Coi trọng yếu tố lịch sử - văn hóa khi đặt tên các xã sau sáp nhập

(Baohatinh.vn) - Đặt tên địa phương sau sáp nhập là việc hệ trọng, được Nhân dân ủng hộ, góp phần tạo di sản văn hóa bền vững cho thế hệ sau và kỷ nguyên phát triển của dân tộc.

aimg-4311.jpg
Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức hội nghị quán triệt Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Bước vào kỷ nguyên cất cánh, Đảng ta có chủ trương tinh gọn bộ máy, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện. Đây là chủ trương hợp lòng dân, mang lại nhiều lợi ích to lớn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn, trong đó có việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới theo hướng kế thừa, giữ gìn các giá trị lịch sử - văn hoá.

Theo lý thuyết định danh, mỗi tên gọi (địa danh) đều bao gồm hai yếu tố là vỏ ngôn ngữ và ý nghĩa của danh xưng. Tín hiệu ngôn ngữ trong địa danh giúp nhận diện, phân biệt các địa phương khác nhau. Tín hiệu lịch sử, văn hoá, địa lý… mặt khác sẽ làm nên nội dung của địa danh, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội từ xưa đến nay. Tên gọi theo cách đánh số kiểu phương Tây như quận 1, 2, 3… hay phường 17, 18, 19 là cách định danh mang tín hiệu một mặt. Địa danh bao giờ cũng mang dấu ấn của tính sáng tạo văn hóa. Tên gọi các địa phương thường bắt nguồn từ các yếu tố như cảnh quan thiên nhiên, lịch sử vùng miền, sự giàu có về thổ sản, sinh hoạt văn hoá cộng đồng...

Từ điển địa danh tự nó hàm chứa nhiều ý nghĩa phong phú, đẹp đẽ, quý giá về văn hoá qua nhiều thế hệ. Có nhiều địa danh đã tồn tại hàng ngàn năm, in đậm dấu ấn của lịch sử, với mỗi bước thăng trầm của đất nước. Xóa bỏ hay vì một lý do nào đó, một tên gọi không còn thông dụng đều rất đáng tiếc. Về mặt xã hội học, tên gọi một thôn xóm, một địa phương luôn gắn liền với nơi chôn rau cắt rốn, gắn với tâm tư tình cảm mỗi con người, vui buồn, sướng khổ, với bao kỷ niệm thiêng liêng sâu nặng vô cùng.

2.jpg
Tên gọi một thôn xóm, một địa phương luôn gắn liền với nơi chôn rau cắt rốn, gắn với tâm tư tình cảm mỗi con người, vui buồn, sướng khổ, với bao kỷ niệm thiêng liêng sâu nặng vô cùng.

Ngược dòng lịch sử, thời các Vua Hùng dựng nước, thời Bắc thuộc, thời kỳ tự chủ sau này, tên gọi các địa phương đều được các chính thể cắt đặt cẩn trọng, mang bản sắc văn hoá dân tộc, giàu sức sống và trở thành một phần của biên niên sử dân tộc. Thời Lê sơ, vào năm 1469, Lê Thánh Tông đặt 12 thừa tuyên, sắp xếp lại địa giới hành chính đất nước với một hệ thống tên gọi các trấn, phủ, huyện mang nhiều ý nghĩa đẹp, vừa kế thừa, vừa có nhiều phát triển theo hướng khai sáng, cẩn trọng. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Hồ Chủ Tịch và lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta cũng đã dày công trong xây dựng chính quyền non trẻ và xác lập một hệ thống danh xưng các đơn vị hành chính thống nhất trong cả nước, rõ nhất là danh xưng các xã trong một huyện. Cách đặt tên như thế giúp mọi người dễ nhận diện, thuận trong giao tiếp và vận hành các hoạt động của bộ máy.

Từ 2018 lại nay, để phù hợp với điều kiện đất nước trong thời kỳ mới, để tinh giản bộ máy, tối ưu hoá các nguồn lực phát triển, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Theo đó, nhiều đơn vị hành chính được đặt tên mới. Do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, việc đặt tên các xã một số nơi không được quan tâm đúng mức, nhiều tên gọi chỉ mang tính “lắp ghép” nóng vội, mang tính thỏa hiệp, không đạt được yêu cầu bảo tồn các tên gọi truyền thống, các giá trị văn hoá, lịch sử, gây sự phân tâm, nuối tiếc trong các nhà nghiên cứu văn hoá và của cộng đồng.

1c.jpg
Khi sáp nhập đơn vị hành chính các cấp cần phải có những giải pháp hữu hiệu trong việc bảo tồn các lịch sử, văn hoá các địa danh cũ.

Từ thực tiễn đó, để thực hiện việc đặt tên các đơn vị hành chính mới, nhất là cấp xã khi sáp nhập, từ lý thuyết định danh, cần tiếp cận vấn đề từ góc nhìn lịch sử - văn hoá. Theo đó, có sự cân nhắc thận trọng khi xác quyết việc định danh, với sự tham gia tích cực của mỗi người dân với tinh thần xây dựng cao nhất. Tránh tư tưởng cục bộ địa phương, phân biệt, cực đoan vì những mong muốn cá nhân, hẹp hòi, không vì công việc chung.

Nên có các tiêu chí định danh khi sáp nhập các đơn vị hành chính mới, quá trình dự thảo tên gọi nên tham vấn của các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hoá, các nhà giáo, các bậc lão thành, người cao tuổi có uy tín và kinh nghiệm để lựa chọn được những tên gọi “đẹp về từ ngữ”, kế thừa truyền thống vùng miền, ngắn gọn, thuận tiện cho giao tiếp và thể hiện trong các văn bản hành chính, giấy tờ của công dân. Có thể lựa chọn tên một xã có truyền thống nổi trội nhất, đủ đại diện cho một vùng nhiều xã có lịch sử văn hóa tương đồng, gần gũi, dễ được nhiều người chấp nhận là phương án tốt, sẽ giúp bảo tồn được một số các tên gọi quen thuộc.

Công việc đặt tên cho các địa phương trong cuộc cách mạng lớn, được nhân dân hết sức quan tâm, đồng tình ủng hộ và tích cực hưởng ứng. Đây là công việc hệ trọng sẽ để lại di sản văn hoá cho các thế hệ con cháu mai sau, cho kỷ nguyên cất cánh của dân tộc tiến đến hùng cường mà không làm phai mờ bản sắc văn hoá qua mỗi tên làng, tên xã, tên núi, tên sông. Các danh xưng đẹp về mỹ từ, giàu ý nghĩa lịch sử văn hoá sẽ điểm tô cho giang sơn gấm vóc; xã tắc cũng từ linh khí tên gọi mà bền vững đến muôn sau.

Bùi Đức Hạnh

Nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh

Chủ đề Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả

Đọc thêm

Chủ tịch xã, phường ký thẩm quyền cấp sổ đỏ - lợi nhiều bề

Chủ tịch xã, phường ký thẩm quyền cấp sổ đỏ - lợi nhiều bề

Bắt đầu từ 1/7, việc giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu sẽ được thực hiện tại cấp xã. Những ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp ở Hà Tĩnh, quy định mới này được thực hiện kịp thời khiến người dân vô cùng phấn khởi, vui mừng.
Lãnh đạo Hà Tĩnh kiểm tra vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

Lãnh đạo Hà Tĩnh kiểm tra vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

Qua kiểm tra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hà Văn Hùng, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia mong muốn các địa phương tiếp tục khẩn trương ổn định, khắc phục khó khăn, phục vụ tốt nhất cho Nhân dân.
Ngày hội của niềm tin và khát vọng phát triển

Ngày hội của niềm tin và khát vọng phát triển

Tại Hà Tĩnh, sự kiện công bố các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy và công tác cán bộ thực sự là một ngày hội lớn – ngày hội của đổi mới, của niềm tin, sự đồng lòng và khát vọng phát triển.
Rộn ràng thời khắc lịch sử tại 69 xã, phường mới ở Hà Tĩnh

Rộn ràng thời khắc lịch sử tại 69 xã, phường mới ở Hà Tĩnh

Sáng nay, 69 xã, phường mới ở Hà Tĩnh rộn ràng cờ hoa, trọng thể tổ chức lễ công bố các quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy và công tác cán bộ với sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Hà Tĩnh sẵn sàng các điều kiện để vận hành xã mới

Hà Tĩnh sẵn sàng các điều kiện để vận hành xã mới

Ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động. Hiện các địa phương đã hoàn thành công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, hạ tầng để sẵn sàng cho việc vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Mong chờ cách làm mới từ bộ máy mới

Mong chờ cách làm mới từ bộ máy mới

Sau sắp xếp, sáp nhập, người dân được gì? Câu hỏi đó gửi gắm bao mong muốn, kỳ vọng của người dân Hà Tĩnh về một cơ cấu tổ chức mới gần gũi, trách nhiệm, hiệu quả và minh bạch hơn.