Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều ngày 22/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Trần Đình Gia tham gia thảo luận một số nội dung về dự thảo luật. |
Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và đánh giá hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, chất lượng, bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về phát huy dân chủ ở cơ sở và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Đồng thời, các đại biểu quan tâm một số nội dung như: nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở; phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền thụ hưởng của công dân; các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong cơ quan, đơn vị, tại tổ chức có sử dụng lao động; công khai thông tin; bàn và quyết định; tham gia ý kiến; kiểm tra, giám sát; ban thanh tra nhân dân; tổ chức thực hiện;…
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Trần Đình Gia tham gia ý kiến xây dựng dự thảo luật
Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Trần Đình Gia thống nhất cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời đề nghị quan tâm một số nội dung:
Về phạm vi điều chỉnh, tán thành việc dự thảo luật mở rộng phạm vi quy định cụ thể về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; bổ sung nhiều quy định để bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ của người lao động trong doanh nghiệp đi vào thực chất, có tính khả thi hơn, không chỉ giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện quan hệ lao động mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội.
Về Ban Thanh tra Nhân dân, thống nhất với việc mở rộng thành lập Ban Thanh tra Nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở nhằm bảo đảm sự bình đẳng và tạo cơ chế để Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát (kể cả người lao động ở các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài công lập).
Tuy nhiên, đại biểu Trần Đình Gia cũng cho rằng, thực tế hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân ở xã, phường, thị trấn cơ bản là hiệu quả nhưng hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân ở các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp còn khó khăn và hiệu quả thấp do không có đủ điều kiện, thời gian, nghiệp vụ thanh tra còn hạn chế hoặc các kiến nghị của Thanh tra Nhân dân chưa được xem xét, giải quyết. Do đó, đề nghị quy định những cơ chế kinh phí, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, khen thưởng, kỷ luật để đảm bảo cho Ban Thanh tra nhân dân hoạt động hiệu quả, chất lượng hơn trong thời gian tới.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Về quyền thụ hưởng của người dân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Trần Đình Gia khẳng định quyền của công dân được thụ hưởng kết quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là một trong những quyền cơ bản, là mục tiêu, mục đích, kết quả cần phải đạt được, góp phần thể hiện tính ưu việt trong chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật về dân chủ ở cơ sở, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Vì vậy, đề nghị tại khoản 3, Điều 7 bổ sung thêm cụm từ “Được thụ hưởng kết quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở”.
Về các hình thức công khai thông tin và thời điểm công khai thông tin, tại điểm c, khoản 1, Điều 12, đề nghị bổ sung thêm nội dung phát tin trên loa truyền thanh của thôn, tổ dân. Vì thực tế có những nơi địa bàn rộng nếu chỉ phát thanh tại truyền thanh cấp xã khó đảm bảo người dân nghe và tiếp cận được đầy đủ thông tin; đồng thời đây cũng là một hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần thực hiện dân chủ cơ sở, nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân.
Về hội nghị trao đổi, đối thoại giữa ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cho rằng, đây là một nội dung rất quan trọng, thông qua đối thoại để phổ biến tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương đến với người dân. Thông qua đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của người dân để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Tuy nhiên, việc đối thoại với Nhân dân có nơi hiệu quả, tác dụng chưa cao, thậm chí còn hình thức, nhất là những cuộc đối thoại trùng với các đợt tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp. Vì vậy, đề nghị nội dung đối thoại cần phải được quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa trong luật. Đồng thời, tại khoản 1, đề nghị thay vì “hằng năm” thì “ít nhất 2 lần/năm”, ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân trên địa bàn về tình hình phát triển kinh tế, xã hội”.