Cụm công nghiệp - động lực phát triển kinh tế (Bài 1): Sức sống mới cho sản xuất, kinh doanh

(Baohatinh.vn) - Sự ra đời và phát triển của các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (gọi tắt là cụm CN) trên địa bàn tỉnh ta trong những năm qua đã mở ra nhiều cơ hội để khai thác tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền, thúc đẩy CN phụ trợ, CN nông thôn, CN chế biến phát triển, góp phần GQVL cho hàng ngàn lao động. Đối với các địa phương có cụm CN phát triển, lĩnh vực SXKD theo đó cũng không ngừng tăng trưởng và đạt được những kết quả bền vững.

Tiếp sức cho các làng nghề truyền thống

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Núi Hồng, thuộc cụm CN-TTCN Trung Lương khi trời đã xâm xẩm tối, nhưng trong những dãy nhà xưởng vẫn lấp lóe ánh lửa hàn. Giám đốc Công ty Nguyễn Ngọc Đường cho biết: Từ một cơ sở sản xuất nông cụ nhỏ, đến nay, các sản phẩm đúc gang và cơ khí của đơn vị đã đến với thị trường các tỉnh Bắc miền Trung và sang cả nước bạn Lào. Mỗi năm, Công ty sản xuất khoảng 1,5 tấn hàng với doanh thu gần 10 tỷ đồng.

Một góc cụm công nghiệp Phù Việt (Thạch Hà)
Một góc cụm công nghiệp Phù Việt (Thạch Hà)

“Trước đây, với quy mô sản xuất nhỏ, diện tích chật hẹp, vị trí không thuận lợi, đã có thời gian nghề rèn gia truyền của gia đình tôi tưởng chừng đứt đoạn. Cơ hội để nghề truyền thống phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững chỉ đến khi cụm CN-TTCN Trung Lương được xây dựng. Gia đình tôi là một trong những hộ tiên phong đăng ký vào hoạt động trong cụm. Chúng tôi thành lập công ty và được UBND phường cho thuê 1.800m2, nằm ngay trên trục đường chính nên từ khâu sản xuất đến vận chuyển hàng hóa đều thuận lợi. Công ty hiện thu hút 20 lao động địa phương với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng” - ông Đường phấn khởi chia sẻ.

Năm 2006, sau khi cụm TTCN Trung Lương hoàn thành và đi vào hoạt động, chính quyền TX Hồng Lĩnh và phường Trung Lương đã tích cực vận động, hỗ trợ các hộ làm nghề rèn chuyển vào khu sản xuất tập trung, đồng thời chú trọng mời gọi những doanh nghiệp (DN) lớn vào hoạt động. Chỉ một thời gian ngắn, cụm CN đã dần được lấp đầy. Đến thời điểm này, cụm CN Trung Lương đã thu hút 9 DN và 7 cơ sở sản xuất với tổng số vốn đầu tư 65,6 tỷ đồng, bao gồm các ngành nghề sản xuất khá đa dạng, GQVL cho trên 500 lao động, đưa lại giá trị sản xuất 135 tỷ đồng/năm. Đây là cụm CN có tỷ lệ lấp đầy cao nhất và đã được UBND tỉnh quyết định điều chỉnh mở rộng thêm 19,8 ha, đưa tổng diện tích toàn cụm lên 26,4 ha.

Ở làng nghề mộc Thái Yên (Đức Thọ), cụm CN được xây dựng đã giải bài toán về mặt bằng sản xuất và đảm bảo môi trường sống để thúc đẩy nghề truyền thống phát triển quy mô và đổi mới chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Cụm CN Thái Yên hiện có trên 20 DN và cơ sở sản xuất lớn cùng gần 800 hộ tham gia sản xuất đồ mộc; GQVL cho gần 2.000 lao động với thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.

Động lực thu hút đầu tư

Cụm CN Phù Việt (Thạch Hà) nằm dọc theo QL 1A, phụ cận TP Hà Tĩnh ngay sau khi ra đời đã là địa điểm lý tưởng cho nhiều DN. “Mặc dù đã quy hoạch cụm CN nhưng điều mà nhiều nhà đầu tư lo ngại là khó khăn muôn thuở trong công tác GPMB. Chúng tôi đã huy động cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc quyết liệt để tuyên truyền, vận động nhân dân, giải quyết thấu đáo quyền lợi của người dân nhường đất, từ đó đã thu hồi được hơn 23 ha cho các nhà đầu tư triển khai dự án” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Bá Du cho biết.

Sản xuất cấu kiện bê tông ly tâm đúc sẵn tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Viết Hải.
Sản xuất cấu kiện bê tông ly tâm đúc sẵn tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Viết Hải.

Kết quả của sự nỗ lực từ các cấp chính quyền ở Thạch Hà đã có thể nhìn thấy khá rõ nét khi cụm CN Phù Việt thu hút được 4 dự án vào hoạt động ổn định với giá trị sản xuất đạt trên 339 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 400 lao động. Điển hình trong số đó là Nhà máy Bê tông thương phẩm cấu kiện công nghệ cao Viết Hải do Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Viết Hải đầu tư xây dựng. Giám đốc Nhà máy Ngô Thế Phi cho biết: “Cụm CN Phù Việt ra đời là cơ sở quan trọng để Công ty chúng tôi mở rộng lĩnh vực hoạt động từ thương mại sang sản xuất. Với điều kiện giao thông thuận lợi, vừa gần với nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào (cát, đá ở Hồng Lĩnh, Đức Thọ) lại vừa gần thị trường đầu ra lớn là TP Hà Tĩnh, cụm CN Phù Việt thực sự đã giúp Viết Hải mở chiến lược hoạt động dài hơi. Đến nay, với 2 dây chuyền sản xuất: bê tông thương phẩm (công suất 120m3/h) và cọc ly tâm dự ứng lực (công suất 250 ngàn m/năm), năm 2013, doanh thu nhà máy đạt 300 tỷ đồng, tạo việc làm với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng cho 250 lao động”.

Chúng tôi đến cụm CN Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) những ngày đầu năm 2014 trong không khí lao động khẩn trương, sôi động. Đến thời điểm này, cả 2 dây chuyền sản xuất sợi với 3 vạn cọc của Nhà máy Cọc sợi Hồng Lĩnh (Vinatex) đã đi vào hoạt động. Trong tiếng máy rộn ràng, em Đặng Thị Hiền (quê xã Yên Lộc - Can Lộc) vui vẻ: “Em làm công nhân trong nhà máy ở miền Nam nhưng thu nhập chẳng ăn thua. Khi biết Nhà máy sản xuất cọc sợi Hồng Lĩnh tuyển công nhân, em đến nộp đơn xin việc và được tuyển vào làm ngay. Hiện tại, em rất hài lòng với công việc của mình”.

Nhà máy Sản xuất cọc sợi do Tập đoàn Dệt may Việt Nam đầu tư với tổng nguồn vốn 140 tỷ đồng, đang là hạt nhân và là đầu kéo cho sự phát triển của cụm CN. “Sự chủ động trong xúc tiến đầu tư và những chính sách ưu đãi của tỉnh đã giúp chúng tôi xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động trong giai đoạn nền kinh tế nói chung hết sức khó khăn. Năm 2013, chỉ với 1 dây chuyền công suất 1,4 vạn cọc, nhà máy đã sản xuất gần 1.000 tấn sản phẩm. Đến nay, nhà máy đã thu hút 300 công nhân, chủ yếu là người dân ở TX Hồng Lĩnh và các huyện lân cận vào làm việc với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng”- ông Dương Đình Tân, Phó Giám đốc Nhà máy Sản xuất cọc sợi Hồng Lĩnh cho biết.

Cũng theo ông Tân, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang xúc tiến mở rộng quy mô nhà máy sợi, đồng thời phát triển thêm nhà máy dệt kim và nhà máy nhuộm, khép kín quy trình sản xuất các sản phẩm dệt may phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Mặc dù ra đời muộn hơn nhưng cụm CN Bắc Cẩm Xuyên đang là một nhân tố mới trong thu hút đầu tư với sự có mặt của 5 DN với tổng số vốn các dự án trên 70 tỷ đồng. Năm 2014, có 4 nhà đầu tư khác đang thực hiện các thủ tục để triển khai dự án mới, từng bước lấp đầy cụm CN có quy mô hơn 50 ha, với vị trí địa lý, điều kiện giao thông thuận lợi này. Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Hải, trong quá trình nỗ lực kêu gọi đầu tư, huyện đặc biệt chú trọng tìm kiếm các dự án đảm bảo các yếu tố: GQVL cho nhiều lao động và tham gia sản xuất, chế biến nông sản để tạo đầu ra cho huyện thuần nông.

Theo báo cáo của Sở Công thương, đến nay, toàn tỉnh có 18 cụm CN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 499,8 ha. Các cụm CN đã thu hút 129 dự án đầu tư đăng ký SXKD với số vốn đăng ký 2.451 tỷ đồng. Trong đó đã có 80 dự án đi vào hoạt động với số vốn đạt 953,18 tỷ đồng; tạo ra giá trị sản xuất CN năm 2013 ước đạt 1.900 tỷ đồng, chiếm 22% giá trị sản xuất CN toàn tỉnh; có 2.394 lao động được làm việc tại các cụm CN với thu nhập bình quân khoảng 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast