Dự thảo đánh giá, thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh có hàng trăm CLB dân ca ví, giặm do Sở VH-TT&DL và ngành GD&ĐT thành lập. Toàn tỉnh hiện có 44 nghệ nhân nắm giữ tri thức về dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Tỉnh cũng đã triển khai nghiên cứu và từng bước ứng dụng 3 đề tài khoa học cấp tỉnh về bảo tồn, phát triển dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và ca trù.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Cảnh Thuỵ trình bày dự thảo đề án và tổng hợp các ý kiến góp ý.
Hà Tĩnh cũng đã thực hiện nhiều giải pháp khôi phục hát ca trù, chống nguy cơ mai một di sản. Trên địa bàn hiện có 2 câu lạc bộ: CLB ca trù Cổ Đạm, CLB ca trù Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân). Các CLB thường xuyên duy trì sinh hoạt và dạy miễn phí; tham gia liên hoan đạt nhiều giải cao. Trong câu lạc bộ hiện nay đang tồn tại 4 thế hệ đàn và hát ca trù.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Hải Lý: Ngành Giáo dục đã chủ động phối hợp với ngành VH-TT&DL tích cực đẩy mạnh các hoạt động xây dựng CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Tuy nhiên, khó khăn nhất là người truyền dạy.
Tuy vậy, việc bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm gặp những khó khăn về cơ chế, chính sách như: lực lượng nghệ nhân am hiểu bài bản và có khả năng truyền dạy đang giảm mạnh; nhiều thành tố của di sản dân ca ví, giặm đang bị mai một; nguồn lực đầu tư bảo vệ và phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh còn hạn chế; trợ cấp cho nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú, cơ chế hoạt động du lịch còn ít...
Phó Tổng biên tập Báo Hà Tĩnh Bùi Thị Minh Huệ: Thực tế tại một số địa phương, việc phát triển dân ca ví, giặm còn gặp khó khăn do chưa nhận được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Hạn chế này cần được đưa vào đề án để có giải pháp thực hiện đạt chỉ tiêu 100% đơn vị hành chính cấp xã có CLB dân ca ví, giặm hoạt động hiệu quả.
Đối với ca trù, số nghệ nhân có kỹ năng truyền dạy đã nhiều tuổi nên việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là xuất phát từ đặc trưng của ca trù, là một loại hình nghệ thuật vừa bác học vừa dân gian.
Từ thực tế và yêu cầu bảo tồn, phát huy di sản, dự thảo đề ra mục tiêu giai đoạn 2018 – 2025 đảm bảo 100% các trường phổ thông trên địa bàn Hà Tĩnh đưa loại hình ví, giặm vào trường học; 100% các CLB dân ca ví, giặm được đầu tư trang thiết bị cần thiết; 2 năm tổ chức một lần tập huấn, đào tạo cán bộ nghiệp vụ về quản lý dân ca ví, giặm; 2 năm/lần duy trì tổ chức liên hoan dân ca ví, giặm cấp tỉnh và tham gia liên hoan với tỉnh Nghệ An; tổ chức 2 - 3 đợt trình diễn dân ca ví, giặm ở nước ngoài.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Đinh Văn Hồng: Cần nhấn mạnh giải pháp phát huy giá trị di sản ví, giặm Nghệ Tĩnh với phát triển du lịch, đầu tư các đình làng để xây dựng không gian diễn xướng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường đề xuất, cần đưa làng văn hoá Trường Lưu vào giải pháp phát triển ví, giặm; tăng cường tập huấn về biên đạo đối với cán bộ trung tâm văn hoá.
Giai đoạn giai đoạn 2026 – 2030, mục tiêu được đề ra cao hơn như: thực hiện 2 - 3 đợt trình diễn giao lưu và quảng bá dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ở các Đông Nam Á và các nước khác.
Đối với ca trù, giai đoạn 2018 – 2025, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của hai CLB hiện có; mỗi năm đào tạo từ 5 - 10 ca nương, kép đàn ca trù; thành lập mới thêm 3 CLB ca trù ở các địa phương Thạch Hà, thị xã Kỳ Anh và TP. Hà Tĩnh. Giai đoạn từ 2026 – 2030, thành lập mới từ 3 - 5 CLB ca trù; tiếp tục duy trì Liên hoan Ca trù tại huyện Nghi Xuân và nâng cấp thành liên hoan ca trù toàn tỉnh.
Để thực hiện đề án trên, dự thảo đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản; đồng thời, tính toán kinh phí thực hiện với hơn 171,6 tỷ đồng cho cả 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 2018 – 2025 cần hơn 115,5 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh yêu cầu ngành VH-TT&DL tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đề án để trình HĐND tỉnh vào kỳ họp tới.
Trong đó, đề án cần tập trung đánh giá thực trạng, nhất là những khó khăn, hạn chế. Đối với mục tiêu giải pháp, đề án cần cụ thể, chi tiết hơn để thuận lợi khi thực hiện. Cần chú trọng các nhóm giải pháp về phát triển dân ca trong trường học, vai trò của Trường Cao đẳng VHNT Nguyễn Du và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống trong bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, trách nhiệm của các địa phương. Tiếp tục quan tâm về cơ chế, chính sách, nhất là chính sách đối với nghệ nhân, đội ngũ sáng sáng tác dân ca lời mới; cùng với ngân sách, huy động tốt nguồn lực xã hội hoá. Đẩy mạnh các hoạt động du lịch gắn với phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và ca trù.