Không biết từ đâu cái tin đồi Mô ven rừng có nhiều đồ cổ chôn giấu khiến người làng Mô ào ào kéo đến. Người ta cứ thế mặc sức mà đào bới, kiếm tìm hòng mong đổi vận. Từng vạt đồi cứ thế bị xới tung, những cây sắt nhọn dài có tay cầm bằng gỗ hoặc tre ghim sâu vào lòng đất rồi lại rút lên, cắm xuống.
Ông Hoan cũng nằm trong số đó. Kể cũng lạ, nhà ông có thiếu thốn gì đâu cơ chứ?! Thân là bộ đội cấp cao về hưu, nói như thằng Sơn thì lương hưu mỗi tháng của ông Hoan có mà nuôi gia đình nhà nó nửa năm thoải mái. Ấy là nó cũng có đôi phần cường điệu lên, nhưng lương hưu trí của ông thì cũng đúng là cao so với thu nhập của gia đình nó. Làng Mô này nghèo lắm. Cái nghèo cứ vẩn vơ đeo bám mãi từ đời ông, đời cha nó truyền lại đời nó. Học xong cấp 2 trường huyện nó bỏ ngang. Nó bảo: Có học hơn nữa cũng thế thôi chả ích gì. Biết cái chữ, biết tính toán đồng bạc là tốt rồi. Ở chốn này cứ lớn lên, người nối người, nhà nối nhà đưa nhau vào rừng tự kiếm cái ăn và nó cũng vậy.
- Nghỉ tay thôi Sơn ơi... - giọng ông Hoan kêu vọng ra.
- Vâng! Ông chờ con chút.
Nó vác cây xăm thủng thẳng tiến về phía ông. Nó đưa tay kéo chiếc khăn tay vắt trên cổ lau những giọt mồ hôi ướt trán rồi ngồi bệt xuống đất dựa lưng vào cột lều. Sơn ra vẻ đăm chiêu, ánh mắt nó hướng về phía ông.
- Ông Hoan này, con nghĩ... có khi nào chúng nó tung tin vịt lừa chúng ta không ông nhỉ?
- Vịt là vịt thế nào! Tao chả được mấy thứ ấy nhờ mày mang bán hộ còn gì.
- Đành là thế! Nhưng ông nghĩ xem, ở đây chỉ là đồi hoang, không một bóng người. Mà nếu như không vì mấy cái đồ cổ ông đào trúng ấy cũng chẳng có ma nào dám vác xác lên đây chứ đừng nói... là đổ cổ.
Ông Hoan đưa ánh mắt nhìn lên trời xanh. Ông thầm nghĩ, ừ phải rồi, làm gì có ma nào vác xác lên cái đồi hoang thâm u này làm cái gì. Ấy vậy mà năm xưa đúng chốn này ông và đồng đội ông đã bám trụ từng gốc cây, ụ mối. Cuộc chiến đã lùi xa hơn một phần hai thế kỷ mà nỗi đau thì còn. Nỗi đau trên cơ thể vẫn còn nhức nhối những khi trời trở gió. Những cơn sốt rét rừng năm xưa di chứng vẫn còn. Nghĩ về người đồng đội hy sinh nằm lại chốn này, ông Hoan cứ day dứt mãi. Mà càng nghĩ càng thêm đau xót. Bởi chưa thể tìm thấy hài cốt để mà về lại nơi chôn nhau cắt rốn.
Thằng Sơn đưa cho ông chén nước cắt ngang dòng suy nghĩ.
- Chuyến này con phải về dưới làng ít hôm ông ạ! Xong việc con lại lên. Ông cần gì thì cho con biết để con mang lên.
- Mày về dưới ấy, mua cho ông ít tiền vàng, hương hoa. Gần tới ngày rằm rồi... Xem đồ ăn thiếu gì cứ mua giúp lên cho ông.
Nhìn bóng dáng thằng Sơn thoăn thoắt bước đi, cái dáng trần cục mịch khuất dần sau những vạt mua, lòng ông trĩu nặng. Khổ thân nó, khổ thân ông, gần đất xa trời còn bất đắc dĩ phải làm một việc dối trá… Nhưng mà ông cũng hết cách rồi.
Nó về thì chỉ còn lại ông với vạt đồi hoang cạnh mé rừng với thoang thoảng mùi hương hoa và tiếng chim cu gáy gù trong gió chướng. Ông Hoan thấy thấm mệt, lẽ ra, giờ này ông đang an dưỡng ở nhà, mỗi sáng ra chăm chút tưới mấy giò phong lan, chiều chiều chơi cờ đầu ngõ. Ấy thế mà, ông không đành lòng.
Cứ đến ngày rằm, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ông lại mang hương hoa ra nghĩa trang huyện. Bàn tay già nhăn nheo đếm từng hàng mộ, rồi lại căng mắt dõi tìm tên liệt sĩ hy sinh trên bia tưởng niệm. Vẫn còn những chiếc mộ chờ tên. Vẫn còn những đồng đội kề vai sát cánh chiến đấu còn nằm lại đâu đó trong những cánh rừng khắp đất nước này. Ông nhớ rõ như in ngôi mộ lấp vội cho người bạn chí cốt trên đồi Mô. Chưa kịp chắp tay khấn vái thì đạn pháo cấp tập nã tới liên hồi. Đạn pháo xé toang cả vạt rừng già, cày xới ngổn ngang. Nấm mồ lấp vội ấy cũng mất dấu. Và người bạn thân chí cốt tên Linh, thỉnh thoảng vẫn về tìm ông trong giấc mơ. Không tìm thấy mộ Linh thì coi như ông nhắm mắt không yên.
Chao ôi... Chiến tranh khói lửa, đau khổ trăm bề. Một cái xóm nhỏ ven sông ở quê ông, nhõn vài chục nóc nhà tranh mà có đến hơn chục liệt sĩ, thương binh. Đã bao lần ông lên đồi Mô tìm dấu vết ngôi mộ mà ông và đồng đội đã tự tay chôn cất bạn mình nhưng mãi cũng chỉ là những chuyến đi về tay trắng.
Buổi chiều, sương xuống lành lạnh, vết thương chiến trận hòa chung vết thương lòng dấy lên cơn đau bất chợt. Ông Hoan từ từ mê đi...
- May quá! Ông tỉnh lại rồi.
Giọng nói thằng Sơn oang oang, ông dần chợt tỉnh.
- May cho ông là linh tính mách bảo con rằng ông không được khỏe nên nửa đường con quay lại đấy.
Thằng Sơn rót một cốc nước đỡ ông Hoan ngồi dậy. Nó đưa cốc nước cho ông, rồi nó trách móc:
- Ông nói cho con nghe đi. Tại sao ông phải làm vậy? Con biết hết rồi. Không có cái đồ cổ nào ở đây cả, chính những thứ này là ông mua đâu đó rồi tự tay ông chôn xuống. Đúng không?
Sơn tiến đến chỗ chiếc ba lô sờn xanh treo gần chái bếp. Nó lôi ra chồng đĩa gốm cổ mang đến trước mặt ông.
Ông Hoan ngại ngùng lảng nhìn đi nơi khác. Ông cũng không ngờ thằng Sơn nó đã biết cái việc làm ấy. Đành rằng, nó ở với ông thì ông trả tiền công cho nó nhưng sự việc bị nó phát giác khiến ông ái ngại. Không phải ông lừa mỗi nó mà cái đám trai tráng làng Mô cũng bị ông lừa, nếu biết ông là kẻ tung tin đồn nhảm thì còn biết giấu mặt vào đâu.
- Thôi... Ông sai rồi. Là do ông hết cách rồi Sơn ạ! Cái bụng ông không yên khi đồng đội còn nằm lại nơi đây, đâu đó giữa cái vạt đồi này… Ông không chắc chắn nên không dám báo lên chính quyền. Ông nghĩ cách này, có phiền thì phiền người làng Mô thôi, không phiền đến chính quyền. Tội vạ đâu ông chịu.
Mặt trời xuống dần khuất sau rặng núi, chiếc đèn dầu leo lét giữa núi đồi tĩnh mịch. Giọng ông vẫn rì rầm kể chuyện. Ông kể cho Sơn nghe về những trận đánh, về những câu chuyện đời lính. Lớp người chiến đấu mà nay còn, mai mất, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.
Câu chuyện về nghĩa tình đồng đội kề vai sát cánh năm xưa. Cái nghĩa tình ấy nó thiêng liêng cao cả lắm. Sơn nằm nghe người chiến binh kể chuyện, nó nghĩ đến cuộc chiến tranh khốc liệt, nghĩ đến lớp người như ông Hoan, quả thật là những chiến binh anh hùng. Lớp người ấy không màng gian khổ, không màng cái chết, hiên ngang xông pha đánh giặc, đổi lấy một Tổ quốc hòa bình vẹn tròn.
Đêm lặng lẽ trôi về khuya tĩnh mịch, những chòm sao lấp lánh xuyên qua mái lá. Đêm rằm, trăng cũng dần lên sáng tỏa một vùng đồi lung linh. Sơn không ngủ được, ngồi suy nghĩ miên man. Ông Hoan lặng chìm vào giấc ngủ, hơi thở đều đều chậm rãi thả vào màn đêm.
- Ông Hoan ơi.... Ông Hoan ơi...
Tiếng thằng Sơn vọng vang từ phía mé rừng vọng lại. Cái bóng nó chạy ào về chiếc lán. Nó vừa thở dốc vừa khua khua chiếc bi đông bằng nhôm dính đầy đất.
- Ông xem này, người ta đào thấy ở phía đồi mua...
Giọng nó ngắt quãng, còn một bộ... hài cốt bộ đội...
- Nhanh nhanh, mày dẫn ông lên đó.
Đây rồi! Đồng đội của ông đây rồi. Ông Hoan vừa mếu máo vừa ngồi thụp xuống bên chiếc hố vừa đào, những vật dụng năm xưa còn nguyên đó, đồng đội ông còn nguyên đó, bọc trong chiếc tăng dù đã úa màu bùn đất. Bàn tay người cựu chiến binh nhẹ nhàng lần giở chiếc tăng dù bọc lấy thi hài đồng đội. Thằng Sơn giúp ông một tay. Nước mắt trào dâng nghẹn ngào, ông Hoan òa khóc như một đứa trẻ. Tao tìm thấy mày rồi Linh ơi....
Sáng hôm ấy, thằng Sơn giúp ông về làng mua chiếc tiểu sành. Thêm một ít hương hoa làm lễ cúng. Sau khi cẩn thận cất bốc xong xuôi, nó giúp ông Hoan phủ chiếc cờ đỏ sao vàng năm cánh lên chiếc tiểu sành.
Xong xuôi công việc thiêng liêng ấy, ông mừng lắm. Ông bắt tay từng người, miệng ông rối rít.
- Tôi xin chân thành cảm ơn các anh! Nhân đây tôi cũng chân thành nhận lỗi, chính tôi là người đã hạ sách, bày ra cái cách tung tin đồn cổ vật. Việc này tôi làm, tôi chịu. Để chuộc lỗi, tôi tính thế này. Các anh xem từ hôm ấy đến nay lên đây tìm kiếm đào bới hết mấy ngày, cứ xem như tôi tính ngày công trả đầy đủ cho các anh. Mong các anh thông cảm!
Có những tiếng làu bàu than oán nhưng thằng Sơn cũng đỡ lời giúp ông Hoan mấy câu nên người ta cũng xuôi.
Từ ngày ông Hoan mang hài cốt đồng đội về quê, Sơn cũng đi làm ăn xa, không gặp lại ông nữa. Thỉnh thoảng ông vẫn gọi cho Sơn hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn. Sáng nay, chợt nhớ đến ông nên Sơn bấm số gọi. Phía bên kia con trai ông Hoan bắt máy, giọng anh buồn buồn...
- Bố tôi mất rồi chú ạ! Trước khi trút hơi thở cuối cùng tôi nghe cụ rên khẽ 2 tiếng “xung phong”!