Các địa phương hoàn thành phương án sáp nhập tỉnh, xã trước 1/5

Hạn chót để các địa phương thuộc diện sáp nhập gửi đề án sắp xếp tổ chức bộ máy về Bộ Nội vụ là ngày 1/5 tới.

Tại tọa đàm trực tuyến "Sắp xếp tỉnh, thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm" do báo Dân trí tổ chức ngày 10/4, ông Phan Trung Tuấn - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) - đã phân tích rõ nhiều nội dung liên quan đến dự thảo nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Trong phần trình bày, đại diện Bộ Nội vụ cũng chia sẻ thông tin về quá trình chuẩn bị của các địa phương nằm trong diện sáp nhập.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương khẳng định đây là thời điểm chín muồi để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính với các căn cứ quy mô, diện tích, dân số, dư địa phát triển của nhiều địa phương.

Theo ông Tuấn, để có được đề án trình các cấp có thẩm quyền, Bộ Nội vụ đã tiến hành nghiên cứu trong thời gian dài. Chủ trương sáp nhập tỉnh cũng đã được xác lập rõ ràng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cũng như Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

"Bộ Nội vụ đã có những bước chuẩn bị căn cơ trong suốt một thời gian dài. Quá trình xây dựng đề án được thực hiện khẩn trương, nhưng đồng thời cũng rất cẩn trọng, tính toán kỹ lưỡng mọi yếu tố tác động có liên quan.

Bên cạnh việc đề xuất phương án sắp xếp, chúng tôi đã tính toán kỹ nhiều yếu tố để bảo đảm phương án sáp nhập này khả thi và có thể áp dụng hiệu quả vào thực tiễn.

Cùng với việc sắp xếp lại cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, tiếp tục sáp nhập cấp xã, thì phải xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ đi kèm", ông Tuấn cho hay.

Bên cạnh đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp sẽ được trình Trung ương, dự kiến Bộ Nội vụ cũng trình Chính phủ dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sửa đổi căn cơ, để thay thế cho luật hiện hành.

Đồng thời, Bộ cũng đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 74 về kế hoạch thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện hệ thống thể chế, nhằm đảm bảo từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương hai cấp có thể chính thức đi vào hoạt động.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, trong quá trình xây dựng đề án, còn nhiều yếu tố khác cần được xem xét một cách toàn diện. Các cấp có thẩm quyền cũng đã định hướng rõ ràng chủ trương, trong đó yêu cầu phải giải quyết đồng bộ các bài toán liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập tỉnh.

Ông Tuấn dẫn ví dụ, trong trường hợp một tỉnh ở Tây Nguyên sáp nhập với một tỉnh ven biển, khoảng cách địa lý khá xa thì trong đề án và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền đều đã tính toán kỹ lưỡng phương án tổ chức bộ máy, điều kiện đi lại, chỗ ở cho cán bộ, công chức, thậm chí cả việc hỗ trợ phương tiện thực hiện nhiệm vụ công vụ.

"Chúng tôi đã tính toán rất nhiều yếu tố để bảo đảm rằng, dù bên ngoài có thể thấy việc sáp nhập diễn ra khẩn trương, thần tốc, nhưng thực chất đây là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, được nghiên cứu công phu.

Từ hệ thống thể chế đến các tình huống phát sinh đều đã được dự liệu đầy đủ, nhằm bảo đảm khi Trung ương và Quốc hội quyết định, phương án sáp nhập sẽ mang tính ổn định, bền vững lâu dài", ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Vụ Chính quyền địa phương, trước khối lượng công việc khổng lồ, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các địa phương để định hướng ban đầu, làm cơ sở cho việc xây dựng phương án sắp xếp, hợp nhất cấp tỉnh và tổ chức lại cấp xã.

Theo ghi nhận bước đầu, nhiều địa phương đã tích cực chuẩn bị và xây dựng các phương án một cách bài bản, kỹ lưỡng.

"Thời hạn cuối cùng để các địa phương gửi đề án sáp nhập tỉnh, xã về Bộ Nội vụ là ngày 1/5 tới. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tổng hợp, nghiên cứu và hoàn thiện đề án tổng thể trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định", ông Tuấn thông tin.

dantri.com.vn

Chủ đề Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả

Đọc thêm

Chính thức thông xe kỹ thuật 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chính thức thông xe kỹ thuật 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Sáng 19/4, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp tổ chức lễ khởi công, khánh thành đồng thời trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn. Điểm cầu Hà Tĩnh diễn ra ở nút giao QL8A (Km479+300) thuộc xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ với lễ thông xe tuyến Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng.
Tập trung rà soát, hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Tập trung rà soát, hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Lâm yêu cầu quá trình hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã cần bám sát yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thận trọng, có chọn lọc, phù hợp thực tiễn; đảm bảo hài hòa giữa kế thừa, ổn định và đổi mới, mở rộng không gian phát triển...
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố

Đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố ở Hà Tĩnh có vai trò quan trọng, là cầu nối đưa các chủ trương, chính sách đến với Nhân dân. Dù vậy, bên cạnh những cán bộ năng nổ, nhiệt tình cũng còn không ít bất cập, nhất là chất lượng của một số cán bộ thôn, tổ dân phố chưa đáp ứng yêu cầu.
Dự kiến tên gọi của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, hợp nhất

Dự kiến tên gọi của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, hợp nhất

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, ngày 12/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.