Các nhân viên NASA kỷ niệm kỷ lục của cỗ xe bánh xích Crawler-Transporter 2. Ảnh: NASA
Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness hôm 29/3 trao cho NASA giấy chứng nhận phương tiện Crawler-Transporter 2 đạt trọng lượng 3.106 tấn, tương đương 1.000 cỗ xe bán tải. Tuy nhiên, kỷ lục này được thiết lập vào thập kỷ trước.
Theo Tổ chức Guinness, trọng lượng của chiếc xe tăng lên do đợt nâng cấp hoàn thành vào ngày 23/3/2016, bao gồm thay thế hai động cơ đầu máy khổng lồ cung cấp sức mạnh cho 4 tổ bánh xích và gia cố nhiều hệ thống khác. Những nâng cấp này góp phần đem đến cho phương tiện trọng lượng hiện nay.
Trên thực tế, trước đây hai cỗ xe bánh xích của NASA từng chia sẻ kỷ lục sau khi được chế tạo bởi công ty Marion Power Shovel vào năm 1966. Ban đầu, bộ đôi phương tiện ra đời để chở tên lửa Apollo Saturn V và bệ di động từ Tòa nhà lắp ráp phương tiện (VAB) tới bệ phóng 39A hoặc 39B ở Trung tâm vũ trụ Kennedy tại Florida. Khi đó, mỗi cỗ xe nặng khoảng 2.700 tấn.
Dù nhẹ hơn 320 tấn so với Crawler-Transporter 2 hiện nay, cả hai cỗ xe đều thuộc nhóm riêng. Những phương tiện trên đất liền chế tạo sau này lớn hơn và nặng hơn, nhưng đều cần nguồn năng lượng từ bên ngoài để hoạt động. Trong khi đó, cỗ xe bánh xích của NASA tự sản xuất tất cả năng lượng.
Năm 1973, hai cỗ xe bánh xích chuyển sang vận chuyển tàu con thoi nhỏ và nhẹ hơn. Ngày nay, Crawler-Transporter 2 được chọn để chở tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) và bệ phóng di dộng trong chương trình Artemis của NASA. Gần đây nhất, Crawler-Transporter 2 vận chuyển tổ hợp phương tiện phóng trong nhiệm vụ Artemis 1 vào tháng 11/2022. Tiếp theo, cỗ xe sẽ hỗ trợ Artemis 2, nhiệm vụ chở phi hành gia tới Mặt Trăng đầu tiên của NASA trong hơn 50 năm.
Cỗ xe bánh xích có kích thước 40 x 35 m, chiều cao có thể điều chỉnh để đạt mức tối đa là 8 m. Do chuyên chở vật nặng, cỗ xe mất từ 8 đến 12 giờ để chạy quãng đường 6,8 km từ VAB tới bệ phóng ở tốc độ 1,6 km/h.
“Bất cứ ai quan tâm đến máy móc đều sẽ tán thưởng thành tựu kỹ thuật là cỗ xe bánh xích”, Shawn Quinn, quản lý chương trình hệ thống mặt đất của NASA, chia sẻ.