Con trai ông Hun Sen được bổ nhiệm làm Thủ tướng

Quốc vương Campuchia ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Hun Manet, con trai ông Hun Sen, làm tân Thủ tướng của đất nước sau cuộc tổng tuyển cử.

Trong sắc lệnh hoàng gia hôm nay, Quốc vương Norodom Sihamoni “bổ nhiệm Tiến sĩ Hun Manet làm Thủ tướng Vương quốc Campuchia cho quốc hội khóa 7”, đưa ông trở thành người kế nhiệm của ông Hun Sen.

Con trai ông Hun Sen được bổ nhiệm làm Thủ tướng

Ông Hun Manet trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 2/2022. Ảnh: Reuters

Theo sắc lệnh, sau khi được Quốc vương bổ nhiệm, ông Hun Manet, 45 tuổi, sẽ có trách nhiệm thành lập chính phủ mới. Ông và nội các sẽ phải vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội vào ngày 22/8.

Ông Hun Manet sinh ngày 20/10/1977, là con trai cả trong gia đình Thủ tướng Hun Sen.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hun Manet gia nhập Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) năm 1995, rồi được cử đi du học tại Học viện Lục quân West Point danh giá của Mỹ. Tháng 5/1999, ông trở thành người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp học viện West Point và là một trong bảy sinh viên nước ngoài ra trường năm đó.

Sau khi về nước, Hun Manet được phong hàm trung úy của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia rồi nhanh chóng được đề bạt các vị trí cao trong quân đội. Ngoài trình độ quân sự, ông còn theo học chuyên ngành kinh tế và có bằng thạc sĩ Đại học New York của Mỹ năm 2002, rồi bằng tiến sĩ Đại học Bristol của Anh vào năm 2008.

Năm 2011, ông được phong hàm thiếu tướng, lên trung tướng hai năm sau đó và trở thành đại tướng năm 2018, giữ chức Tư lệnh lục quân kiêm phó tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF). Ông còn kiêm nhiệm hai trọng trách là chỉ huy đơn vị cận vệ Thủ tướng và lãnh đạo bộ phận chống khủng bố của Bộ Quốc phòng.

Trong cuộc đối đầu giữa Campuchia và Thái Lan xung quanh đền Preah Vihear năm 2008-2011, ông Hun Mante đã đóng vai trò nổi bật trong đàm phán chấm dứt tình trạng bế tắc. Ông cũng tham gia tích cực vào quá trình cải cách RCAF, trong đó tập trung cho lực lượng sĩ quan và binh sĩ trẻ.

Ngoài các vị trí quan trọng trong quân đội, Hun Manet còn thăng tiến nhanh chóng trong hệ thống chính trị. Tháng 12/2018, ông được bầu vào ủy ban thường vụ đảng Nhân dân Campuchia (CPP). Năm 2020, ông được thăng chức từ phó bí thư lên bí thư trung ương đoàn thanh niên CPP.

Đại tướng Hun Manet còn được đánh giá là gương mặt được lòng giới trẻ Campuchia. Ông xây dựng hình tượng chính khách học vấn cao, luôn cư xử chừng mực và dễ gần.

Hun Manet là người đứng đầu Ủy ban Học bổng Samdech Techo Hun Sen, tổ chức cung cấp cơ hội học bổng cho hàng nghìn thanh niên Campuchia để học đại học. Ông cũng là chủ tịch Hội đồng quản trị của Hiệp hội Bác sĩ tình nguyện Samdech Techo, huy động hàng nghìn nhân viên y tế và tình nguyện viên giúp chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người dân vùng nông thôn. Ông còn thúc đẩy các hoạt động nhân đạo giúp đỡ trẻ mồ côi và khuyết tật.

Hun Manet kết hôn với Pich Chanmony, con gái của Pich Sophoan, cựu lãnh đạo Bộ Lao động.

Thủ tướng Hun Sen nhiều lần khẳng định con trai Hun Manet “xứng đáng” và hoàn toàn có khả năng lãnh đạo chính phủ nhờ năng lực bản thân.

Đảng CPP cầm quyền hôm 23/7 tuyên bố giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội, giành được 120 trên tổng số 125 ghế nghị sĩ. Ông Hun Sen sau đó tuyên bố từ chức, để con trai Hun Manet lên kế nhiệm. Ông Hun Sen vẫn giữ chức Chủ tịch CPP và giữ vai trò định hướng cho chính sách của chính phủ mới.

Theo Huyền Lê (VNE)

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.