Căn cứ để sáp nhập còn 34 tỉnh, 5.000 xã sau sắp xếp địa phương

Trước Hội nghị Trung ương, Bộ Nội vụ tập trung tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan để hoàn thiện tờ trình, đề án sáp nhập tỉnh, sắp xếp cấp xã với quy mô 34 tỉnh, khoảng 5.000 xã.

xaycauvuottphcmtrinhnguyen14-edi-1742994925296.png
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở (Ảnh minh họa: Trịnh Nguyễn).

Tại buổi gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết dự kiến, hệ thống tổ chức bộ máy hành chính sẽ cơ cấu lại gồm 3 cấp, đó là Trung ương; tỉnh, thành phố và xã, phường.

Theo lộ trình thực hiện việc sáp nhập tỉnh thành, tinh giảm xã, cuối tháng 3 vừa qua, đề án đã được hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tờ trình, đề án hiện đang được tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện để trình Ban chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 11 với thời hạn hoàn thành trước 10/4.

Theo Tổng Bí thư, dự kiến ban đầu, cả nước còn khoảng 34 tỉnh thành trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh thành hiện nay. Theo định hướng này, cả nước có 11 tỉnh, thành phố được giữ như hiện tại, 52 tỉnh, thành thực hiện sáp nhập theo tiêu chí đề ra.

Cùng với đó, Tổng Bí thư nêu rõ việc kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện và sẽ tổ chức khoảng 5.000 xã, phường. Như vậy, so với 10.035 xã, phường hiện nay, dự kiến số xã sau sáp nhập giảm khoảng 50%.

Đây được xem là phương án sắp xếp mới với cấp xã. Dự thảo Nghị quyết trước đó của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu con số sắp xếp 9.996 trên tổng số 10.035 đơn vị hành chính cấp xã, để giảm xuống dưới 3.000.

Hình hài địa phương với 2 cấp chính quyền

Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu, xây dựng đề án liên quan việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp để trình các cấp có thẩm quyền.

Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy các ban, bộ, ngành Trung ương, ý kiến của Đảng ủy Chính phủ, ý kiến của Bộ Chính trị tại các phiên họp để hoàn thiện kỹ lưỡng, chất lượng tờ trình và đề án của Đảng ủy Chính phủ, đề án và các tài liệu liên quan báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 11.

Bộ đồng thời tập trung hoàn thiện, gửi lấy ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính...

Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, tổ chức đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở (xã, phường và đặc khu ở hải đảo), không tổ chức cấp huyện.

Dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp cơ sở đều tổ chức HĐND và UBND.

Bên cạnh đó, dự Luật còn có những sửa đổi liên quan đến việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp cơ sở. Theo Bộ Nội vụ, tinh thần xuyên suốt là đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương với địa phương và giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với chính quyền địa phương cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, dự Luật có quy định chấm dứt việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị đang thực hiện tại TP Hà Nội, TPHCM, TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng...

Tiêu chí xác lập tỉnh mới

Thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị về việc "sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã", dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính quy định về tiêu chí sắp xếp đối với đơn vị cấp tỉnh và cấp xã theo hướng bám sát 6 tiêu chí đã được Bộ Chính trị xem xét, thống nhất.

Đó là các tiêu chí về diện tích tự nhiên; quy mô dân số; tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; tiêu chí về địa kinh tế (trong đó đã bao gồm tiêu chí về vị trí địa lý, quy mô và trình độ phát triển kinh tế); tiêu chí về địa chính trị; tiêu chí về quốc phòng, an ninh.

Trong đó, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số được xác định theo Nghị quyết 1211 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2022).

Dự thảo cũng nêu rõ, không thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi hoặc đơn vị hành chính có vị trí đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Diện tích, dân số của xã mới đạt 300%

Dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể về tiêu chuẩn, số lượng của đơn vị hành chính cấp xã, phường sau sắp xếp.

Cụ thể, xã mới sau sắp xếp có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt từ 300% trở lên so với tiêu chuẩn của xã quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

cong-chuchoale-crop-1708598067198.png
Đề xuất tiêu chuẩn, số lượng của đơn vị hành chính cấp xã, phường sau sắp xếp (Ảnh minh họa: HL).

Riêng đối với tiêu chuẩn quy mô dân số của xã miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia trên đất liền mà có từ 30% trở lên dân số là người dân tộc thiểu số thì mức tối thiểu là 7.500 người.

Phường mới sau sắp xếp có diện tích tự nhiên từ 35km² trở lên và quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. Phường ở miền núi, vùng cao sẽ có quy mô dân số từ 35.000 người trở lên.

Trường hợp sắp xếp từ 4 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 1 xã, phường mới thì không phải đánh giá tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.

Bên cạnh đó, dự thảo quy định trường hợp việc sắp xếp đơn vị hành chính đã phù hợp với định hướng của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các quy định của dự thảo Nghị quyết này thì không xem xét điều kiện và không đánh giá tiêu chuẩn khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tập trung tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 11 để hoàn thiện kỹ lưỡng, chất lượng tờ trình, đề án về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Bộ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trước ngày 30/6.

Ngay sau Hội nghị quán triệt của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan chuẩn bị các nội dung cần thiết tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai đến các bộ, ngành, địa phương.

dantri.com.vn

Chủ đề Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả

Đọc thêm

Dừng sáp nhập huyện, xã theo tiêu chuẩn cũ

Dừng sáp nhập huyện, xã theo tiêu chuẩn cũ

Bộ Nội vụ đề nghị các tỉnh thành tạm dừng trình đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2016, 2022 và 2023.