Đề xuất mở đường bay quốc tế đến 15 quốc gia, vùng lãnh thổ

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở rộng đón khách quốc tế từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ, bổ sung Lào, Campuchia, Anh so với đề xuất trước.

Ngày 5/11, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay, cơ quan này đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kế hoạch tổ chức chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đi và đến Việt Nam với 4 giai đoạn.

Giai đoạn 1 tập trung đón người Việt Nam về nước và du khách quốc tế đi theo tour. Cụ thể, quý IV/2021, các hãng mở đến thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Australia với hình thức chuyến bay trọn gói (combo).

Hành khách về nước phải trả chi phí trọn gói gồm vé máy bay, chỗ ở cách ly, xét nghiệm Covid-19. Khách cần có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV, cách ly 7 ngày nếu đã tiêm đủ liều hoặc 14 ngày nếu chưa tiêm vaccine Covid-19.

Giai đoạn này, khách du lịch quốc tế có thể đến một số địa phương như Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam... Khách nước ngoài cần có giấy xét nghiệm âm tính, tiêm đủ liều vaccine Covid-19 và phải đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.

Giai đoạn 2, từ tháng 1/2022, thí điểm chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam với 4 chuyến/tuần cho mỗi bên. Hành khách là người Việt Nam và người nước ngoài từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Australia và các thị trường an toàn khác.

So với đề xuất trước, Cục Hàng không Việt Nam mở thêm 3 thị trường là Anh, Lào, Campuchia.

Hành khách nhập cảnh phải cách ly 7 ngày tại các cơ sở cách ly có thu phí, bao gồm xe đón về khách sạn và tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid, có giấy xét nghiệm âm tính; cách ly 14 ngày tại cơ sở cách ly tập trung có thu phí nếu chưa tiêm vaccine.

Đề xuất mở đường bay quốc tế đến 15 quốc gia, vùng lãnh thổ

Máy bay tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Giang Huy

Giai đoạn 3 , từ tháng 4/2022, tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam, áp dụng hộ chiếu vaccine, người Việt Nam và du khách nước ngoài sẽ không phải cách ly sau nhập cảnh. Thị trường được mở rộng, tần suất ban đầu là 7 chuyến/mỗi tuần cho mỗi hãng.

Hành khách được yêu cầu tiêm đủ liều hoặc đã khỏi bệnh Covid, tự cách ly tại nơi cư trú 3-7 ngày; nếu chưa tiêm vaccine thì phải cách ly 14 ngày tại cơ sở cách ly tập trung có thu phí.

Giai đoạn 4 thực hiện từ tháng 7/2022, khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam, áp dụng cho công dân Việt Nam và nước ngoài đáp ứng yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam tại thời điểm áp dụng. Các hãng được bay tần suất không hạn chế.

Kế hoạch trên vẫn quy định hành khách đi chuyến bay thường lệ vào Việt Nam (giai đoạn 2) cách ly 7 ngày với người đã tiêm đủ liều vaccine, hoặc 14 ngày với khách chưa tiêm.

TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, nói việc cách ly tập trung sẽ khiến khách không bay, vì khách đến du lịch, làm ăn không ai muốn ở một tuần trong khách sạn. Việt Nam đã cam kết áp dụng “hộ chiếu vaccine” đối với nhiều quốc gia kiểm soát dịch tốt, với những địa bàn trọng điểm của hàng không du lịch, khách có hộ chiếu vaccine cần được đối xử bình đẳng bằng cách không yêu cầu cách ly.

Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đã đề nghị Việt Nam nhanh chóng ứng dụng các chứng nhận số về xét nghiệm và tiêm chủng để thúc đẩy bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam. Hiện đã có hơn 70 hãng hàng không thử nghiệm hoặc cam kết thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe (IATA Travel Pass).

Ông Philip Goh, Phó chủ tịch IATA khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng lộ trình nối lại bay quốc tế của Cục Hàng không Việt Nam là bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, nếu yêu cầu cách ly khách quốc tế đến sẽ trì hoãn quá trình phục hồi cũng như là trở ngại lớn cho những lĩnh vực kinh doanh phụ thuộc vào hàng không và khách quốc tế.

Theo ông, tình hình hiện nay đã khác so với 18 tháng trước, các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới đã giúp các Chính phủ có thêm thời gian để phản ứng với đại dịch. Các nước đã hiểu biết nhiều hơn về virus, cách nó lây nhiễm, cách điều trị cho bệnh nhân và cách để hạn chế phát tán dịch bệnh.

Do đó, IATA kêu gọi các chính phủ tuân theo Tổ chức Y tế thế giới khi lên kế hoạch mở cửa biên giới như: Tiêm chủng vaccine nhanh nhất có thể; hành khách đã tiêm vaccine không nên bị cản trở; xét nghiệm kháng nguyên là giải pháp tiết kiệm và thuận lợi; Chính phủ nên trả chi phí xét nghiệm để không cản trở hành khách đi lại, du lịch.

Chính phủ cần áp dụng các giải pháp chứng nhận sức khỏe số, bao gồm tài liệu về kết quả tiêm chủng và xét nghiệm khi mở lại biên giới. Khi nhu cầu đi lại đã trở về mức trước Covid-19, nếu tiếp tục sử dụng các thủ tục giấy tờ, hành khách sẽ mất nhiều thời gian ở sân bay để giải quyết thủ tục.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhiều quốc gia như Singapore, Australia và Thái Lan đã đón khách quốc tế. Châu Âu và Mỹ cũng đã mở cửa, không yêu cầu cách ly với hành khách đã tiêm vaccine.

Ngành hàng không Việt Nam vẫn đang đóng các chuyến bay quốc tế thường lệ từ các nước đến Việt Nam. Hiện hơn 30 hãng nước ngoài và Việt Nam khai thác chuyến bay từ các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Đông và châu Âu để chở hàng hóa, nhà ngoại giao, chuyên gia, sinh viên nước ngoài... đi và đến Việt Nam, được cấp phép từ Cục Hàng không Việt Nam. Ngoài ra, một số chuyến bay charter đưa công dân Việt Nam hồi hương vẫn được tiếp tục.

Theo Đoàn Loan/VNE

Đọc thêm

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.