Cuộc chiến đẫm máu trên bán đảo Triều Tiên 64 năm trước

Chiến tranh Triều Tiên kéo dài chỉ 3 năm nhưng về quy mô và sự khốc liệt không thua kém Thế chiến II, khi hơn 5 triệu binh sĩ và thường dân thiệt mạng.

Theo History.com, ngày 25/6/1950, Chiến tranh Triều Tiên nổ ra khi 135.000 binh sĩ Triều Tiên đổ quân dọc vĩ tuyến 38, ranh giới chia cắt 2 miền hình thành từ sau Thế chiến II. Đây là cuộc xung đột quân sự đầu tiên của Chiến tranh Lạnh.

Tháng 7/1950, quân đội Mỹ tham chiến cùng Hàn Quốc. Washington nói rằng đó là cuộc chiến chống lại sự bành trướng của Triều Tiên. Sau khi quân đội Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38, quân đội Triều Tiên bị đẩy tới sông Áp Lục, sát biên giới Trung Quốc.

Tháng 10/1950, quân đội Trung Quốc tham chiến vượt qua sông Áp Lục, nguy cơ về Thế chiến III sắp xảy ra, Mỹ quyết định rút quân. Tháng 7/1953, hiệp định đình chiến được ký kết, hình thành khu phi quân sự dọc vĩ tuyến 38. Tuy nhiên, hiệp định hòa bình chưa bao giờ được ký. Hai miền trên bán đảo Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Bối cảnh dẫn đến xung đột

Bán đảo Triều Tiên bị Nhật Bản chiếm đóng trong Thế chiến II. Tháng 8/1945, số phận của bán đảo được định đoạt khi Ngoại trưởng Mỹ và Liên Xô quyết định chia đôi bán đảo từ vĩ tuyến 38. Liên Xô chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về phía bắc, giáp biên giới Trung Quốc, Mỹ chiếm đóng từ vĩ tuyến 38 về phía nam.

cuoc chien dam mau tren ban dao trieu tien 64 nam truoc
Diễn biến Chiến tranh Triều Tiên. Đồ họa: Pacifism21

Tháng 11/1947, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua cuộc bầu cử được tổ chức khắp bán đảo Triều Tiên để bầu ra chính phủ lâm thời. Moscow phản đối điều này. Đến ngày 10/5/1948, người Hàn Quốc bầu ra Quốc hội, thành lập chính phủ Cộng hòa Triều Tiên, còn gọi là Đại Hàn Dân quốc, gọi tắt là Hàn Quốc, do Syngman Rhee làm tổng thống. Người miền bắc từ chối tham gia.

Ngày 9/9/1948, đảng Cộng sản Triều Tiên do ông Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) đứng đầu thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Hàn Quốc được sự hậu thuẫn của Mỹ, trong khi Triều Tiên có sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo 2 miền đều không hài lòng với việc bán đảo bị chia đôi và đều có tư tưởng thống nhất dưới chế độ của mình. Các cuộc đụng độ quân sự dọc biên giới thường xuyên xảy ra. Theo History.com, khoảng 10.000 binh sĩ hai nước thiệt mạng trước khi cuộc chiến tổng lực xảy ra.

Ngày 25/6/1950, khoảng 135.000 binh sĩ Triều Tiên vượt qua vĩ tuyến 38 để tấn công Hàn Quốc. Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án hành động của Bình Nhưỡng và yêu cầu nước này rút quân ra khỏi vĩ tuyến 38.

cuoc chien dam mau tren ban dao trieu tien 64 nam truoc
Thiết giáp hạm USS Missouri pháo kích vào bờ biển Triều Tiên. Ảnh: History.com

Cuộc chiến ác liệt và đẫm máu

Trong 2 tháng đầu tiên của cuộc chiến, quân đội Triều Tiên được trang bị đầy đủ, kỷ luật tốt đã đánh bại phần lớn quân đội Hàn Quốc có tổ chức và trang bị kém. Đến tháng 8/1950, phần lớn lãnh thổ Hàn Quốc đã bị Triều Tiên chiếm đóng.

Tháng 7/1950, tướng Douglas MacArthur, tư lệnh mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II được giao nhiệm vụ chỉ huy cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào Triều Tiên. Vị tướng lừng danh trong Thế chiến II mở đầu cuộc phản công bằng chiến dịch đổ bộ lên Incheon, bất chấp sự phản đối của Lầu Năm Góc.

Cuộc đổ bộ vào Incheon là một thành công lớn của tướng MacArthur. Ngày 25/9/1950, liên quân Mỹ - Hàn đã chiếm lại Seoul, gây thiệt hại nặng cho quân đội Triều Tiên và đẩy lực lượng này về bên kia vĩ tuyến 38. Ngày 27/9/1950, Tướng MacArthur nhận được chỉ thị nhắc nhở hạn chế các hoạt động quân sự vượt qua vĩ tuyến 38, các hoạt động quân sự qua bên kia vĩ tuyến chỉ được phép khi không có dấu hiệu về sự can thiệp của Trung Quốc hoặc Liên Xô.

Tuy nhiên Tướng MacArthur đã phớt lờ cảnh báo của Washington, cùng với sự cho phép của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, liên quân Mỹ - Hàn đã đẩy quân đội Triều Tiên tới tận sông Áp Lục, giáp biên giới Trung Quốc.

Tháng 10/1950, Trung Quốc điều quân vượt qua sông Áp Lục tiến vào Triều Tiên, Liên Xô cho phép không quân hỗ trợ trên không cho Trung Quốc. Sự vào cuộc của quân đội Trung Quốc kéo theo nguy cơ về Thế chiến III.

Mỹ quyết định rút quân, Tướng MacArthur bị sa thải. Ngày 27/7/1953, Triều Tiên cùng quân tình nguyện Trung Quốc và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc ký hiệp định đình chiến, Hàn Quốc từ chối ký. Hiệp định đình chiến tạo ra khu phi quân sự (DMZ) với bán kính 2.200 m về mỗi bên tính từ điểm trung tâm.

Khu DMZ được tuần tra bởi quân đội hai bên từ đó đến nay.

cuoc chien dam mau tren ban dao trieu tien 64 nam truoc
Một phụ nữ cõng theo đứa trẻ giữa đống đổ nát sau cuộc không kích của Mỹ vào Bình Nhưỡng. Ảnh: CNN

Chiến tranh Triều Tiên chỉ kéo dài 3 năm nhưng rất ác liệt và đẫm máu. Các số liệu về thiệt hại nhân mạng, do các bên và các nguồn, là rất khác nhau.

Gần 5 triệu người thiệt mạng trong cuộc chiến, tỷ lệ thương vong của thường dân cao hơn cả Thế chiến II.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, gần 40.000 lính Mỹ tử trận cùng hơn 100.000 trường hợp thương vong trong cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên. Theo Bách khoa toàn thư Britannica, Hàn Quốc mất khoảng 217.000 quân trong khi 1 triệu thường dân thiệt mạng. Triều Tiên có 406.000 binh sĩ tử trận, 600.000 thường dân thiệt mạng.

Quân đội Trung Quốc mất khoảng 600.000 binh sĩ. Theo SCMP, khoảng 149.000 đến 400.000 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên.

cuoc chien dam mau tren ban dao trieu tien 64 nam truoc
Từ năm 1953, một Khu Phi quân sự (DMZ) được thiết lập giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Đồ họa: CNN.
Theo Theo History.com/CNN/Zing

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.