Sáng 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 36. Phiên chất vấn được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng (nhà Quốc hội) và được truyền hình trực tuyến với 62 điểm cầu của đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh và lãnh đạo các sở, ngành cùng dự.
Hoạt động chất vấn thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng
Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Tại phiên họp thứ 36, UBTVQH tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn để xem xét việc thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành đối với 6 nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết năm 2023.
Đây lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, UBTVQH triển khai hoạt động “giám sát lại”, thể hiện trách nhiệm của UBTVQH trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, UBTVQH. Qua đó, đánh giá toàn diện, làm rõ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để đề ra giải pháp tháo gỡ kịp thời, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát; đồng thời, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, UBTVQH với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Các vấn đề, lĩnh vực UBTVQH giám sát chuyên đề, chất vấn đều là những nội dung quan trọng, được cử tri và Nhân dân quan tâm. Để chuẩn bị cho hoạt động này, UBTVQH đã ban hành kế hoạch để các cơ quan có liên quan chủ động chuẩn bị thực hiện.
Theo chương trình phiên chất vấn, các vị ĐBQH sẽ tiến hành chất vấn 2 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương, NN&PTNT, VH-TT&DL; tư pháp; nội vụ; ANTT, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Thời gian diễn ra hoạt động chất vấn là 1,5 ngày, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, các ĐBQH sẽ phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn công tác để có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục khó khăn, vướng mắc, đáp ứng mong đợi của cử tri, Nhân dân cả nước.
Đại biểu chất vấn các nội dung liên quan tới lĩnh vực Công thương, NN&PTNT, VH-TT&DL
Trước khi bước vào phiên chất vấn, các đại biểu được nghe Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, báo cáo ý kiến của Ban Dân nguyện về việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.
Mở đầu phiên chất vấn là các câu hỏi liên quan tới lĩnh vực NN&PTNT. Theo đó, các đại biểu đã đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra các giải pháp để mở cửa tiêu thụ nông sản; bảo vệ thương hiệu nhãn hiệu, thương hiệu nông sản...
Trả lời những vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu sâu vấn đề nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm song còn khó khăn nên thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương xem xét xây dựng thương hiệu nông sản. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có vùng nguyên liệu tập trung để có sản phẩm đồng đều, quy chuẩn hóa các nông sản chủ lực...
Đề cập tới giải pháp để mở cửa tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng cho biết, chủ trương mở cửa thị trường đã được nhất quán để mở cửa tiêu thụ nông sản từ trong nước cho đến nước ngoài; đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn đối với việc chuẩn hóa hàng hóa nông sản. Hiện nay, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã ban hành các nghị định thư để nâng cao hiệu quả việc tiêu thụ nông sản ra nước ngoài...
Phiên chất vấn cũng nóng lên với các câu hỏi liên quan tới giải pháp nâng cao sản lượng, chất lượng phân bón; lộ trình sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của thiên tai; xử lý tình trạng sụt, lún tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nêu câu hỏi liên quan tới phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và công tác điều hành quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của ngành, tiến độ triển khai đề án tăng cường tự chủ nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, đại biểu Trần Đình Gia cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL về việc các tổ chức, cá nhân quan tâm muốn đầu tư để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá sau khi được UNESCO vinh danh nhưng vẫn chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nguồn lực xã hội hoá.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cũng đã đăng đàn trả lời các chất vấn về giải pháp trong đẩy mạnh hoàn thiện công tác thống kê du lịch; giải pháp đáp ứng nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; giải pháp đa dạng sản phẩm du lịch đêm.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời các băn khoăn của đại biểu xung quanh giải pháp xử lý các trường hợp vi phạm về xuất xứ hàng hóa, giải pháp đa dạng sản phẩm du lịch đêm, giá điện, giá xăng dầu...
Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia trả lời về các câu hỏi liên quan tới lĩnh vực công thương.
Phát biểu kết thúc phiên làm việc buổi sáng 21/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đầu giờ chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn đối với các lĩnh vực NN&PTNT; Công thương; VH-TT&DL.