Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh

NSND Trung Anh (quê Hà Tĩnh) ngoài đời là người ít nói, trầm tính, thích ở nhà và ngại chốn đông người. Ở tuổi 61, hạnh phúc lớn nhất với ông là dành thời gian cho gia đình.

Một buổi sáng Hà Nội ngập nắng, PV Dân Trí có hẹn phỏng vấn diễn viên Trung Anh tại nhà riêng ở quận Thanh Xuân. Đây là lịch trống hiếm hoi trong thời gian ông đang ghi hình phim Đấu trí. Bước chân vào căn chung cư, thứ đầu tiên đập vào mắt phóng viên là kệ sách lớn ở giữa nhà.

NSND Trung Anh cho biết hầu như toàn bộ sách trên kệ đều là của ông. Đọc sách là thói quen nhiều năm nay và cũng là thú vui của nam diễn viên vào những ngày rảnh rỗi.

NSND Trung Anh sống ở căn chung cư có tầm nhìn ra khuôn viên nhiều cây xanh. Ngoài đọc sách, sở thích của ông là xem đá bóng, uống trà, tưới cây.

Khác với một Lương Bổng giang hồ trong Người Phán xử, một đại tá công an lạnh lùng trong Đấu trí, NSND Trung Anh ngoài đời ít nói, sống giản đơn.

Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh

NSND Trung Anh ngoài đời là người ít nói, trầm tính khác với nhiều vai diễn mà ông hóa thân trên màn ảnh.

"Năm 17 tuổi, tôi giấu bố nộp hồ sơ vào Nhà hát kịch"

Ông bố quốc dân, bố Sơn xoăn, Lương Bổng… đâu là cái tên mà ông yêu thích nhất trong hàng loạt tên mà khán giả gọi mình?

- Tôi nghĩ thành công của diễn viên là sau mỗi vai diễn đều được khán giả gọi bằng tên ở trong phim. Biệt danh nào cũng có cái thú vị riêng nhưng nếu để chọn, tôi sẽ cảm thấy vui nhất khi nghe thấy có người gọi tôi là Trữ điên.

Cách đây 30 năm, tôi nhận vai Trữ - một chàng bộ đội sau khi giải ngũ về làng bị tâm thần trong phim Mê lộ. Đây quả thực là vai diễn rất khó và đáng nhớ với tôi vì để đóng vai người điên là không dễ dàng. Điên nhưng vẫn phải hành động làm sao để thể hiện được nội dung, tính cách, truyền tải được thông điệp của phim mà được khán giả chấp nhận.

Phim ngắn và đã rất lâu rồi nhưng bây giờ, lâu lâu có người gặp tôi và gọi là Trữ điên, tôi vẫn thấy rất cảm động.

Tôi học cách diễn của Nhà hát kịch Việt Nam, học cách diễn theo tâm lý nhân vật. Nhưng Trữ điên là nhân vật bị điên, liệu có tâm lý hay không và truyền tải tâm lý nhân vật này thế nào mới là vấn đề nên Trữ điên là vai diễn khó, thách thức đối với tôi. Đây cũng là vai diễn để lại dấu ấn cho chính bản thân tôi.

Tôi rất thích vai diễn này vì nó đặc biệt, lạ và dạy cho tôi nhiều thứ.

Trữ điên có phải vai diễn đầu tiên của ông?

- Không, vai diễn đầu tiên của tôi là trong Hà Nội mùa chim làm tổ - bộ phim của đạo diễn Đức Hoàn. Đây là bộ phim đóng với diễn viên Như Quỳnh, diễn viên Trần Vân, diễn viên Kim Thanh và một số anh chị Điện ảnh khóa 2. Khi ấy tôi 19 tuổi, đang học năm thứ hai tại khóa Diễn viên của Nhà hát kịch.

Nhớ lại những năm tháng còn trẻ, đâu là lý do khiến ông quyết định đi theo nghề diễn?

- Không vì gì cả. Nói như vậy có thể nhiều người không tin hoặc nghĩ tôi trả lời cho xong nhưng đúng là như thế. Lúc nộp đơn vào Nhà hát kịch, tôi mới 17 tuổi, chưa hiểu thế nào là đam mê, cũng không có ý thức về việc làm gì để giàu.

Hoàn cảnh của tôi khó khăn nhưng cũng khi ấy, tôi không định hình được là mình đang khó khăn. Lúc ấy, tôi thích làm rất nhiều nghề, thích làm địa chất để được đi nhiều nơi, có lúc cũng thích làm cầu thủ đá bóng. Vì hoàn cảnh gia đình, tôi muốn được tự lập sớm nên quyết định nộp đơn vào Nhà hát kịch, may mắn là trúng tuyển.

Lúc ấy, bố tôi đang làm hành chính ở Nhà hát kịch nhưng tôi giấu bố, nộp đơn mà không để cho bố biết.

Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh

NSND Trung Anh cho biết, ông thích địa chất nhưng lại nộp đơn vào Nhà hát kịch và may mắn trúng tuyển.

Nói vậy thì ông theo nghề diễn không xuất phát từ đam mê, vậy có lúc nào ông muốn bỏ cuộc không?

- Tính đến giờ, có một lần duy nhất tôi muốn bỏ nghề. Tôi học lớp Diễn viên từ năm 1978 đến năm 1982. Sau khi ra trường và nộp bài tốt nghiệp được 8 ngày, tôi cùng diễn viên Quốc Khánh, Đỗ Kỷ, Trọng Chinh đi bộ đội.

Khi ấy, bốn người đi thẳng lên biên giới để huấn luyện. Cuối năm 1984 chúng tôi xuất ngũ. Thời điểm ấy mọi thứ vô cùng khó khăn.

Khi trở về, hầu hết các bạn học cùng lớp của tôi được giữ lại để thành lập đoàn riêng của Nhà hát. Hai năm tôi ở trên rừng là hai năm các bạn được học hỏi, tập luyện nên đã bỏ xa tôi rất nhiều.

Tôi thực sự nản chí vì thấy mình thua kém và muốn bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động. Nhưng sau đó khi nghĩ kỹ, tôi biết mình yêu công việc này.

Có thể lúc đầu khi nộp đơn vào Nhà hát, tôi chưa hề yêu nghề đâu nhưng sau khi học xong, tôi được các thầy truyền cảm hứng, truyền tình yêu với nghề và tôi đã thấm được thứ tình cảm đó. Tôi quyết định đi theo con đường này cho tới nay.

Thế còn vấn đề kinh tế với ông thì sao? Thời điểm những năm 1980, 1990, nghề diễn viên vô cùng khó khăn vì mức cát-xê ít ỏi?

- Tất nhiên là lúc ấy khó khăn. Đến giờ, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình thoải mái về mặt kinh tế cả. Nhưng tình yêu với nghề là thứ quan trọng và to lớn hơn. Khi ấy, tôi theo đuổi nghề, theo đuổi công việc yêu thích chứ không phải theo đuổi danh vọng.

"Sau vai ông Sơn trong Về nhà đi con, số người gọi tôi là bố... tăng đột biến"

Từng ấy năm theo đuổi nghề diễn, đâu là vai diễn đặc biệt với NSND Trung Anh?

- Từng ấy năm theo đuổi sự nghiệp diễn viên, tôi gần như bị gắn định vào dạng vai khổ khổ, hiền lành. Cứ vai diễn nào dạng như thế là đạo diễn lại nhớ đến tôi nên vì thế mà Lương Bổng trong Người phán xử là vai diễn khó và mới mẻ nhất với tôi.

Lúc ấy, tôi nhận kịch bản từ ê-kíp và mang về nhà đọc rồi mới ngã ngửa ra vì sự khác biệt. Tôi nghĩ trong đầu đây là cơ hội vì nó quá khó, quá xa lạ và ngược hẳn với những gì từ trước đến nay tôi đóng nên đó chính là cơ hội để tôi làm dạng vai chưa làm bao giờ.

Tôi đầu tư rất nhiều trí tuệ vào vai diễn này. Đầu tư rất nhiều nhưng sau cùng, tôi lại rút ra là diễn một cách đơn giản, dán cho nó một cái tem đơn giản nhất thì lại thể hiện đúng nhất.

Lương Bổng trong phiên bản Người phán xử của Isarel là người đô con, nặng gần gấp đôi tôi. Nếu tôi đóng kiểu xã hội đen to cao thì tôi không làm được, nó không phù hợp với cơ thể của tôi nên cái khó ở đây là cách thể hiện, làm sao để thể hiện vai diễn theo cách diễn của mình.

Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh

NSND Trung Anh thừa nhận sự thành công của Về nhà đi con, Người phán xử... giúp ông có những dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp.

5-6 năm trở lại đây, kể từ thời điểm ông nhận vai Lương Bổng ở Người phán xử có phải là quãng thời gian đáng nhớ nhất của ông trong suốt 40 năm theo đuổi nghề diễn?

- Trước Người phán xử, tôi có vai diễn trong Hôn nhân trong ngõ hẹp. Đúng là bắt đầu từ khoảng thời gian này, tôi thấy mình được truyền thông chú ý hơn hẳn. Đây cũng là cột mốc đánh dấu thời điểm mà khán giả quay lại đón nhận phim truyền hình.

Có nhiều hơn những bộ phim được đầu tư bài bản ở mọi mặt, chất lượng phim cũng đi lên đáng kể. Đây là tín hiệu đáng mừng với cả nhà làm phim lẫn diễn viên chúng tôi, là cơ hội cho diễn viên có dịp để thể hiện mình và tăng thêm thu nhập.

Thu nhập của ông bây giờ khác thế nào so với chục năm về trước?

- Thu nhập của diễn viên bây giờ đã khá hơn ngày trước nhưng để so sánh thì khá khó vì mỗi thời, đồng tiền có giá trị khác nhau. Với tôi, thành công nằm ở hiệu ứng của phim được khán giả đón nhận thế nào chứ không phải là cát-xê tăng lên bao nhiêu.

Ngoài thu nhập, tôi được nhiều thứ hơn. Sau vai diễn bố Sơn xoăn, số người gọi tôi là “bố” tăng đột biến. Có nhiều khán giả chỉ kém tôi vài tuổi nhưng cũng gọi là “bố” vì họ bảo họ hâm mộ vai bố Sơn. Đây đều là những thứ mang lại niềm vui, là thành công của một người diễn viên.

Ông có nhắc đến thành công, vậy theo ông, thành công của nghệ sĩ là gì?

- Tôi biết sẽ có người nói là thành công là được khán giả biết đến hay có thu nhập cao nhưng với tôi không phải thế. Tôi nghĩ thành công là được làm việc mình yêu thích, đây là cái hạnh phúc thứ hai sau hạnh phúc gia đình.

Quan trọng nhất với tôi vẫn là đang được sống cùng công việc yêu thích của mình. Nhiều lúc, tôi nghĩ nếu bây giờ cho mình nghề khác nhiều tiền hơn nhưng phải làm giờ hành chính 8 tiếng mỗi ngày thì tôi không làm được, không thể theo đuổi công việc kiểu đó được, nó không phù hợp với tôi.

Bây giờ, ngoài việc diễn, tôi xác định phần lớn thời gian sẽ để đi dạy ở trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Ngoài ra, nếu Nhà hát kịch có lời mời, tôi vẫn sẵn sàng trở về diễn cùng mọi người.

"Ngoài đời, tôi đơn giản lắm"

Bố Sơn xoăn có phải vai diễn gần với ông nhất ở ngoài đời nên khán giả mới nhận xét là ông diễn như không diễn?

- Tôi nghĩ không có vai nào là đúng với mình 100% cả. Tất nhiên, có những vai diễn khá giống mình nhưng phim là phim, đời là đời, mọi thứ phải rạch ròi chứ không thể bảo đời giống phim. Ngoài đời tôi đơn giản lắm.

Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh

Nam diễn viên cho biết ông thích đọc sách và không thích những nơi ồn ào.

Cụ thể NSND Trung Anh sống đơn giản thế nào?

- Tôi rất ít nói. Ai quen với tôi cũng biết điều này. Không phải khi ra ngoài mà ở nhà, tôi cũng không nói nhiều. Chắc vợ tôi là người phải “chịu đựng” điều này nhiều nhất. Tôi rất ít khi ra ngoài mà chỉ thích ở nhà đọc sách.

Đây cũng là thói quen của tôi trong nhiều năm qua. Tôi đọc sách để hiểu hơn về cuộc sống. Đọc sách cũng là để trau dồi chuyên môn. Ngoài ra, tôi thích xem đá bóng. Đội bóng hâm mộ của tôi là Manchester City.

Rảnh hơn thì tôi sẽ tưới cây, uống trà, ngắm cảnh trước nhà chứ tôi không biết nấu nướng. Tôi chỉ có thể giúp đỡ vợ những công việc như bê vác đồ nặng chứ việc bếp núc, thật sự tôi không thể làm được.

Vợ cũng không muốn tôi làm vì tôi vào bếp là làm khó vợ hơn chứ không giúp được gì. Chắc vì chi tiết này nên tôi mới nói ông Sơn xoăn không hoàn toàn giống tôi vì ông Sơn giỏi chuyện bếp núc (cười).

Vì không giỏi giao tiếp nên tôi không thích và rất hiếm khi đi nhậu. Tôi không uống bia, không uống rượu và hạn chế tới nơi đông người.

Có những khi cả đoàn diễn viên kịch ở Nhà hát đi công tác, mọi người cùng nhau đi ăn tiệc nhưng vì thích sự yên tĩnh nên tôi ở lại phòng ăn mì tôm cho qua bữa.

Là diễn viên nhưng lại nhận bản thân kém giao tiếp, có phải ông đang khiêm tốn?

- Không phải, sự thật là như thế. Có thể tôi nói lời thoại hay nhưng ở ngoài đời, tôi quá ít nói nên nhiều khi không biết tìm từ gì để nói. Có nhiều bạn bè của tôi hay trêu tôi rằng diễn viên gì mà cả ngày không nói nổi một câu.

Ông thường xuyên chia sẻ về các con trên mạng xã hội, ở nhà, ông có phải một ông bố quốc dân như trên phim?

- Con cái thì đứa nào cũng sẽ có lúc ngoan, lúc hư, không thể lúc nào cũng là con ngoan trò giỏi được nhưng tôi với vợ đều đã thống nhất quan điểm là hãy để con được làm những gì con muốn chứ không phải làm những gì bố mẹ muốn.

Con du học ngành gì, nước nào cũng là do con chọn. Hai con nhà tôi đều đang du học, anh ở Phần Lan, em ở Mỹ. Hai con đi học xa tôi đều rất nhớ, thương con vì còn nhỏ đã xa nhà, xót con vì ở nhà được mẹ bao bọc nên khi sống xa gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng những điều này tôi thường ít chia sẻ cho con để con học cách mạnh mẽ, tự lập.

Cuộc sống đời thực giản dị ít người biết của NSND Trung Anh

Ông có định hướng cho con đi theo con đường nghệ thuật?

- Cả hai cháu nhà tôi đều không có năng khiếu, không thích và không muốn làm diễn viên. Hai đứa hay nói “không bao giờ” mỗi khi bố nhắc đến nghề diễn. Cách đây hơn chục năm, cũng có những đạo diễn gửi lời mời cho con tôi đi đóng phim nhưng hai cháu không thích và từ chối thẳng.

Ông từng nhiều lần chia sẻ về gia đình, về con cái, về vợ, ông đang có một gia đình viên mãn?

- Tôi không thích từ này vì tôi thấy nó quá xa vời, nó không phải là tôi. Gia đình với tôi là quan trọng nhất, tôi nghĩ với ai cũng vậy. Tôi không có bí quyết gì để giữ gìn hôn nhân mà chỉ nghĩ rằng mỗi người nên hiểu, thông cảm và biết vì nhau. Trước khi làm bất kể điều gì thì hãy nghĩ cho kỹ, đơn giản là như thế. Gia đình là số một.

Cảm ơn NSND Trung Anh vì buổi trò chuyện thú vị này!

Nội dung: Ong Thùy Dương

Ảnh: Hữu Nghị, VTV

Theo Dân trí

Đọc thêm

Podcast đến với bài thơ hay: Một chiều Đồng Lộc

Podcast đến với bài thơ hay: Một chiều Đồng Lộc

Đã có hàng trăm bài thơ ra đời tỏ lòng khâm phục và tiếc thương mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc cùng bao người con đã ngã xuống nơi đây, dẫu vậy, “Một chiều Đồng Lộc” vẫn để lại dấu ấn riêng về tứ thơ và tình cảm của tác giả.
Podcast tản văn: Bến nước sông quê

Podcast tản văn: Bến nước sông quê

Có những dòng sông không chỉ chảy qua đất đai mà còn chảy dọc theo miền ký ức. Có những bến nước không chỉ là nơi neo đậu của những chuyến đò ngang, mà còn là nơi neo đậu của hồn quê, của tình người, và những kỷ niệm lắng sâu.
Podcast tản văn: Nhớ bóng tre làng

Podcast tản văn: Nhớ bóng tre làng

Tôi sinh ra và lớn lên từ làng, nơi có lũy tre xanh rì rào khăng khít, nơi ôm ấp tôi từ thuở ấu thơ đầu trần chân đất, nơi thật thà chất phác ruộng đồng vàng hươm, dòng kênh miệt mài tưới tắm đi qua bao vật đổi sao dời…
Podcast mỗi tuần một câu chuyện: Mùa lúa trổ bông

Podcast mỗi tuần một câu chuyện: Mùa lúa trổ bông

Chiều quê yên ả, những cánh đồng mướt xanh như tấm thảm trải dài vô tận. Màu xanh ngút ngàn căng tràn sức sống của lúa đương thì con gái khiến người xem như được tiếp thêm nguồn sinh lực sống mạnh mẽ...
Thái Lan lo du lịch Việt Nam vượt mặt

Thái Lan lo du lịch Việt Nam vượt mặt

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 tăng gần 50% so với trước đại dịch, trong khi Thái Lan tăng trưởng chậm khiến các doanh nghiệp lữ hành lo lắng.
Podcast truyện ngắn: Mùa cau trở lại

Podcast truyện ngắn: Mùa cau trở lại

"Mùa cau trở lại" của tác giả Sơn Trần. Với giọng kể chân thành, mộc mạc, câu chuyện không chỉ nói về mùa cau – mùa vụ gắn bó với đời sống người dân quê – mà còn thấm đẫm những tình cảm gia đình, nỗi nhớ quê hương, và tình yêu âm thầm mà sâu sắc.
Podcast tản văn: Nhớ nhung mít ta ở làng

Podcast tản văn: Nhớ nhung mít ta ở làng

Có những hương vị tuổi thơ chỉ cần nhắc tới thôi đã khiến lòng ta thổn thức. Trong ký ức của nhiều người, trái mít quê – mộc mạc, thơm nồng – không chỉ là món quà ngọt ngào của đất trời mà còn là biểu tượng của tình làng nghĩa xóm, đầy ắp yêu thương.
Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025

Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025

Sáng 6/5, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025 đã khai mạc trọng thể tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững".
Phong cảnh hữu tình dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Phong cảnh hữu tình dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Trên tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh có nhiều đoạn tuyến băng qua đồng ruộng, đồi núi, sông suối tạo nên những cảnh đẹp hữu tình. Tuyến cao tốc được kỳ vọng tạo động lực quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư cho Hà Tĩnh.
Du lịch Hà Tĩnh - bước tiến mới về khách lưu trú

Du lịch Hà Tĩnh - bước tiến mới về khách lưu trú

Thời tiết khá tốt, nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, giao thông thuận tiện... là những yếu tố quan trọng giúp các khu, điểm du lịch Hà Tĩnh thu hút hơn 734 nghìn lượt khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Podcast tản văn: Về Hà Tĩnh nghe biển hát

Podcast tản văn: Về Hà Tĩnh nghe biển hát

Hà Tĩnh được thiên nhiên ban tặng cảnh quan sơn thủy hữu tình với những bãi biển cát mịn, nước trong, nhiều làng chài cổ có tuổi đời hàng ngàn năm. Về Hà Tĩnh, du khách không chỉ được đắm mình trong làn nước biển xanh trong, ngắm cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà còn được nghe những huyền tích thú vị.
Podcast giai thoại danh nhân: Bóng dáng người vợ

Podcast giai thoại danh nhân: Bóng dáng người vợ

Danh họa Nguyễn Phan Chánh có mối tình lớn với người vợ đầu tiên, người đã sinh cho ông 6 người con và dâng hiến cả cuộc đời cho gia đình. Dù là vợ của một danh họa nổi tiếng, nhưng bà có một cuộc đời vất vả, lo toan và nhiều hy sinh.
Nhớ về kẻ sĩ Ngàn Hống Võ Hồng Huy

Nhớ về kẻ sĩ Ngàn Hống Võ Hồng Huy

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Võ Hồng Huy là người có nhiều đóng góp cho kho tàng văn hoá dân gian xứ Nghệ với danh xưng: “kẻ sĩ Ngàn Hống”.
Trương Ngọc Ánh duyên nợ với thơ lục bát

Trương Ngọc Ánh duyên nợ với thơ lục bát

Duyên nợ với thi ca đã giúp thầy giáo dạy Sử sinh ra từ miền quê mặn mòi ven biển Đỉnh Bàn (TP Hà Tĩnh) đến với những vần thơ thấm đẫm phù sa quê hương. Trương Ngọc Ánh làm nhiều thơ, đủ các thể loại nhưng nhiều nhất, đặc sắc nhất vẫn là những bài thơ lục bát.
Dấu ấn 50 năm nền văn học nghệ thuật Hà Tĩnh

Dấu ấn 50 năm nền văn học nghệ thuật Hà Tĩnh

50 năm sau ngày thống nhất đất nước, các thế hệ văn nghệ sỹ Hà Tĩnh đã góp phần xây dựng được một nền VHNT dày dặn. Với hàng ngàn tác phẩm trên các lĩnh vực,  phản ảnh sinh động về sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của Hà Tĩnh qua các giai đoạn lịch sử.
Ca khúc cách mạng - sức mạnh chiến thắng

Ca khúc cách mạng - sức mạnh chiến thắng

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc đã 50 năm nhưng âm hưởng hào hùng của những ngày tháng khói lửa vẫn vẹn nguyên bởi những ca khúc đi cùng năm tháng. Lời ca tiếng hát đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, hun đúc tâm thế của cả dân tộc cùng ra trận và làm nên chiến thắng 30/4/1975.
Podcast truyện ngắn: Chuyến tàu Thống Nhất

Podcast truyện ngắn: Chuyến tàu Thống Nhất

Hai người bạn già ngồi bên nhau, nhấp từng ngụm trà cảm nhận vị đắng chát tan ra trong khoang miệng. Rồi chỉ còn lại vị ngọt cứ mênh mang nơi cuống họng. Ánh mắt họ hướng về phía lá cờ đỏ sao vàng treo trước cổng nhà đang tung bay trong gió…
Đêm không ngủ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Đêm không ngủ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tối 29/4 - rạng sáng 30/4, hàng nghìn người dân tập trung trên các tuyến đường trung tâm TP.HCM để chờ xem Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Màn trình diễn 7 phút của 10.500 drone

Màn trình diễn 7 phút của 10.500 drone

Tối 28/4, 10.500 drone lần lượt thắp sáng bầu trời TP.HCM trong khoảng 7 phút, chào mừng 50 năm thống nhất đất nước với hàng loạt hình ảnh biểu tượng như Bác Hồ, Dinh Độc Lập...
Khai trương mùa du lịch biển Thạch Hải

Khai trương mùa du lịch biển Thạch Hải

Đây là sự kiện khởi động cho mùa du lịch biển sôi động năm 2025, góp phần quảng bá vẻ đẹp nguyên sơ, hấp dẫn của vùng biển Thạch Hải (TP Hà Tĩnh) đến với du khách gần xa.