Hoạt động giết mổ lợn bằng giàn treo tại HTX Dịch vụ giết mổ gia súc tập trung Thạch Đồng, TP Hà Tĩnh diễn ra tấp nập từ 2h đến 6h mỗi ngày.
Hiện nay, TP Hà Tĩnh có 2 cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại xã Đồng Môn và phường Tân Giang, với công suất trung bình đạt 50 - 60 con/ngày/lò.
Ông Hồ Sỹ Cầm - Giám đốc HTX Dịch vụ giết mổ gia súc tập trung Thạch Đồng (xã Đồng Môn) cho biết: “Chúng tôi đang sử dụng quy trình giết mổ treo với nhiều ưu điểm. Lợn đạt tiêu chuẩn được nhúng qua chảo nước sôi để cạo sạch lông, sau đó được móc vào giàn treo, không tiếp xúc với mặt sàn.
Tất cả các bước diễn ra nhanh chóng trong vòng khoảng 10 - 15 phút, góp phần tiết kiệm thời gian, tăng năng suất. Theo khuyến cáo của chuyên môn, chúng tôi cũng tiến hành phun tiêu độc khử trùng loại mạnh 2 - 3 lần/ tuần để thực hiện phòng, chống dịch bệnh”.
Tiểu thương phân chia thịt để chuẩn bị mang đến các chợ dân sinh.
Giữa lúc dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang có những diễn biến phức tạp, quy trình kiểm dịch ở các lò mổ trên địa bàn thành phố đang được đơn vị chức năng kiểm soát chặt chẽ. Cán bộ của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TP Hà Tĩnh thực hiện kíp trực từ 21h đêm đến 9h sáng ngày hôm sau có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các công đoạn kiểm dịch theo quy định.
Anh Trần Văn Nam - Cán bộ kiểm dịch tại HTX Dịch vụ giết mổ gia súc tập trung Thạch Đồng thông tin: “Lợn được đưa vào lò mổ trước 6 tiếng và lưu lại không quá 48 tiếng để theo dõi sức khỏe, kiểm tra lâm sàng, nguồn gốc. Lợn khỏe, không có biểu hiện lạ, ốm, bệnh mới được đem đi giết mổ".
Anh Trần Văn Nam - Cán bộ kiểm dịch kiểm soát giết mổ trước khi thịt được đưa ra tiêu thụ.
"Sau giết mổ, chúng tôi kiểm tra thành phẩm thịt và lăn dấu, xuất biên lai thu phí kiểm soát giết mổ cho tiểu thương trước khi thịt được đưa ra tiêu thụ tại chợ. Vào thời điểm cuối năm, nguồn lợn được đưa đến sẽ nhiều lên do nhu cầu lớn nên công tác này cần phải tăng cường hơn nữa” - anh Nam cho biết thêm.
Chị Nguyễn Thị Thủy (tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Giữa lúc dịch bệnh như thế này, mình càng phải thực hiện nghiêm các quy định. Lợn của chúng tôi được làm tại điểm giết mổ tập trung, có dấu kiểm dịch, đảm bảo yêu cầu đến tay người tiêu dùng”.
Thịt lợn có đóng dấu kiểm dịch được xuất ra thị trường phục vụ người tiêu dùng.
Tại huyện Cẩm Xuyên - một trong những “điểm nóng” về DTLCP trong thời gian qua, công tác kiểm soát tại lò càng được quan tâm hơn trong lúc nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp vào thời điểm cuối năm.
Ông Nguyễn Đình Gia - Cán bộ thú y kiêm phụ trách kiểm dịch tại lò mổ thị trấn Cẩm Xuyên cho biết: “Lợn đợt này được nhập về lò mổ theo xe từ 15 - 20 con, chủ yếu là lợn của trang trại. Khi lợn vào chuồng, chúng tôi phải trực tiếp đến kiểm tra, theo dõi các dấu hiệu về sức khoẻ theo quy định.”
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 lò mổ hoạt động với công suất trung bình từ 10 - 15 con/đêm/lò. Tại các lò mổ này đều có cán bộ chuyên môn kiểm tra từ khâu nhập lợn vào chuồng đến xuất thịt thành phẩm ra thị trường. Thời điểm cuối năm, huyện sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra tại các sơ sở giết mổ và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Tiểu thương nhập hàng vào sáng sớm tại lò mổ để chuẩn bị mang đến các chợ dân sinh trên địa bàn.
Theo Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh Trần Hùng, ngành chuyên môn nhận định, thời tiết mưa rét sẽ làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát triển nhanh. Do vậy, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, lan rộng trên đàn vật nuôi trong thời điểm cuối năm 2020 - đầu 2021 là rất cao, nhất là DTLCP, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò...
Hơn nữa, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật tăng mạnh để phục vụ nhu cầu trước, trong và sau Tết Tân Sửu nên sẽ khó kiểm soát dịch bệnh.
Thực hiện phun tiêu độc khử trùng tại các lò giết mổ để hạn chế dịch bệnh.
"Vì thế, địa phương, cơ sở cần siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống, hạn chế dịch bệnh xâm nhiễm. Đặc biệt, tăng cường giám sát tại điểm giết mổ gia súc tập trung, nghiêm cấm hành vi giết mổ nhỏ, lẻ để kinh doanh tại gia đình và các cơ sở khác khi chưa được cấp phép.
Đồng thời, thành lập đoàn công tác trực tiếp theo dõi, bám nắm việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở các huyện; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tạo tính răn đe" - ông Hùng nhấn mạnh.