Chủ trương giảm cơ quan hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện và sáp nhập xã để nâng cao vai trò, vị thế cấp cơ sở đang được Trung ương tập trung triển khai quyết liệt.
Đây là cơ hội để cấp cơ sở mở rộng, định hình lại địa giới hành chính, nâng cao năng lực và trách nhiệm phục vụ Nhân dân, phục vụ doanh nghiệp, đặc biệt là nâng tầm vị thế riêng để phát triển nguồn lực của từng địa phương.

Tại Hà Tĩnh, địa giới hành chính và tên cấp xã (các xã) nhìn chung, phần lớn được định hình sau khi giành được chính quyền (năm 1945). Sau một số lần sáp nhập, địa giới hành chính của xã mới cũng cơ bản được định hình bằng ranh giới của các xã sáp nhập cộng lại.
Theo thời gian, do tác động của chiến tranh, thiên nhiên khắc nghiệt và biến đổi khí hậu, đã ảnh hưởng lớn đến điều kiện tự nhiên, địa hình, địa mạo của từng xã, từng vùng. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế - xã hội đã thúc đẩy sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị hoá, Internet và công nghệ thông tin tác động chi phối, thay đổi đến từng cộng đồng dân cư không những ở đô thị mà cả vùng núi xa xôi. Do vậy, việc bỏ cấp huyện, sáp nhập các xã là cơ hội và cũng là nhiệm vụ cấp bách để thực hiện việc phân chia, điều chỉnh địa giới hành chính, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, liên kết vùng, hạn chế điểm nghẽn, tạo động lực mới cho phát triển.

Thực tế, lâu nay việc sáp nhập xã đang được thực hiện mang tính cơ học, máy móc bằng cách sáp nhập nguyên xã A với nguyên xã B để hình thành mới xã C. Việc này mới chỉ giải quyết được thủ tục hành chính là hoàn thành sáp nhập theo chủ trương cấp trên, mà chưa tận dụng được cơ hội để qua việc sáp nhập gắn với điều chỉnh địa giới hành chính, tạo không gian mở, tăng kết nối, phát huy các lợi thế riêng, hạn chế những khiếm khuyết, tạo nguồn lực, động lực phát triển.
Do đó, để sáp nhập xã đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả, ngoài tuân thủ các điều kiện cứng của Trung ương như: diện tích, dân số… cần phải tính toán điều chỉnh qui mô sáp nhập và phân chia địa giới hành chính một cách phù hợp. Nếu sáp nhập hình thành xã mới quá lớn thì khó khăn trong việc quản lý cũng như trở ngại cho người dân tiếp cận dịch vụ công. Nếu xã quá nhỏ sẽ khó khăn cho công tác quản lý của cấp tỉnh cũng như không huy động được nguồn nội lực của từng xã, kết nối hạ tầng, kết nối vùng sẽ khó khăn, hiệu quả thấp.

Việc sáp nhập xã phải vừa đảm bảo về mặt hành chính và quan trọng hơn sau sáp nhập phải đảm bảo vận hành thông suốt, phát huy nguồn lực của từng địa phương, liên kết vùng để phát triển kinh tế. Vì vậy, trên cơ sở qui hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện, cần phải xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập và xác định tầm nhìn dài hạn sự phát triển của từng vùng, từng xã (phường) sau sáp nhập.
Thời gian qua, vẫn còn tình trạng một số địa phương sau khi sáp nhập các xã đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, do sáp nhập mang tính cơ học, không kết hợp điều chỉnh địa giới hành chính cục bộ để điều chỉnh một số vùng dân cư bị chia cắt bởi các công trình giao thông (như đường cao tốc Bắc – Nam, quốc lộ, tỉnh lộ, sông ngòi chia cắt dân cư…); hoặc chưa dự tính đến quá trình đô thị hoá, phát triển mở rộng dân cư, dịch vụ… tại vùng phụ cận như: thành phố, thị xã, thị trấn. Vì vậy, cùng với các yếu tố diện tích, dân số, điều kiện tự nhiên, địa hình, lịch sử, văn hoá… cần phải xem xét tới yếu tố hệ thống giao thông kết nối để bố trí sắp xếp, sáp nhập phù hợp, hiệu quả.

Việc đặt tên xã sau khi sáp nhập, thời gian qua vẫn còn có hiện tượng bất cập, thiếu nghĩa, tạo cục bộ địa phương. Do vậy, lần này các địa phương nên mạnh dạn làm tổng quan, vừa sáp nhập vừa kết hợp điều chỉnh địa giới hành chính và cần thiết thay đổi tên gọi của các xã, phường để tránh xẩy ra bất cập như trước đây.
Xã, phường mới phải phù hợp với qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, của vùng, nâng cao tính liên kết trong giao thông cũng như trong sản xuất. Xã của huyện này có thể sáp nhập với xã của huyện tiếp giáp lân cận để giải quyết dứt điểm tình trạng xâm canh, xâm cư, bất cập trong quản lý hành chính ở địa phương. Đặc biệt, để nâng tính hiệu quả sau sáp nhập, tỉnh nên thành lập hội đồng tư vấn thẩm định để có cách nhìn tổng thể qui hoạch chung toàn tỉnh, vùng để điều chỉnh, sắp xếp các xã một cách hợp lý, khoa học, hiệu quả.
Về tên xã sau sáp nhập, cần dựa trên các yếu tố lịch sử, văn hoá, đại diện vùng (như tên tổng cũ) và có tính kế thừa, tạo động lực cho xu hướng phát triển, đặc biệt thuận lợi cho số hoá trong dịch vụ công hành chính.
Tên xã nên tham khảo các tỉnh, địa phương khác đã làm, tuy nhiên, có thể giữ lại tên huyện gắn với tên xã mới. Chẳng hạn như xã mới Thiên Lộc, huyện Can Lộc có thể nên đặt là: xã Thiên Lộc – Can Lộc; phường Sông Trí thị xã Kỳ Anh có thể nên đặt là: Phường Sông Trí – Kỳ Anh. Như vậy sẽ định vị được vị trí, giữ và kế thừa được địa danh cũ, vừa thuận lợi trong lưu trữ, chỉnh lý các hồ sơ giấy tờ công dân. Phương án sáp nhập, điều chỉnh, chia tách và đặt tên xã mới, cần được tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà văn hoá và nên nhất thiết xây dựng từ 2 phương án trở lên, mỗi phương án nêu ưu, khuyết điểm để khi lấy ý kiến, người dân có cách lựa chọn tối ưu, hiệu quả.
* Bài viết mang quan điểm cá nhân tác giả.