hưu năm 2002. Chàng thanh niên mang quân hàm Chuẩn úy Nghiêm Sỹ Chúng ngày đó, về sau là Thiếu tướng - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng).

Chuyện một gia đình có 5 người cùng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị

Anh em Thiếu tướng Nghiêm Triều Dương (trái) và Thiếu tướng Nghiêm Sỹ Chúng (ảnh do gia đình cung cấp).

Xin được nói thêm, người con trai cả của Trung tá Nghiêm Kình là Nghiêm Triều Dương, sau chiến tranh (1975) noi theo bố, chọn con đường binh nghiệp, vào học tại Trường Đại học An ninh (1975 - 1980). Nhờ nỗ lực phấn đấu, anh được cấp trên tín nhiệm giao các chức vụ: Trợ lý Cục trưởng Cục An ninh, Thư ký lãnh đạo Bộ Công an, Phó Cục trưởng Tham mưu An ninh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Khoa học - Bộ Công an với quân hàm Thiếu tướng.

Chuyện một gia đình có 5 người cùng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị

Thiếu tướng Nghiêm Triều Dương (thứ hai trái sang) và đoàn làm phim về Chính ủy Trung đoàn Nghiêm Kình chụp ảnh cùng tác giả tại TP Hà Tĩnh.

Truyền thống vẻ vang của quê hương, dòng họ, gia đình đã hun đúc nên những con người làm rạng danh đất nước, trong đó gia đình ông Nghiêm Đích ở làng quê nhỏ bé, yên bình bên bờ sông La là một trong những trường hợp như vậy.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.