Hôm 22/5, anh Dũng quyết định chi 10 triệu đồng mua cặp vé xem trận chung kết bóng đá nam SEA Games 31 giữa Việt Nam và Thái Lan để rủ người yêu đi xem, chào mừng “tỏ tình thành công”.
Từ cổng sân vận động vào đến khán đài, cứ một đoạn cô gái lại rủ anh Dũng đứng lại chụp ảnh. Suốt trận đấu, cô gái nghiêng người, làm đủ mọi biểu hiện trên khuôn mặt để chụp hình. Đang phút gay cấn, cô gái xoay người về phía khán đài, nhờ bạn trai đón đúng khoảnh khắc cầu thủ trên sân lướt qua khung hình. “Thế này đăng lên mọi người mới tin mình đang đi xem chung kết chứ”, Thanh Trúc, bạn gái anh giải thích.
Trong lúc khán giả trên sân nhiệt tình cổ vũ bàn thắng, cô cặm cụi chọn ảnh, chỉnh sửa để đăng lên mạng xã hội. “Tôi không thể hiểu nổi tại sao giữa phút hân hoan đó, cô ấy vẫn đủ bình tĩnh để chụp ảnh, đăng lên mạng”, Quang Dũng, 31 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội nói.
Thanh Trúc không phải là trường hợp cá biệt. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội và các thiết bị thông minh, ngày càng nhiều người trẻ thích chụp ảnh “tự sướng” (selfie). Năm 2013, ban biên tập từ điển Oxford (Anh) đã chọn selfie là “Từ của năm” bởi sự bùng nổ của những bức hình tự chụp. Tần số sử dụng từ này trong tiếng Anh đã tăng 17.000% riêng trong năm đó.
Thống kê của Statista năm 2018 cho thấy, 62% người Mỹ thú nhận từng selfie và đăng lên các nền tảng mạng xã hội. Trong đó, nhóm người trẻ từ 18-34 tuổi chiếm đến 82%.
Ở Việt Nam, sự “cuồng” chụp ảnh đăng lên mạng còn lớn hơn. Khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Q&Me Market Research năm 2014, cho thấy 64% người Việt thích selfie, trong đó 28% chụp để thay đổi hình đại diện trên mạng xã hội và 21% muốn thay đổi tâm trạng. Tính trung bình, người dùng smartphone Việt chụp khoảng 20 tấm hình mỗi tuần. Những người thường xuyên đăng hình lên Facebook sẽ chụp nhiều hình hơn.
Nhiều người kéo đến bắc thang chụp ảnh tại đường hoa Phong Linh ở một khu đô thị thuộc phường La Khê, quận Hà Đông đợt giữa tháng 3/2022. Ảnh: Đình Hiếu
“Chúng ta đang sống trong nền kinh tế”chú ý“, một xã hội bị ám ảnh bởi diện mạo bên ngoài”, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận xét. Theo ông, nhiều người Việt ngày càng sa đà vào nhu cầu khẳng định bản thân, thu hút sự chú ý của người khác qua hình ảnh của chính mình.
Nhiều nghiên cứu khoa học phát hiện, khi chụp ảnh đăng lên mạng xã hội, được nhiều lượt thích, bình luận khen ngợi, tỏ vẻ quan tâm, tâm lý người đăng ảnh sẽ dễ chịu hơn. Thậm chí, nó làm tăng lượng dopamin và serotonin trong não (các chất dẫn truyền thần kinh giúp chúng ta có cảm giác lâng lâng, hân hoan, dễ chịu). Tuy nhiên, cũng vì cảm giác khoan khoái đó, người đăng ảnh có xu hướng muốn lặp lại với tần suất ngày một dày hơn để tận hưởng lại những trải nghiệm dễ chịu. Dần dà họ trở nên nghiện.
“Chứng”nghiện“này không chỉ xảy ra với người trẻ mà còn cả với người già”, chị Hoàng Thu Hương, 32 tuổi, ở Hà Nội nói về trường hợp mẹ đẻ 65 tuổi rất thích chụp ảnh, bất kể trong tình huống nào. “Trong đám tang bà ngoại, mẹ tôi mặc đồ tang, đứng tạo dáng u sầu để chụp ảnh, rồi đăng ngay lên mạng. Chuyện vui khoe đã đành, chuyện sầu cũng khoe”, chị kể.
Mẹ chị từng là quản lý cấp cao của một doanh nghiệp. Bình thường, bà luôn bận rộn với công việc, giao tiếp xã hội rất rộng. Mỗi dịp lễ Tết, người đến nhà thăm hỏi, tặng quà nườm nượp. Hai năm trước, bà về hưu nên vòng tròn bạn bè bị thu hẹp, không còn cấp dưới, các mối quan hệ xã hội dần đứt gãy. “Tôi cảm giác mẹ liên tục chụp ảnh, chia sẻ lên mạng như một cách níu kéo quá khứ hào quang, muốn được quan tâm, được thấy mình quan trọng”, chị nói.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (TP Hồ Chí Minh), “ái kỷ” - quá yêu bản thân là một trong những nguyên nhân khiến người Việt thích chụp ảnh.
“Họ thích được tán thưởng, được khoe sự giàu có, sang chảnh, khác biệt với mọi người. Như mẹ chị Thu Hương, đôi khi thiếu cái gì khoe cái đó, sợ mình bị lãng quên, không phải người quan trọng”, bà Tâm lý giải.
Vì quá say sưa chụp ảnh, những cô gái trẻ như Thanh Trúc bỏ lỡ niềm vui khác bên ngoài chiếc điện thoại, mất kết nối với những người xung quanh. Đứng giữa sân vận động, nhưng cô gái không thể cảm nhận niềm vui chiến thắng, không biết cầu thủ nào vừa ghi bàn.
Không những thế, cô còn chiếm luôn thời gian và niềm vui của bạn trai. Quang Dũng cho biết, những buổi hẹn hò sau đó mất hết ý nghĩa khi đến đâu, làm gì quanh Hà Nội, anh cũng phải làm “phó nháy” cho người yêu. “Tôi muốn tìm hiểu một cô gái trưởng thành hơn”, Quang Dũng nói.
Mẹ chị Thu Hương cũng ôm khư khư điện thoại, không màng làm bạn với hàng xóm, tập dưỡng sinh hay tham gia các câu lạc bộ dành cho người già.
Cô gái 20 tuổi chụp ảnh khoe những tấm vé khi xem phim ở rạp phim tại Hà Nội, tháng 4/2022. Ảnh: Phạm Nga
Theo chuyên gia Trần Thành Nam chỉ vì nghiện chụp ảnh mà nhiều người trở nên không hài lòng với ngoại hình của mình. Ông Nam dẫn số liệu từ Học viện phẫu thuật tái tạo và tạo hình khuôn mặt Mỹ, cho biết có tới 55% bệnh nhân muốn phẫu thuật thẩm mỹ mũi để trở nên đẹp hơn khi selfie mà quên mất rằng, những bức ảnh chụp ở cự ly gần thường làm sai lệch các đặc điểm trên gương mặt.
Tai nạn, “chết bởi selfie” đang trở thành một nạn dịch kỳ quặc của thời đại số và mạng xã hội. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy, khắp thế giới, 259 người đã thiệt mạng trong giai đoạn 2011-2017 khi đứng trước máy chụp hình trên điện thoại thông minh ở những địa điểm nguy hiểm.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, tâm lý thích chụp ảnh khoe lên mạng còn là manh nha cho những đố kỵ, gièm pha người khác và càng khát khao khoe nhiều hơn.
Nhóm tác giả từ Đại học Nottingham Trent (Anh) và ĐH Thiagarajar (Ấn Độ) khẳng định nghiện chụp ảnh “tự sướng” (được đặt tên là chứng bệnh selfitis) là một vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Các nhà khoa học phát hiện chứng selfitis có ba cấp độ Ranh giới (chụp ít nhất ba lần một ngày nhưng không đăng), Cấp tính (chụp ít nhất ba lần một ngày và đăng hết lên mạng xã hội), mạn tính (không kiểm soát được nhu cầu chụp và đăng lên mạng).
Các chuyên gia lưu ý, nếu đang chìm đắm trong thế giới của những bức ảnh, thì bạn nên xem xét lại nội tâm. “Hãy tự hỏi tại sao điều này lại xảy ra? Bạn đã mất bao nhiêu thời gian và năng lượng cho nó? Liệu chúng có tạo ra được kết nối bạn bè, đồng nghiệp bền chặt từ những bức ảnh đó hay không?”, PGS. TS Trần Thành Nam đặt vấn đề.
Bà Nguyễn Thị Tâm khuyên nên nói chuyện với bạn bè nhiều hơn, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, xã hội để tìm thấy ý nghĩa cuộc sống bên ngoài điện thoại.
“Chụp ảnh để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp là tốt, nhưng đừng biến nó trở thành hoạt động quan trọng duy nhất trong đời bạn”, chuyên gia lưu ý.