Video: Anh Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ về lợi ích của ứng dụng sơ đồ tư duy
Ngày 29/6/2023, anh Nguyễn Hồng Sơn (kiểm sát viên sơ cấp Viện KSND thị xã Hồng Lĩnh) đã thực hiện báo cáo vụ án Phan Công Hiền (SN 1989, trú tại xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ) phạm tội “Cướp giật tài sản” bằng phương pháp sơ đồ tư duy.
Bằng ứng dụng phần mềm iMindmap 10 kết hợp số hóa hồ sơ, trình chiếu tài liệu, hình ảnh chứng cứ, kiểm sát viên đã giúp lãnh đạo đơn vị dễ dàng nắm bắt toàn bộ nội dung vụ án để có hướng chỉ đạo giải quyết.
Viện KSND TX Hồng Lĩnh tập huấn công tác số hóa hồ sơ, báo cáo án bằng phương pháp sơ đồ tư duy
“Việc báo cáo án bằng sơ đồ tư duy thể hiện đầy đủ, ngắn gọn toàn bộ quá trình tố tụng, nội dung vụ án, hệ thống chứng cứ, các vấn đề liên quan như nhân thân bị can, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự…
Mỗi nội dung phản ánh trên sơ đồ đều được đính kèm hình ảnh, các file tài liệu đã được số hóa, đưa ra đề xuất cụ thể. Sau khi nghe báo cáo án và quan sát sơ đồ tư duy, mọi người nhận xét việc đánh giá chứng cứ thông qua hình thức này rất đầy đủ, dễ hiểu”, anh Sơn chia sẻ.
Kiểm sát viên Trần Văn Hải (Viện KSND huyện Lộc Hà) báo cáo quan điểm giải quyết vụ án Trần Đình Cường (SN 1984, trú xã Thạch Kim, Lộc Hà) về tội “Trộm cắp tài sản” bằng việc ứng dụng sơ đồ tư duy.
Trước đó, vào ngày 1/6/2023, kiểm sát viên Trần Văn Hải (Viện KSND huyện Lộc Hà) đã sử dụng sơ đồ tư duy để báo cáo quan điểm giải quyết vụ án Trần Đình Cường (SN 1984, trú xã Thạch Kim, Lộc Hà) về tội “Trộm cắp tài sản”.
Anh Hải cho hay: “Dựa trên các hướng dẫn của Viện KSND tối cao, tôi đã tìm hiểu, ứng dụng phần mềm Xmind để xây dựng sơ đồ tư duy hình cây. Để hệ thống hoá vụ án bằng sơ đồ đòi hỏi kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ các hồ sơ, tài liệu để từ đó, trình bày rõ ràng, dễ hiểu toàn bộ nội dung. Bên cạnh đó, quá trình đánh giá chứng cứ đầy đủ, sinh động cũng đã tạo tính thuyết phục cao cho người nghe và hỗ trợ kiểm sát viên làm rõ đề xuất đường lối giải quyết vụ án”.
Viện KSND huyện Kỳ Anh tổ chức báo cáo án bằng sơ đồ tư duy vào đầu tháng 6/2023.
Mục đích của việc xây dựng sơ đồ tư duy nhằm tăng cường ứng dụng CNTT vào thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, nâng cao chất lượng báo cáo án và duyệt đường lối giải quyết án đảm bảo yêu cầu đổi mới, tăng cường hoạt động công tố.
Theo đánh giá của các cán bộ, kiểm sát viên, kiểm tra viên, việc báo cáo án bằng sơ đồ tư duy là một phương thức mới nhưng đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu. Tuy nhiên, để xây dựng được một sơ đồ vụ án đảm bảo chất lượng, khoa học và hiệu quả đòi hỏi mỗi cán bộ, kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án phải nghiên cứu kỹ nội dung và những vấn đề liên quan, nắm vững hệ thống chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ.
Sơ đồ tư duy giúp kiểm sát viên thuận lợi trích dẫn, sử dụng các chứng cứ, tài liệu khi nghiên cứu , dễ dàng phát hiện các thiếu sót trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
Ngoài việc tăng cường khả năng tiếp cận cho người theo dõi, việc báo cáo án bằng sơ đồ tư duy còn là phương pháp lưu trữ hữu hiệu.
Nếu theo phương pháp cũ, khi cần tìm thông tin, dữ liệu của vụ án, kiểm sát viên phải tìm ở từng trang bút lục, mất nhiều thời gian và khó chủ động trong việc phân tích, đánh giá vụ án thì nay chỉ cần vài thao tác đơn giản, toàn bộ thông tin, dữ liệu cần tìm sẽ được hiển thị.
Ngành kiểm sát tăng cường ứng dụng CNTT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như: ứng dụng sơ đồ tư duy, tham gia phiên toà trực tuyến...
Ngày 2/12/2022, Viện KSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/VKSTC về công tác của ngành kiểm sát nhân dân năm 2023. Trong đó, xác định năm nay là năm đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Tại Hà Tĩnh, bắt đầu từ tháng 5/2023 đến nay, qua quá trình tập huấn, thí điểm, việc ứng dụng sơ đồ tư duy trong báo cáo án đã được viện KSND hai cấp triển khai thực hiện. Chỉ sau gần 2 tháng, các phòng nghiệp vụ của Viện KSND tỉnh và 13/13 đơn vị viện KSND cấp huyện đã xây dựng sơ đồ tư duy, báo cáo án bằng hình ảnh.
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lê Thị Quỳnh Hoa cho biết: “Việc xây dựng sơ đồ tư duy trong là một bước cao hơn của quá trình số hoá hồ sơ báo cáo án, nhằm thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp hiện nay. Trong thời gian tới, viện KSND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng báo cáo án bằng sơ đồ tư duy nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành kiểm sát nhân dân”.