Đề xuất bỏ thi nâng ngạch công chức, thay thế xét theo khả năng làm việc

Bộ Nội vụ đề xuất cân nhắc bỏ thi nâng ngạch thay bằng xét nâng ngạch công chức trên cơ sở khả năng làm việc, thành tích ở ngạch cũ.

Xét nâng ngạch chú trọng đến kết quả làm việc

Qua tổng kết kinh nghiệm triển khai Luật Công chức, Bộ Nội vụ cho biết, các quốc gia thực hiện việc nâng ngạch đảm bảo thăng tiến cho công chức giữ ngạch, với cơ cấu ngạch sơ cấp và cao cấp theo tỷ lệ nhất định trong từng cơ quan.

Ảnh minh họa

Khi xét nâng ngạch, nhiều quốc gia chú trọng tới kết quả làm việc, thành tích và phân cấp cho người đứng đầu cơ quan xét trên cơ sở đánh giá hiệu suất làm việc.

Tại Trung Quốc, công chức khi được thăng lên cấp bậc cao hơn phải được thăng từng bậc trong ngạch và phải đáp ứng các điều kiện cơ bản về tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất, đạo đức, tinh thần làm việc, có trình độ, năng lực làm việc và chấp hành pháp luật, thành tích trong công tác, thời gian giữ ngạch 2-4 năm.

Còn ở Nhật Bản, việc thăng chức cho công chức sẽ theo hình thức thi tuyển cạnh tranh giữa những người đang nắm giữ các vị trí trong chính quyền ở cấp thấp hơn so với vị trí đang được xem xét.

Tuy nhiên, Hội đồng Nhân sự quốc gia có thể hạn chế phạm vi những người được tham dự kỳ thi kiểm tra khi thấy cần thiết hoặc có thể tiến hành tuyển chọn dựa trên thành tích thực thi chức trách trong quá khứ của những người đương nhiệm này.

Thái Lan quy định tiêu chí thăng tiến như thành tích công việc, đánh giá định kỳ, kiến thức và kỹ năng chuyên môn, thâm niên.

Trong đó, thành tích công việc là yếu tố then chốt, được đánh giá dựa trên mức độ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, chủ động sáng tạo tìm ra giải pháp hiệu quả, vượt mức chỉ tiêu.

Mặt khác, việc nâng ngạch với công chức ở Pháp phải có thâm niên công tác, ưu tiên công chức công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa và có chứng chỉ đào tạo phù hợp, theo tỷ lệ được xác định bởi quy chế cụ thể của cơ quan hoặc khuôn khổ việc làm.

Công chức được nâng ngạch tùy thuộc vào việc người đó có chấp nhận công việc được giao ở ngạch mới hay không. Ngạch cao hơn đòi hỏi yêu cầu đảm nhiệm trước một số công việc nhất định tương ứng với mức độ trách nhiệm hoặc điều kiện làm việc cao hơn ngạch cũ và có ấn định tỷ lệ nâng ngạch nhất định.

Đề xuất bỏ thi nâng ngạch

Tại Việt Nam, Bộ Nội vụ cho biết việc tổ chức thi nâng ngạch có một số bất cập như chưa thực sự đánh giá được năng lực của ứng viên, môn kiến thức chung còn nặng về kiến thức học thuộc, chưa phản ánh về hiểu biết và năng lực của công chức; tỷ lệ cạnh tranh và trượt trong kỳ thi nâng ngạch là rất thấp.

Vì vậy, Bộ Nội vụ đề xuất có thể cân nhắc bỏ thi nâng ngạch, thay bằng xét nâng ngạch công chức trên cơ sở khả năng làm việc, thành tích ở ngạch cũ.

Trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi mới nhất đang được Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi khái niệm vị trí việc làm, là chức vụ, chức danh, công việc của một cán bộ, công chức gắn với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đồng thời, dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi bổ sung quy định phân loại, nội dung vị trí việc làm, căn cứ xác định vị trí việc làm, hệ thống vị trí việc làm, bố trí công chức khi thay đổi vị trí việc làm và các nội dung tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng công chức và các nội dung liên quan đến quản lý công chức theo vị trí việc làm.

Dự thảo Luật bỏ quy định về ngạch công chức hiện hành như vấn đề bổ nhiệm vào ngạch công chức; chuyển ngạch, nâng ngạch, tổ chức thi nâng ngạch công chức. Đồng thời, các nội dung liên quan cũng được loại bỏ.

dantri.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói