Di tích thành phế tích: Cần “lời giải" về cơ chế!

(Baohatinh.vn) - Làng xã “gánh” một phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa. Trong đó, tâm điểm của làng là đình, chùa, đền, miếu... và lễ hội. Do đó, việc khoanh vùng, bảo vệ, phục dựng các di tích, phế tích là một đòi hỏi khách quan, cần thiết và quan trọng.

Từ việc dân làm “sống dậy” di tích

Trong những năm qua, Hà Tĩnh có nhiều di tích được xếp hạng. Trong số này, phần nhiều là những di tích được nhân dân phục hồi, tôn tạo. Cùng với đó, người dân cũng đã chủ động dịch các sắc phong, hệ thống Hán tự nơi di tích thành văn tự quốc ngữ để giáo dục và lan tỏa giá trị.

Sau khi "đào" được đền Tam Lang, nhân dân thôn Đại Hải (Thạch Hải - Thạch Hà) đã tôn tạo lại di tích này...

Dân gian có câu “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, điều đó cho thấy sự coi trọng của nhân dân đối với các di tích văn hóa nằm trong khu vực làng. Hầu hết, người dân đều có tâm niệm muốn phục hồi những di tích đã có, đây chính là nguồn gốc để phục hồi các di tích đã được xếp hạng. Từ nguyện vọng, nhân dân bàn bạc kế hoạch, huy động nguồn lực, sẵn sàng bỏ tiền của để tôn tạo.

Có thể dẫn chứng qua nhiều di tích như miếu Trửa (Thạch Đỉnh – Thạch Hà) các cụ cao niên huy động được khoảng 500 triệu đồng; đình Trung Tiến (Phù Việt) con em xa quê và dân làng quyên góp 1,2 tỷ đồng… Bên cạnh đó, nhiều di tích đã được xếp hạng nhưng xuống cấp nên người dân cũng đã xin tu bổ, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa như: mộ trạng nguyên Bạch Liêu (Thiên Lộc, Can Lộc) 120 triệu đồng; đền Yên Tràng (Kim Lộc, Can Lộc) 800 triệu đồng; chùa Đá (Tùng Ảnh, Đức Thọ) hơn 10 tỷ đồng; nhà thờ họ Lê ở Trung Lễ (Đức Thọ) hơn 1 tỷ đồng…

Với việc phục dựng, tôn tạo, nhiều di tích đã phát huy giá trị, trở thành nơi để hàng năm làm các lễ tế dân gian như: rằm tháng giêng, lễ khai hạ, kỳ phúc lục ngoạt, lễ rằm tháng bảy… Nhân những ngày lễ trọng, nhiều địa phương tổ chức các sinh hoạt văn hóa, thể thao, từ đây thắt chặt thêm tình đoàn kết, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, bảo tồn các giá trị văn hóa tinh thần, vật chất của các làng quê.

Cần lắm “lời giải” về cơ chế

Hiện nay, trong công tác quản lý, chưa thấy có văn bản chỉ đạo việc phục dựng các phế tích và coi đó là điều cần thiết. Ngay cả trong chương trình xây dựng nông thôn mới, trong bộ tiêu chí cũng không đề cập đến đình, miếu, đền và các lễ hội nói chung. Về mặt ngân sách, hàng năm, tỉnh phân bổ bình quân trên 10 tỷ đồng nhưng là để đầu tư chống xuống cấp cho các di tích đã được xếp hạng. Ngay cả đối với những di tích này, nguồn lực của các huyện hầu hết hàng năm cũng không phân bổ. Lí do các huyện đưa ra là, kinh phí khó khăn, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị và đầu tư khác. Chính những lí do này đã làm cho các phế tích “ra rìa”, trong khi đó, nhiều di tích đã xếp hạng tiếp tục xuống cấp.

... Tuy nhiên, những chi tiết mỹ thuật thời ấy như con rồng này đã buộc phải loại bỏ vì không đủ kiến thức để phục dựng.

Nhiều cán bộ làm công tác văn hóa lâu năm băn khoăn, trong khi Đảng ta chủ trương xây dựng nền văn hóa, vậy mà, nguồn lực đầu tư cho di tích chưa tương xứng, có cấp chưa quan tâm, so sánh với các chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng thì quá chênh lệch.

Từ thực trạng hàng trăm phế tích, chính quyền cần phải có giải pháp bảo vệ cả khuôn viên lẫn hiện trạng, chống tình trạng xâm hại. Cùng với đó, cần coi trọng việc bảo vệ các văn bản liên quan, chú trọng chuyển ngữ sắc phong cũng như hệ thống Hán tự còn lưu lại, làm tốt công tác lưu trữ. Đặc biệt, cần tiến hành kiểm kê hiện trạng, khảo sát kỹ những chi tiết còn lại. Đây chính là căn cứ quan trọng để phục hồi, không làm mất đi dáng vẻ của di tích.

Hàng trăm phế tích đang hàng ngày đối mặt với các rủi ro, thiết nghĩ, đã đến lúc, về mặt quản lý, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực này. Bởi xét cho cùng, đấy cũng là quan tâm đến đời sống tinh thần của người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói