Việc hay tỉnh dậy vào ban đêm không hẳn do bạn mắc chứng mất ngủ. Giáo sư tâm lý tại Đại học London Alice Gregory cho rằng đột nhiên thức dậy trong đêm là khá bình thường.
Sau khi cơ thể hoàn toàn thả lỏng, chúng ta chuyển qua các giai đoạn khác nhau của một giấc ngủ. Trung bình mỗi chu kỳ hoàn thành trong 90 phút và tốc độ chu kỳ nhanh dần cho đến sáng hôm sau.
“Giấc ngủ của chúng ta cũng bị ngắt quãng bởi những lần tỉnh dậy ngắn hạn. Tuy nhiên, mọi người thường trở lại giấc ngủ ngay lập tức mà không hề nhận ra sự ngắt quãng này”, Giáo sư Gregory cho biết.
Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta có thể nhận thức rõ hơn. Nguyên nhân đến từ những tác động rõ ràng như cơ thể quá nóng hoặc quá lạnh, gặp ác mộng, nghe tiếng em bé khóc hay do sức khỏe (mắc chứng tiểu đêm hoặc rối loạn nhịp thở).
Giấc ngủ luôn bị ngắt quãng chứ không diễn ra liên tục. Ảnh: Giphy. |
Theo Giáo sư Gregory, tần suất mất ngủ và tình trạng kéo dài trong bao lâu mới là điều quan trọng. “Nếu bạn thường xuyên thức dậy vào ban đêm, báo ngay với bác sĩ để điều tra nguyên nhân tiềm ẩn đang gây nên tình trạng này”, Giáo sư Gregory đưa ra lời khuyên.
Thiếu ngủ gây ra những hệ quả như hay cáu kỉnh, mất tập trung, tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim và tiểu đường...“Mọi người thường cho rằng con người ngủ suốt đêm, đó là quan niệm sai lầm”, huấn luyện viên giấc ngủ Katie Fischer khẳng định.
Chúng ta không nhất thiết quá lo ngại về tình trạng thức dậy nhiều lần mỗi đêm, điều quan trọng nhất là việc cảm thấy thế nào sau khi thức dậy. Vào mỗi sáng, bạn cảm thấy sảng khoái, tươi mới hay lại ủ rũ, chẳng có năng lượng?
Huấn luyện viên Fischer cho rằng giấc ngủ ở người đã có gia đình nhiều khả năng bị ảnh hưởng hơn. “Bản thân họ có thể không bị các vấn đề về giấc ngủ nhưng vẫn mất ngủ do ảnh hưởng bởi người xung quanh”, cô nói.
Thay đổi lối sống sẽ tạo ra khác biệt lớn. Điều này có thể áp dụng với cả những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ (dù tốt nhất họ nên được điều trị bởi một chuyên gia y tế). Huấn luyện viên Fischer khuyên mọi người hãy ngừng tiêu thụ caffein sau 2 hoặc 3 giờ chiều. Lượng nước uống trong ngày cũng là một yếu tố bởi mất nước cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ.
Trái cây, đậu, hạt và một số thực phẩm lành tính khác giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Ảnh: Guardian. |
Tương tự, mọi người cũng thường dùng đồ uống có cồn để giúp dễ ngủ. Tuy nhiên, rượu cũng mang lại không ít tác hại lâu dài: Gây ra sự gia tăng đột biến lượng đường và mức độ cortisol trong máu. Chế độ ăn uống có thể hoạt động theo phương thức tương tự. Một số loại thực phẩm “chống ngủ” như bông cải xanh và bắp cải chứa hàm lượng đường cao, gây đầy hơi hoặc ợ nóng.
Để ngủ ngon hơn, Fischer khuyến khích mọi người nên ăn nhẹ trước khi ngủ bằng các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate và protein chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt với sữa, bánh mì nướng với bơ đậu phộng. Một chế độ ăn nhiều trái cây, rau, protein, các loại đậu, hạt và chất béo lành mạnh (hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ và rượu) được chứng minh giúp cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ.
Ngoài ra, việc tập thể dục vào ban ngày cũng cải thiện chất lượng giấc ngủ nhưng cần hạn chế hoạt động mạnh, tốn sức vào ban đêm. Một lời khuyên quan trọng chính là hãy chuẩn bị cho mình một “giấc ngủ sạch”: Hạn chế tiếp xúc màn hình ánh sáng xanh và đi ngủ đúng giờ.
Kiểm soát căng thẳng và lo lắng, học cách thư giãn cơ thể và tâm trí là chìa khóa cho một giấc ngủ ngon lành. Ảnh: Guardian . |
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyên mọi người giữ không gian phòng ngủ đúng nghĩa là “phòng ngủ”. Đừng biến đây trở thành phòng làm việc hay xem phim vì sẽ gây ám thị nơi này không dành để ngủ. Nếu đã tỉnh giấc trong đêm thì hãy thức dậy thêm một chút, nằm trên giường cố ngủ lại chỉ phản tác dụng.
Hơn hết, kiểm soát căng thẳng và lo lắng, học cách thư giãn cơ thể và tâm trí là chìa khóa cho một giấc ngủ ngon lành.
Cơ chế sinh học cho thấy không phải định nghĩa của giấc ngủ ngon là ngủ suốt đêm và điều đó cũng không bao giờ xảy ra. Thay đổi quan niệm về “giấc ngủ ngon” là điều đầu tiên mà tất cả chúng ta cần hướng đến.