Cử tri ngành y tế quan tâm vấn đề thanh quyết toán khám chữa bệnh BHYT

(Baohatinh.vn) - Vướng mắc trong quá trình thanh, quyết toán kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) là vấn đề “nóng” được đông đảo cử tri ngành y tế Hà Tĩnh quan tâm, kiến nghị.

Sáng 16/7, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Sở Y tế tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với ngành y tế

Hiện nay, Hà Tĩnh có 19 cơ sở y tế công lập thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, bao gồm 6 bệnh viện tuyến tỉnh, 7 bệnh viện tuyến huyện và 6 trung tâm y tế đa chức năng tuyến huyện.

Nguồn thu chủ yếu của các cơ sở y tế công lập trên địa bàn từ hoạt động cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán. Tuy nhiên, công tác thanh quyết toán hàng quý, hàng năm của cơ quan BHXH còn chậm, dẫn đến việc bệnh viện thiếu hụt kinh phí hoạt động.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tổng kinh phí khám chữa bệnh BHYT năm 2017, 2018 và 2019 chưa được BHXH Hà Tĩnh quyết toán là gần 250 tỷ đồng.

Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh Nguyễn Thị Diện: Cách tính bảo hiểm ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạt động, vận hành của bệnh viện.

Từ thực tế đó, cử tri đề cập tới vướng mắc như: chi phí vượt tổng mức thanh toán; chi phí vượt trần đa tuyến đến, chi phí vượt dự toán; chênh lệch giá gây mê, gây tê; chênh lệch giá thuốc; một số dịch vụ kỹ thuật chưa có mã thanh toán...

Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lê Văn Dũng: Từ ngày 1/7/2018 đến 31/12/2018, BHXH đã tạm dừng thanh toán cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh hơn 1,2 tỷ đồng tiền hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS); chưa hướng dẫn thanh toán tiền phim năm 2019 của BHXH theo Công văn 1374 của Bộ Y tế.

Cử tri còn thẳng thắn trao đổi về những khó khăn, tồn tại của ngành y tế. Theo đó, dịch Covid-19 đã làm giảm đáng kể lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế, dẫn đến phần lớn các đơn vị đều bị giảm nguồn thu (giảm từ 10-25%), ảnh hưởng khả năng cân đối thu chi và mức độ tự chủ của đơn vị.

Việc chưa ban hành thông tư hướng dẫn về đấu thầu và danh mục vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm đấu thầu tập trung dẫn đến khó khăn về mua sắm cho các cơ sở y tế.

Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bùi Thị Mai Hương: BHXH cần áp dụng văn bản mới nhất để xác định tổng mức chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2019 phù hợp các quy định của Bộ Y tế.

Một số chi phí chưa được kết cấu vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh ảnh hưởng đến việc thực hiện tự chủ tại các cơ sở khám chữa bệnh; chất lượng khám chữa bệnh giữa các bệnh viện tuyến huyện vẫn chưa đồng đều; cơ sở vật chất tại nhiều bệnh viện không đồng bộ, xuống cấp ảnh hưởng đến công tác chuyên môn...

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Hà Tĩnh Trần Nguyên Phú đề xuất: Cần rà soát hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến Luật Khám chữa bệnh và Luật BHYT

Các đại biểu đề xuất: Bộ Y tế cần sớm trình Quốc hội ban hành, sửa đổi những bất cập, chưa hợp lý trong Luật Khám chữa bệnh; Luật BHYT; ban hành thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo giá dịch vụ; bổ sung danh mục dịch vụ kỹ thuật chưa có mã thanh toán và mã tương đương thanh toán; tiếp tục duy trì thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2021-2025...

UBND tỉnh xem xét ưu tiên dự án đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế; bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ thuê phần mềm quản lý khám chữa bệnh cho các trạm y tế giai đoạn 2020-2022, phục vụ nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng đảm bảo công tác chuyên môn...

Tại hội nghị, lãnh đạo ngành y tế, tài chính, bảo hiểm xã hội đã chia sẻ với cử tri về những khó khăn, áp lực của ngành trong thời gian qua, đồng thời giải đáp và ghi nhận các ý kiến, kiến nghị liên quan đến việc thực hiện quy định, chính sách của ngành để xem xét, giải quyết.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn đánh giá cao vai trò của ngành y tế Hà Tĩnh trong thời gian qua.

Đồng thời tiếp thu, ghi nhận các nội dung kiến nghị, phản ánh của cử tri; tổng hợp để tiếp tục chuyển đến các bộ, ngành liên quan theo thẩm quyền.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói