'Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm nổi bật quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt-Trung'

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc (18-20/8) là biểu hiện sinh động của “mối tình thắm thiết Việt-Hoa."

Screenshot 2024-08-16 at 11-11-30 'Chuyến thăm của Tổng Bí thư làm nổi bật quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt-Trung' Vietnam (VietnamPlus).png
Quang cảnh Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam ngày 12/12/2023. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sắp có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc, hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác. Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của đồng chí Tô Lâm trên cương vị mới. Nhân dịp này, Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba đã chia sẻ với báo chí những nhận định về ý nghĩa của chuyến thăm.

Tăng cường hợp tác theo hướng '6 hơn'

- Trung Quốc là quốc gia đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến thăm trên cương vị mới. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm này đối với quan hệ hai Đảng, hai nước Việt-Trung?

Đại sứ Hùng Ba: Theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sắp thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 18-20/8/2024.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngoài ra, Thủ tướng Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Hộ Ninh sẽ lần lượt hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm một số “địa chỉ đỏ” ở Trung Quốc - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hoạt động cách mạng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng sẽ có cuộc gặp với nhân sỹ hữu nghị Trung-Việt.

Nhân dân Trung Quốc chào mừng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu, thăm hữu nghị Trung Quốc, tháng 6/1955. (Ảnh: Tư liệu)
Nhân dân Trung Quốc chào mừng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu, thăm hữu nghị Trung Quốc, tháng 6/1955. (Ảnh: Tư liệu)

Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của đồng chí Tô Lâm sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, cũng là cuộc tiếp xúc quan trọng giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12-13/12/2023, thể hiện sự coi trọng của đồng chí Tô Lâm về việc phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước, cũng cho thấy hai bên đều coi nhau là ưu tiên trong chính sách ngoại giao. Chuyến thăm tới đây sẽ làm nổi bật quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai Đảng, hai nước.

Chúng tôi hy vọng chuyến thăm lần này là sự kế thừa tình hữu nghị truyền thống, tiếp tục củng cố và tăng cường tin cậy chính trị cấp cao, đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược, không quên nguyện ước hữu nghị ban đầu, khắc ghi sứ mệnh chung, kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc của mình, cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa xã hội thế giới, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Hiện nay, Việt Nam đang tổng kết toàn diện 40 năm đổi mới đất nước, tiến tới chuẩn bị Đại hội lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chuyến thăm tới đây là cơ hội quan trọng để chúng ta trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng và quản lý đất nước.

Đại biểu thanh niên Việt-Trung tham gia “in dấu tay”, biểu thị tình đoàn kết, hữu nghị tại Lễ hội văn hoá dân tộc thanh niên châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), ngày 13/6/2004. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu thanh niên Việt-Trung tham gia “in dấu tay”, biểu thị tình đoàn kết, hữu nghị tại Lễ hội văn hoá dân tộc thanh niên châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), ngày 13/6/2004. (Ảnh: TTXVN)

- Cuối năm 2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Việt Nam mang tính lịch sử, hai bên cùng nhau tuyên bố xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lại Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Theo Đại sứ, việc hiện thực hóa nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng đã đạt được những kết quả đáng chú ý gì?

Đại sứ Hùng Ba: Cuối năm ngoái, chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thành công tốt đẹp. Nhân đây, tôi muốn chân thành cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành sự tiếp đón hết sức nhiệt tình, chu đáo cho Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hiện tại cả hai bên đang dốc sức thực hiện những nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng cũng như thành quả đã đạt được trong chuyến thăm đó.

Có thể nói việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lại Trung Quốc-Việt Nam đã có bước khởi đầu rất tốt.

Trước tiên, sự trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước diễn ra mật thiết, thường xuyên, thông qua hình thức linh hoạt.

Hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh theo hướng “hợp tác quốc phòng, an ninh thực chất hơn.” Chúng ta tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 8 tại khu vực biên giới, trong khi đó, tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đã hội đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang. Hai bên còn thiết lập đường dây nóng giữa hải quân Việt Nam với Chiến khu Phía Nam Trung Quốc, tiến hành các chuyến thăm giữa tàu quân sự hai bên, tổ chức giao lưu sỹ quan…

Hợp tác kinh tế thương mại ở duy trì ở mức cao. Theo thống kê của Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại đã đạt 145 tỷ USD, tăng 21%. Kim ngạch xuất khẩu của rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 64% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ, chiếm 92,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng. Nếu như hai bên hoàn tất thủ tục về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi sang Trung Quốc chắc chắn kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ còn tăng thêm.

Trong lĩnh vực du lịch, năm nay đã có 2,1 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam, đứng thứ hai trong số các nước có khách nước ngoài đến Việt Nam.

Có thể nói, hai bên đã đi sâu hợp tác trên tất cả các lĩnh vực theo hướng “6 hơn”: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng, an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.

Chúng ta đều rất hài lòng với thành quả hợp tác đã đạt được.

Ngày 30/12/1999, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền ký Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa hai nước. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 30/12/1999, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền ký Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa hai nước. (Ảnh: TTXVN)

- Năm 2025 đánh dấu 75 năm Việt Nam-Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Xin đại sứ cho biết hai bên cần làm gì để thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược?

Đại sứ Hùng Ba: Năm nay và năm 2025 đối với Việt Nam và quan hệ hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Năm nay kỷ niệm 100 năm đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu hoạt động cách mạng (11/11/1924 - 11/11/2024). Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó chưa chính thức thành lập, nhưng người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết lập mối quan hệ nồng thắm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ tại Quảng Châu.

Năm 2025 cũng đánh dấu 80 năm Quốc Khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 75 năm thiếp lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc, đều là những ngày kỷ niệm quan trọng đối với chúng ta.

Nhìn lại lịch sử giao lưu hữu nghị hai Đảng, hai nước gần 100 năm qua, “mối tình thắm thiết Việt-Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em” là đặc trưng bản chất và biểu hiện sinh động của quan hệ hai Đảng, hai nước.

Đứng trước những thời điểm kỷ niệm quan trọng, chúng ta nên kiên trì theo đuổi chiến lược của lãnh đạo Đảng hai nước, ủng hộ lẫn nhau trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình mỗi nước, thúc đẩy toàn diện hợp tác theo phương hướng “6 hơn.”

Tôi tin rằng, quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta có nhiều cơ hội hơn là thách thức.

Việt Nam và Trung Quốc đều coi trọng chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi.

Trong Tuyên bố chung năm 2023 đã đề ra phương hướng “6 hơn,” trong đó có kiểm soát và giải quyết tốt hơn những bất đồng, cần tuân thủ nhận thức chung, kiên trì đối thoại để kiểm soát, giải quyết bất đồng, không để ảnh hưởng đến quan hệ, tình cảm nhân dân hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Đại sứ Hùng Ba tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị ngày 25/8/2023. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Đại sứ Hùng Ba tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị ngày 25/8/2023. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tăng cường đoàn kết, ứng phó với thách thức

- Mới đây, trong tháng Sáu và tháng Bảy, Đại sứ đã hai lần hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Điều gì khiến Đại sứ ấn tượng nhất về Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm?

Đại sứ Hùng Ba: Năm nay, tôi rất vinh dự được hai lần hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phủ Chủ tịch. Tôi thấy Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm rất coi trọng việc phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước. Những ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm để lại ấn tượng rất sâu sắc cho tôi, trong đó có 3 điểm nổi bật.

Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba. (Ảnh: TTXVN)

Thứ nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định quá trình cách mạng của Việt Nam liên quan chặt chẽ tới quá trình cách mạng của Trung Quốc. Trong lịch sử đấu tranh, giành độc lập đất nước, giải phóng của dân tộc, hai nước đã kề vai sát cánh, cùng chiến đấu, kết nên mối tình hữu nghị nồng thắm.

Thứ hai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh kiên định đi theo con đường mà lãnh đạo tiền bối thế hệ trước đã chọn; kiên trì, kiên định với định hướng và nhận thức chung mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được; thúc đẩy vững chắc việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược.

Thứ ba, điều tôi ấn tượng nhất là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhận định tình hình quốc tế đang diễn biến sâu sắc và phức tạp hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc và Việt Nam cần tăng cường đoàn kết và hợp tác để ứng phó với thách thức, chung tay thực hiện mục tiêu chiến lược chung.

- Sau gần 6 năm công tác tại Việt Nam, Đại sứ cảm nhận, đánh giá như thế nào về nhiệm kỳ của mình và có ấn tượng như thế nào với đất nước, con người Việt Nam?

Đại sứ Hùng Ba: Tôi có rất nhiều kỷ niệm trong gần 6 năm nhiệm kỳ công tác của mình. Đối với tôi, Việt Nam là một đất nước có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, lại tràn đầy sức sống.

Một mặt, Việt Nam có mối liên kết về lịch sử, văn hóa chặt chẽ với Trung Quốc, mặt khác lại có những nét đặc sắc riêng về văn hóa dân tộc của mình. Có thể nói, sự phát triển của hai dân tộc, hai nền văn hóa Việt- Trung đã đóng góp cho việc hình thành, phát triển của nền văn minh phương Đông.

Tôi cho rằng người dân Việt Nam rất cần cù, có trí tuệ và tính tổ chức cao, chú trọng phát huy sức mạnh của tập thể. Ví dụ đối với những môn thể thao cần tính tổ chức cao như bóng đá thì Việt Nam phát triển rất nhanh. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam chịu khó, cần cù cũng làm cho tôi hết sức ấn tượng.

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Trong 6 năm qua, tôi đã chứng kiến GDP Việt Nam tăng cao: 310,1 tỷ USD năm 2018, dự báo 465,8 tỷ USD năm 2024. Trước những thách thức như đại dịch COVID-19, những yếu tố bất ổn từ môi trường bên ngoài, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả nổi bật, chính trị-xã hội duy trì ổn định, đây là thành tích không dễ mà có.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

vietnamplus.vn

Đọc thêm

"Lớp học 0 đồng" của nữ sinh sư phạm

"Lớp học 0 đồng" của nữ sinh sư phạm

Để kỳ nghỉ hè thêm phần ý nghĩa, em Đặng Thị Diễm Mỹ (SN 2003, trú tại xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) đã mở "lớp học 0 đồng" cho nhiều trẻ em tại địa phương.
Tín dụng chính sách xã hội trở thành trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội

Tín dụng chính sách xã hội trở thành trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội.
Lực lượng vũ trang Quân khu 4 thi đua tỏa sáng phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ"

Lực lượng vũ trang Quân khu 4 thi đua tỏa sáng phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ"

Làm theo lời Bác, thực hiện phong trào thi đua quyết thắng, LLVT Quân khu 4 luôn gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và đã đạt được nhiều thành tích, kết quả quan trọng. LLVT Quân khu 4 đã có bước phát triển toàn diện, vững chắc, đều khắp và liên tục.