Đại biểu “xoay” ngành TN&MT việc giải quyết cấp đất trái thẩm quyền

(Baohatinh.vn) - Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết giải pháp giải quyết dứt điểm tồn đọng do cấp đất trái thẩm quyền, đảm bảo quyền lợi người dân.

Đại biểu “xoay” ngành TN&MT việc giải quyết cấp đất trái thẩm quyền

Đại biểu Nguyễn Tiến Hùng

Liên quan tới nội dung đất đai, đại biểu Nguyễn Tiến Hùng (Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Kỳ Anh) và đại biểu Trần Thị Hoa - Bí thư xã Thạch Văn (Tổ đại biểu HĐND bầu tại huyện Thạch Hà) cũng đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết giải pháp giải quyết dứt điểm tồn đọng do cấp đất trái thẩm quyền, đảm bảo quyền lợi người dân và hướng xử lý việc thu hồi đất do xã quản lý triển khai chậm, quy trình kéo dài, ảnh hưởng đến việc đấu giá, cấp đất ở tại địa phương, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xã?

Trả lời nội dung chất vấn này, Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn trả lời các câu hỏi của đại biểu thông tin, vào tháng 6/2023, sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh việc đối với khu đất xã quản lý mà không phải GPMB, có hạ tầng kết nối giao thông thuận lợi, đủ điều kiện chuyển sang đất ở, tỉnh không phải thu hồi thì giao lại cho huyện để lồng vào đề án phát triển quỹ đất. Tuy nhiên, do vướng quy định pháp luật, việc xử lý vấn đề này chậm, kéo dài. Sở TN&MT đã có văn bản xin ý kiến Bộ TN&MT. Sau khi có ý kiến trả lời của Bộ TNMT, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh có hướng dẫn các địa phương thực hiện, cố gắng trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ có hướng xử lý vấn đề này.

Liên quan tới phương án giải quyết dứt điểm vấn đề tồn đọng do cấp đất trái thẩm quyền, Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn cho biết: Qua công tác thanh, kiểm tra, phát hiện 15.544 trường hợp được cấp đất, cho thuê đất trái thẩm quyền. Đến nay, các địa phương đã xử lý xong 14.066 trường hợp (đạt 90,5%); các trường hợp tồn đọng còn lại chủ yếu do không phù hợp quy hoạch, vướng mắc liên quan đến việc xác định nghĩa vụ tài chính, cơ chế hoàn trả tiền sử dụng đất, giá trị tài sản còn lại trên đất sau thu hồi hoặc do hộ gia đình không phối hợp với chính quyền địa phương.

Qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã thu hồi được 2.275 trường hợp và đang giao cho UBND cấp xã quản lý, còn 580 trường hợp chưa thu hồi được. Việc thực hiện các giải pháp giải quyết tồn đọng sau thu hồi chưa triệt để, đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân liên quan.

Đại biểu “xoay” ngành TN&MT việc giải quyết cấp đất trái thẩm quyền

Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn trả lời các câu hỏi của đại biểu

Để giải quyết dứt điểm, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan, tham mưu hướng dẫn các địa phương thủ tục thu hồi đất đã được giao, cho thuê trái thẩm quyền. Trong đó, giao trách nhiệm cho các cơ quan có liên quan trong việc tham mưu xử lý tài sản trên đất cũng như thủ tục đưa đất vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Đối với trường hợp thu hồi đất của người sử dụng đất đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng thuộc diện giao đất hoặc thuê đất trái thẩm quyền, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ TN&MT theo hướng số tiền người dân đã nộp vào ngân sách Nhà nước phải được hoàn trả; mức hoàn trả phải tương ứng với thiệt hại thực tế của người dân. Có cơ chế tài chính bố trí nguồn ngân sách nhà nước từ nguồn thu từ đất hằng năm để thực hiện hoàn trả theo nguyên tắc: Cấp ngân sách nào sử dụng tiền thu của người dân thì bố trí ngân sách để hoàn trả, trường hợp ngân sách xã không đủ khả năng thì ngân sách cấp huyện phải bố trí để hoàn trả hoặc đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần trong từng trường hợp cụ thể nếu ngân sách huyện không có khả năng.

Đại biểu “xoay” ngành TN&MT việc giải quyết cấp đất trái thẩm quyền

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga

Chất vấn tại hội trường về lĩnh vực TN&MT, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga – Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh đặt câu hỏi: Hiện nay, các cơ sở OCOP chủ yếu tổ chức sản xuất trên đất ở nông thôn. Giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất?

Trả lời câu hỏi, Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Huấn cho hay: Toàn tỉnh hiện có 219 cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, trong đó, 177 cơ sở không có nhà xưởng đã được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí sản phẩm OCOP. 42 cơ sở có xây dựng và đề nghị được hưởng hỗ trợ nhà kho, nhà xưởng bảo quản, chế biến sản phẩm và có 15 cơ sở OCOP đã được hỗ trợ kinh phí. 27 cơ sở có công trình sản xuất sản phẩm OCOP xây dựng trên đất ở, đất vườn liên kề đất ở có hồ sơ đề nghị được hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng nhà xưởng sản xuất sản phẩm OCOP.

Tuy vậy, do quy định pháp luật về đất đai chưa rõ ràng, quá trình nghiệm thu chính sách hỗ trợ các sở, ngành còn lúng túng làm kéo dài thời gian thực hiện. Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các cơ sở OCOP mở rộng quy mô sản xuất, UBND tỉnh giao các sở, ngành phối hợp với địa phương rà soát tham mưu sửa đổi, bổ sung về điều kiện hồ sơ, thủ tục nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP theo Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh bảo đảm chặt chẽ và dễ triển khai thực hiện trong thực tiễn. Các đơn vị, địa phương chủ động rà soát bố trí quỹ đất phù hợp và phối hợp, hướng dẫn các cơ sở sản xuất OCOP thực hiện thủ tục thuê đất theo đúng quy định; kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu chế biến, khu sản xuất tập trung; rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm để đáp ứng quỹ đất phục vụ các cơ sở sản xuất OCOP thuê đất theo quy định.

Chủ đề HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast