Nâng tầm giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

(Baohatinh.vn) - Tạo được niềm tin với khách hàng, các cơ sở công nghiệp nông thôn ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư máy móc, nhà xưởng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công ty CP An Hồng (thị trấn Xuân An, Nghi Xuân) chuyên sản xuất sản phẩm mộc dân dụng trong gia đình; bàn ghế cho trường học, cơ quan, công sở... Các sản phẩm giá kệ đa năng, bộ bàn ghế học sinh tiểu học… của doanh nghiệp nhiều năm liền được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực và quốc gia.

2.jpg
Công ty CP An Hồng đã đầu tư nhiều thiết bị máy móc để phát triển hoạt động sản xuất.

Theo bà Lê Thị Kim Hòa – Phó Giám đốc Công ty CP An Hồng, năm 2023, dù kinh tế khó khăn, hầu hết thị trường nhiều ngành nghề sụt giảm nhưng công ty vẫn đạt doanh thu 20 tỷ đồng. Để phát triển sản xuất - kinh doanh, trong năm 2023, công ty cũng đã đầu tư một số loại máy móc như máy cưa xẻ, máy cắt rong cạnh, xây dựng phòng mẫu trưng bày sản phẩm.

1.jpg
Năm 2023, Công ty CP An Hồng đã xây dựng phòng mẫu trưng bày các sản phẩm để khách hàng thuận tiện tham khảo.

“Công ty đang tạo việc làm cho 60 lao động, chủ yếu là người địa phương. Từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi đã xuất hơn 10 chuyến hàng với các sản phẩm trường học, hòm đạn quân đội cho khách hàng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh. Với mục tiêu doanh thu năm 2024 tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2023, chúng tôi dự định sẽ đầu tư 2 hệ thống máy dán cạnh cho sản phẩm gỗ công nghiệp, máy làm mộng oval với kinh phí hơn 500 triệu đồng và nghiên cứu phát triển thêm các mẫu bàn ghế đa năng. Đặc biệt, sẽ tiếp tục phát triển thị trường qua việc tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm để khách hàng tin tưởng, giới thiệu sản phẩm cho nhau” – bà Hòa cho biết thêm.

Bắt đầu sản xuất từ năm 2019 với sản phẩm đầu tiên là cốm gạo lứt, đến nay, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ An Phát (xã Việt Tiến, Thạch Hà) đã đưa 13 sản phẩm ra thị trường như cốm gạo lứt, trà gạo lứt, bột ngũ cốc, bột dinh dưỡng, gạo hữu cơ… Trong đó, có 5 sản phẩm đã được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và khu vực. Hiện nay, các sản phẩm của công ty có mặt tại nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, hệ thống siêu thị ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.

4.jpg
Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ An Phát hiện có 13 sản phẩm được bán trên thị trường.

Cùng với tập trung phát triển sản phẩm mới và tìm kiếm thị trường, công ty cũng đặc biệt chú trọng mở rộng hệ thống nhà xưởng, đầu tư máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất. Ông Lê Văn An - Giám đốc công ty chia sẻ: “Năm 2023, chúng tôi đã đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng để xây dựng 1 nhà xưởng, mua sắm máy bay nông nghiệp không người lái và các máy móc, phương tiện sản xuất. Trong năm nay, công ty đang xây dựng mở rộng thêm 1 nhà xưởng quy mô 1.500m2, dự kiến đầu tư thêm hệ thống dây chuyền chiết xuất dược liệu với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Cùng đó, mở rộng liên kết thêm 300ha vùng nguyên liệu để phát triển quy mô sản xuất”.

Đó là 2 trong nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đánh giá của Sở Công thương, thời gian qua, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất bằng áp dụng công nghệ mới, đầu tư máy móc, nhà xưởng, mở rộng quy mô; nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ và đáp ứng tốt hơn những đơn hàng lớn… Có thể kể đến như: hương trầm Hiền Linh, bánh ram Anh Thu, bánh đa vừng Nguyên Lâm, sen Hào Thành, kẹo cu đơ Hoàng Nguyên, giò chả Tiến Giáp, bộ dụng cụ nhà bếp của Công ty CP sản xuất và thương mại mỹ nghệ Thái Yên…

8.jpg
Năm 2023, cơ sở giò me Tiến Giáp (thị trấn Hương Khê) đầu tư thêm máy sấy, xông khói xúc xích, lạp xưởng.

Theo số liệu từ Sở Công thương, tính đến nay, qua các kỳ bình chọn, Hà Tĩnh có 166 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 38 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 13 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu chủ yếu thuộc các nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ; chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm; thiết bị máy móc, dụng cụ cơ khí. Đây là những sản phẩm có thế mạnh, mang nét đặc trưng của địa phương, có tiềm năng để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Cùng với sự nỗ lực sản xuất, kinh doanh từ các cơ sở, để góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất thông qua các hoạt động như: kết nối tham gia giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện xúc tiến thương mại; tổ chức tập huấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ các cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tiếp cận các chương trình khuyến công địa phương và quốc gia…

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.