Một quân nhân Ukraine cầm trên tay thiết bị điện tử lấy từ máy bay không người lái của Nga tại chiến trường Ukraine. Ảnh: Getty Images
Những bằng chứng lần đầu tiên được công bố
Khi Nga và Ukraine vẫn đang giằng co trên chiến trường, Mỹ và các đồng minh đã tiến hành một trận chiến song song để giữ những con chip cần thiết cho các hệ thống vũ khí, máy bay không người lái và xe tăng không rơi vào tay Moscow. Nhưng phương Tây dường như đã thất bại trên mặt trận này.
“Chúng tôi nhận ra rằng đây là nhiệm vụ rất khó khăn” - Alan Estevez, người giám sát các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ tại Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại, nói với The New York Times - “Họ (Nga) đang thích nghi. Chúng tôi đang phải thích ứng với sự thích nghi của họ”.
Một báo cáo được công bố hôm 18/4 vừa qua bởi Nghiên cứu vũ khí xung đột (CAR) - nhóm độc lập chuyên kiểm tra vũ khí Nga được thu hồi từ chiến trường - đã tiết lộ bằng chứng đầu tiên được công khai cho thấy Nga đã chế tạo vũ khí bằng các con chip được sản xuất sau khi chiến sự ở Ukraine nổ ra.
Damien Spleeters, người đứng đầu cuộc điều tra của CAR, cho biết 3 con chip giống hệt nhau do một công ty Mỹ sản xuất tại một nhà máy ở nước ngoài đã được tìm thấy trong máy bay không người lái Lancet được thu hồi từ một số địa điểm ở Ukraine hồi tháng 2 và tháng 3 năm nay.
Spleeters lưu ý, những con chip này không nhất thiết là một dấu hiệu vi phạm kiểm soát xuất khẩu, vì cho đến trước tháng 9/2022, Mỹ vẫn chưa ban hành các hạn chế cụ thể đối với loại chip này. Ông cho biết các con chip này được sản xuất vào tháng 8 và có thể đã được chuyển tới Nga ngay sau đó, nhưng ông coi đây là chỉ dấu cho thấy kho dự trữ thiết bị điện tử lớn trước chiến tranh của Nga cuối cùng cũng cạn kiệt.
“Bây giờ là lúc chúng ta sẽ bắt đầu xem xét liệu các biện pháp kiểm soát và trừng phạt có hiệu quả hay không” - Spleeters nói.
Thực tế, doanh số bán chip trực tiếp cho Nga từ Mỹ và các đồng minh hiện đã giảm mạnh xuống con số 0. Các quan chức Mỹ nói rằng Nga đã mất phần lớn nguồn cung cấp vũ khí hiệu quả nhất của mình, và buộc phải thay thế các bộ phận giả hoặc kém chất lượng khiến vũ khí của họ thiếu chính xác hơn. Nhưng dữ liệu thương mại đến nay đã cho thấy nhiều quốc gia khác đang can thiệp để cung cấp cho Nga một số thứ mà nước này cần.
Theo dõi của tổ chức tư vấn Silverado Policy Accelerator cho thấy, sau khi giảm mạnh ngay sau chiến sự nổ ra, nhập khẩu chip của Nga đã tăng trở lại, đặc biệt là từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc). Số liệu nhập khẩu từ tháng 10/2022 - 1/2023 đã tăng 50% so với mức trung bình mỗi tháng trước chiến tranh.
Sarah V. Stewart, giám đốc điều hành của Silverado, cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu áp đặt lên Nga đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng hiện có và gọi đó là “một điều thực sự tích cực”. Nhưng bà khẳng định Nga vẫn đang tiếp tục nhận được một lượng chip lớn. “Đó thực sự là một mạng lưới chuỗi cung ứng rất, rất lớn, rất phức tạp và không hẳn đều minh bạch” - Stewart nói - “Chip thực sự quá phổ biến”.
Quá khó để cấm vận chip
Cuối tháng trước, các quan chức Mỹ và EU đã trao đổi thông tin về công nghệ trị giá hàng triệu đô la đang lọt qua kẽ hở cấm vận của họ để vào lãnh thổ Nga. Tờ New York Times trích dẫn nguồn tin từ cuộc họp ngày 24/3 cho thấy, các quan chức cấp cao về thuế và thương mại ghi nhận sự gia tăng đột biến về chip và các linh kiện điện tử khác được bán sang Nga thông qua Armenia, Kazakhstan và một số nước khác.
Một tài liệu được đóng dấu bởi Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ cho biết, vào năm 2022, Armenia đã nhập khẩu nhiều hơn 515% chip và bộ xử lý từ Mỹ và 212% từ EU so với năm 2021. Armenia sau đó đã xuất khẩu 97% trong số đó các sản phẩm tương tự sang Nga - tài liệu cho biết.
Trong một tài liệu khác, cơ quan này cũng đã xác định 8 loại chip và linh kiện được coi là quan trọng đối với sự phát triển vũ khí của Nga, bao gồm một loại được gọi là “mảng cổng lập trình trường”, đã được tìm thấy trong một mẫu tên lửa hành trình KH-101 của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
Khi Moscow tỏ ra dễ dàng vượt qua lệnh cấm vận, các quan chức Washington đã dần dần mở rộng các hạn chế của mình, bao gồm xử phạt hàng chục công ty và tổ chức ở Nga, Iran, Trung Quốc, Canada và nhiều nơi khác. Mỹ thậm chí cũng đã mở rộng các hạn chế thương mại của mình đối với các mặt hàng điện tử có chứa chip khác, như máy nướng bánh mì, máy sấy tóc và lò vi sóng, đồng thời thành lập một lực lượng chuyên trách để điều tra và truy tố những bên đang cố gắng có được công nghệ nhạy cảm.
Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn - đại diện cho các công ty chip lớn - cho biết họ đang hợp tác với Chính phủ Mỹ và các bên khác để chống lại việc buôn bán bất hợp pháp chất bán dẫn, nhưng việc kiểm soát dòng chảy này là vô cùng khó khăn. Hiệp hội cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi có các giao thức nghiêm ngặt để loại bỏ các tác nhân xấu khỏi chuỗi cung ứng của mình, nhưng với khoảng 1 nghìn tỷ chip được bán trên toàn cầu mỗi năm, việc kích hoạt chúng không hề đơn giản”.
Ước tính trong năm 2021, các công ty đã chuyển giao 1,15 nghìn tỷ chip cho khách hàng trên toàn cầu, bổ sung vào kho dự trữ khổng lồ trên toàn thế giới. Trung Quốc - quốc gia không nằm trong chế độ trừng phạt - được cho cũng đang tung ra những con chip ngày càng tinh vi.
Việc chia sẻ thông tin tình báo giữa Mỹ và châu Âu là một phần trong nỗ lực đang được tăng cường nhằm giảm thiểu việc rò rỉ những mặt hàng điện tử tiên tiến sang Nga. Trong khi Mỹ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt như vậy, thì EU được cho vẫn còn thiếu các năng lực thực thi pháp luật, hải quan…
Mỹ và EU gần đây đã cử các quan chức đến các quốc gia đang vận chuyển nhiều hàng hóa hơn vào Nga, để cố gắng cắt giảm hoạt động thương mại đó. Chuyên gia Estevez của Cục Công nghiệp và An ninh Hoa Kỳ cho biết, chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ gần đây của quan chức Mỹ đã thuyết phục được Chính phủ Ankara ngừng các chuyến hàng trung chuyển sang Nga thông qua khu vực thương mại tự do của họ, cũng như việc bảo dưỡng máy bay Nga và Belarus tại các sân bay Thổ Nhĩ Kỳ.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden nói rằng các lô hàng thiết bị điện tử mà họ nhắm đến đã giảm 41% từ năm 2021 - 2022, khi Mỹ và các đồng minh mở rộng hạn chế trên toàn cầu. Matthew S. Axelrod - trợ lý thư ký thực thi xuất khẩu tại Cục Công nghiệp và An ninh - tin rằng đó đã là “một sự sụt giảm trên diện rộng”.
“Nhưng vẫn có một số khu vực nhất định trên thế giới được sử dụng để đưa những mặt hàng này đến Nga” - Matthew thừa nhận - “Đó là một vấn đề mà chúng tôi đang tập trung giải quyết”.
Về phần mình, Tập đoàn Kalashnikov - nhà sản xuất vũ khí lớn của Nga - đã từng công khai thách thức các hạn chế về công nghệ của phương Tây. “Không thể cô lập Nga khỏi toàn bộ cơ sở linh kiện điện tử toàn cầu. Đó là điều viển vông khi nghĩ đến” - Alan Lushnikov, Chủ tịch tập đoàn, cho biết trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Nga hồi năm ngoái.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu