Đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết việc làm cho con em Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 50%, giải quyết việc làm mới cho trên 20 nghìn người/năm.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số số 10 -CT/TU ngày 15/6/2021 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Hà Tĩnh.

Các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn Hà Tĩnh đang sử dụng khá nhiều lao động. Ảnh tư liệu

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn Hà Tĩnh đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm từng bước được hoàn thiện; việc thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt một số kết quả bước đầu; đội ngũ giáo viên dạy nghề được bổ sung về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng; quy mô đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được mở rộng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; chất lượng nguồn nhân lực từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm ngày càng tăng.

Tuy vậy, công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chậm; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, chất lượng đội ngũ giáo viên một số cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu; một số thiết bị, cơ sở vật chất được đầu tư nhưng phát huy chưa hiệu quả; nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp đang còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước, chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia; đào tạo nghề chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, số lao động có việc làm đúng ngành nghề đào tạo còn ít; tác phong công nghiệp, trình độ tay nghề, năng suất lao động còn thấp nên trong quá trình sử dụng lao động các doanh nghiệp còn phải đào tạo lại; công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT tại một số địa phương, nhà trường chưa được quan tâm đúng mức.

Điều kiện sinh hoạt, nhà ở, thu nhập, đời sống của công nhân lao động còn nhiều khó khăn; chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, tiền công một số nơi chưa được thực hiện đầy đủ; tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đang diễn ra cục bộ ở một số doanh nghiệp, địa phương; nhân lực di cư tự do ra nước ngoài lao động và làm việc ở ngoài tỉnh còn nhiều.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 50%, giải quyết việc làm mới cho trên 20 nghìn người/năm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành và các địa phương, đơn vị thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân về công tác đào tạo nghề; huy động sự tham gia của doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp, cung cấp thông tin về các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các công trình, dự án trọng điểm, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư để thu hút người lao động tại địa phương và con em quê hương đang làm việc tại các tỉnh, thành phố trở về làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện để người lao động có cuộc sống ổn định, góp phần xây dựng quê hương.

2. Đẩy mạnh thu hút đầu tư; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng lao động, giải quyết việc làm cho con em Hà Tĩnh; tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng hạ tầng như ký túc xá, nhà văn hóa công nhân, nhà trẻ,…; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyển dụng nguồn nhân lực trên địa bàn.

Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quan tâm cải thiện môi trường làm việc, tiền công, tiền lương, bảo hộ, an toàn vệ sinh lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả của doanh nghiệp và đời sống, thu nhập của người lao động. Chủ động các biện pháp phòng, chống, kiểm soát, không để dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 lây lan trong các khu kinh tế, cụm công nghiệp, làng nghề, các doanh nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 27/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể Nhân dân trong doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

3. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và cung ứng nhân lực. Ban hành khung giá đào tạo các nghề trình độ trung cấp, cao đẳng, tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tiến tới tự chủ về kinh phí và tổ chức bộ máy; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc.

4. Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động số 1011-CT/TU, ngày 3/5/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trong thời gian qua, từ đó rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp.

Tăng cường xã hội hóa; ưu tiên nguồn lực đầu tư một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhân lực của các doanh nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; quan tâm đào tạo đội ngũ giáo viên, đầu tư trang thiết bị, đổi mới nội dung, chương trình dạy nghề. Đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí, biên chế gắn với quản lý, sử dụng đội ngũ giáo viên, người lao động không phải là viên chức nhà nước trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Tổ chức khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, các công trình dự án trên địa bàn theo lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm dịch vụ việc làm chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức hiệu quả đào tạo nghề, cung ứng lao động, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, làm ảnh hưởng môi trường đầu tư.

Nghiên cứu, đánh giá, xây dựng, hoàn thiện các chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên các ngành nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế. Đánh giá, hoàn thiện lộ trình áp dụng chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ, xem xét áp dụng đạt trình độ ngoại ngữ bậc 2 đối với học sinh tốt nghiệp trung cấp, bậc 3 đối với sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, hướng tới mục tiêu 30% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành nghề đào tạo vào năm 2023.

5. Thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông để tăng cường công tác đào tạo nghề sau phân luồng; tăng cường nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên; gắn kết chặt chẽ công tác giáo dục nghề nghiệp với giáo dục thường xuyên cấp trung học thổ thông. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; chú trọng vào việc thực hành để học sinh có kỹ năng nghề tốt hơn khi ra trường, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Ưu tiên đào tạo lao động phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong tỉnh, trong nước và phục vụ xuất khẩu lao động; tăng cường tuyên truyền, định hướng, quản lý việc lao động ra nước ngoài làm việc.

6. Về tổ chức thực hiện: Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm cho các sở, ngành và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị. Đề xuất các cơ chế, chính sách đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là thu hút lao động trong các doanh nghiệp ở các địa phương về làm việc tại tỉnh Hà Tĩnh.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp các cơ quan: Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Trung ương, của tỉnh trong lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm. Phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác thông tin để người lao động hiểu đầy đủ các chủ trương, chính sách của tỉnh, ưu đãi của doanh nghiệp để trở về làm việc tại địa phương.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên, người lao động và các tầng lớp Nhân dân và giám sát việc thực hiện Chỉ thị; kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chủ trương về dạy nghề và giải quyết việc làm.

Các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc xây dựng các chương trình, kế hoạch và đề ra các giải pháp cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung tại địa phương. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức để chuyển tải đầy đủ thông tin tới con em Hà Tĩnh đang làm việc ở ngoại tỉnh tìm hiểu về làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp tại địa phương.

Các đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành, thị ủy chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị này gắn với các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Chỉ thị này được quán triệt đến các tổ chức đảng, đảng viên và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói