Đi tìm mẹ

(Baohatinh.vn) - - Thằng ranh kia mày rình mò cái gì đấy? Thằng Thạch vừa ngó vào ngôi nhà lớn có cánh cổng sắt đồ sộ màu xanh thẫm chợt giật mình: Cháu... cháu... cháu - Nó ấp úng rối rít - Cháu ngắm hoa ...

Đi tìm mẹ

“Đã không ít lần khiến nó ngồi tựa lưng bên bờ rào hít hà và ngủ quên trong mùi hương thoang thoảng dịu ngọt đó”. Ảnh minh họa Internet

- Ngắm hoa à? - Người đàn ông rít lên nhìn ra chỗ mấy gốc hoa hồng đỏ rực đang la đà trước gió - Rỗi việc, cút, hoa với hoét.

- Ai vậy anh?

- Mấy đứa bụi đời ấy mà.

Tiếng người đàn ông vừa rít lên, thằng Thạch đã co giò bỏ chạy. Nó chưa kịp nhìn lên xem giọng nói ngọt như mật vừa mới hỏi đó là của ai. Nó chỉ kịp nhìn thấy tấm váy voan tơ màu hồng và đôi xăng đan vừa mới bước ra vườn.

Nhưng nó không vì thế mà không trở lại ngôi nhà có hàng rào đó. Càng bị rượt đuổi thì ý định quay lại ngôi nhà đó càng mãnh liệt hơn. Nó yêu vườn hồng đầy màu sắc đó. Những bông hoa mịn như nhung với lớp phấn hừng lên như ánh kim tuyến dưới ánh mặt trời.

Đã đôi lần nó liên tưởng đến những bông hoa đó như có phép màu vì màu sắc và hương thơm của nó có thể xóa tan đi những mệt nhọc, gạt khỏi tâm trí nó những nỗi u buồn. Nó có thể đứng hàng giờ chỉ để nhìn những búp hoa đung đưa trong gió không chớp mắt. Đã không ít lần khiến nó ngồi tựa lưng bên bờ rào hít hà và ngủ quên trong mùi hương thoang thoảng dịu ngọt đó.

Lần này thằng Thạch bị lão chủ nhà kia bắt được. Lão chủ có khuôn mặt cau có đến khó chịu. Đôi mắt híp lại sau cặp kính dày sụ khiến thằng Thạch liên tưởng đến việc nếu không có kính, lão già đó sẽ không khác gì một người mù.

Đi tìm mẹ

Minh họa của Huy Tùng.

Cơn thịnh nộ của lão khiến thằng Thạch hồn bay phách lạc. Khi đã cách ngôi nhà đó một quãng khá xa, nó mới dừng lại để thở. Một cảm giác tiếc nuối hiện lên khuôn mặt già trước tuổi của nó, giá như người đàn bà đó ra sớm hơn một tí, giá như có thể nhìn thấy được người đàn bà đó, nó sẽ không cảm giác buổi chiều này trôi qua chán chường đến nhường này.

Đã từ lâu, thằng Thạch biết mình là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Không ai biết gì về tung tích mẹ nó. Bà Tân tìm thấy nó ngoài đống rác đầu đình làng thương tình đem về nuôi nấng. Chồng bà mất sớm, được đứa con gái đi làm ăn xa mấy năm không tin tức.

Ngày bà nhận đứa bé, cả làng khuyên can, đến cái thân bà còn chạy ăn từng ngày vậy mà lại kiên quyết giữ lại đứa trẻ. Cuối cùng chẳng ai cản được, bà nuôi nó. Đặt nó tên là Thạch để mong sao sau này nó vững vàng như đá, gọi nó là cháu, nó gọi bà bằng bà ngoại. Thời gian cứ thế mà trôi đi.

Thằng Thạch đã đi hết con phố dài mệt nhoài, đến đoạn rẽ vào xóm bờ mương là nó khỏe hẳn. Gì chứ, về đến nhà rồi thì còn sợ gì. Ở trong xóm này, không ai không thương nó, không ai không biết nó là cháu bà Tân ở cuối xóm và cái mác con nuôi bao giờ cũng khiến nó xách lúc lỉu bao nhiêu thứ đồ đạc người ta cho mỗi khi về nhà.

Hồi bé, thằng Thạch không để ý đến chuyện có bố mẹ. Đó là chuyện không tưởng. Nó chỉ quan tâm đến mỗi bà ngoại. Quan tâm đến việc hôm nay bà nấu món gì, ngon lành ra sao. Bà là người khéo léo nên những món bà làm ra bao giờ cũng đẹp mắt và ngon lành. Mỗi thứ đều gợi nên những câu chuyện mà nó thích thú. Nó lúc cúc theo bà suốt ngày như con cún con không rời trong cái thế giới nhỏ bé đầy lỗ thủng của những vách tường mục nát tựa những hình thù kỳ dị và ám ảnh.

Đi tìm mẹ

“Đã từ lâu, thằng Thạch biết mình là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Không ai biết gì về tung tích mẹ nó. Bà Tân tìm thấy nó ngoài đống rác đầu đình làng, thương tình đem về nuôi nấng”. Ảnh minh họa Internet

Tuy nhiên, càng lớn, được đi học, nó càng nhận ra sự thiếu hụt đó làm nó bức bối khó chịu. Ban đầu, nó đánh nhau với bạn vì chúng gọi nó là đứa trẻ bị bỏ rơi. Sau tiếp nữa nó xa lánh bà vì những ân cần chăm sóc của bà không giống như của bố mẹ. Bà không biết chơi đánh cầu, không biết tập xe đạp, lại càng không thể cùng nó đá bóng hay đi bơi như bố mẹ của những đứa khác.

Bà không giống cái mà bạn bè gọi là gia đình. Bà chỉ là bà thôi. Còn cái người phụ nữ đứng giữa vườn hồng trong ảnh treo nơi góc nhà không phải là mẹ nó. Vậy mà nó cũng đã đôi lần ước ao, ngôi nhà mà nó đã đứng vấn vít ở đó, vườn hồng đó là khu vườn trong bức ảnh của con gái bà Tân và người phụ nữ ấy chính là mẹ nó.

Nhưng không phải. Nó đích thị là một đứa bé bị bỏ rơi.

Còn tại sao nó bị bỏ rơi thì nó không thể nào hiểu nổi. Đôi lần nó đem điều thắc mắc hỏi bà ngoại nhưng bà đều không trả lời. Chắc có lẽ bà cũng không thể nào biết được. Bà biết làm sao được khi gần như suốt cả ngày bà không ra khỏi cửa. Mà bà không trả lời được thì nó sẽ tự đi tìm câu trả lời. Nghĩ thế nên thằng Thạch đã đi tìm mẹ nó. Tìm được, nó sẽ đưa mẹ nó về ở với bà ngoại cho đỡ buồn.

Và nó đã tìm thấy ngôi nhà ấy, ngôi nhà trên phố rất đẹp ngập tràn hoa hồng, tràn ra cả ngoài hàng rào sơn bằng sắt đen đung đưa trong gió. Nó đã ở đó, đứng đu người nơi rào sắt và chờ đợi những phép màu có thể xẩy ra. Nhưng bao nhiêu ngày trôi qua, nó vẫn không thể nào gặp được người phụ nữ trong ngôi nhà đó. Nó chỉ muốn gặp người đó, hỏi cô về tấm ảnh, liệu cô ấy có biết người trong ảnh không khi vườn hồng trong tấm ảnh lại giống hệt khu vườn này đến thế.

Đi tìm mẹ

“Thạch đã ở đó, đứng đu người nơi rào sắt và chờ đợi những phép màu có thể xẩy ra”. Ảnh minh họa Internet

Thằng Thạch chỉ nghĩ đơn giản như thế. Nó chỉ muốn tìm mẹ. Muốn một ngày nào đó có một người phụ nữ xinh đẹp, giàu có nào đó bất chợt trở về tìm mình. Đó là mẹ. Lúc đó thằng Thạch sẽ chạy lại ôm chầm lấy mẹ. Từ người mẹ thoảng thơm mùi nước hoa nhẹ nhàng. Mẹ sẽ xoa đầu nó, sẽ đưa nó đi chơi, đi mua sắm.

Bà ngoại sẽ được khoác tấm áo mới thật đẹp. Bà ra ngồi ở cửa nhìn nó tập xe đạp. Chiếc xe đạp đua màu xanh cánh trả là niềm mơ ước của tất thảy những đứa trẻ con trong xóm nghèo này. Và bữa tối, trong một căn nhà sáng rực đèn, mẹ sẽ nói với bà ngoại “mẹ ngồi chơi đi để con vào nấu bữa tối. Tối nay mình sẽ có món gà tần hầm thuốc bắc rất bổ dưỡng cho mẹ và món pizza xúc xích cho cu Thạch”.

Thế mà giấc mơ đẹp đẽ đó đã bị lão chủ nhà hất cho một gáo nước lạnh. Tiếng chửi the thé của lão đuổi thằng Thạch chạy trối chết về đến ngõ không kịp thở. Nó đâu biết rằng, ở những khu biệt thự liền kề đó, nhà nào cũng được thiết kế giống nhau, những dãy hoa cũng được trồng như nhau cả chứ không riêng gì ngôi nhà đó. Thằng Thạch thất vọng lắm. Nó miễn cưỡng nghiêng nhẹ liếp cửa, rón rén như một con mèo đi vào nhà. Tuyệt không dám nghĩ lại giấc mơ nó vừa mơ ban nãy.

Bà ngoại ốm. Cơn ho mỗi đợt một dày thêm. Bà không đi bác sĩ. Mỗi lần ho, bà toàn nhai một củ tỏi và ít muối hạt. Những ngày rét, nằm bên bà, nó cứ nghe tiếng bà nhai nuốt thứ nước hỗn hợp đó, mùi khắt lên rất ghê. Nó không muốn nằm cạnh bà nhưng lâu dần nó quen, thiếu cái mùi hăng nồng khăn khắt đó lại khó ngủ. Thằng Thạch xoa nhẹ chân, rón rén nằm xuống bên cạnh bà. Hình như bà vừa chợp mắt, hơi thở có phần nhẹ đi. Nó cố hết sức để không làm bà thức giấc. Nhưng giọng bà đã thều thào:

- Con đừng đi tìm mẹ nữa, biết đâu mà tìm!

- Dạ - nó nói thật nhỏ nhưng nước mắt đã dấp dính trên mắt - con muốn tìm mẹ về để lo cho bà.

- Bà đã bảo rồi, mẹ đi làm ăn xa chưa về được, bà chỉ cần có cu Thạch thôi là được rồi!

- Gia đình là thế nào hả bà?

- Là những người cùng ở trong một nhà, cùng ăn cơm, cùng vui đùa với nhau, cùng chia sẻ!

Thằng Thạch thôi không hỏi nữa. Rõ là bà đang nói về trường hợp của nó với bà. Những người cùng ăn, cùng ở trong một ngôi nhà mà là gia đình thì rõ ràng nó đang có một gia đình rồi sao? Nhưng sao nó vẫn thấy thiếu thốn, trống trải và ngổn ngang như thế.

Bà như biết được nỗi niềm trong lòng thằng Thạch, vội trở người, thằng Thạch chỉ chờ có thế dịch vào lòng bà cố cầm tiếng nấc.

Món quà đặc biệt đến với thằng Thạch vào sinh nhật lần thứ 10 của nó. Nó vừa thức giấc đã thấy một chiếc xe đạp màu xanh cánh trả được dựng trước sân nhà khiến nó bồi hồi. Chú Tư - bố thằng Tủn bạn nó đang đứng ở dưới sân cười đầy ngưỡng mộ:

- Cu Thạch thật sướng, nào nào, ngồi lên thử xem chú đỡ cho một vòng mà tập!

- Của… của con?

- Quà sinh nhật mẹ cháu gửi đấy, oách không nào?

- Oách ạ!

Thằng Thạch như không tin nổi vào mắt mình được nữa, nó luống cuống sợ giấc mơ đó tan biến như bọt xà phòng, nó vội vàng nhảy phóc lên xe đạp. Chú Tư vội vã chạy theo. Thằng Tủn, cái Hoa cùng đạp xe đuổi theo thằng Thạch thành một đám đua rộn ràng.

Bà Tân ngồi bên hiên cửa nhìn thằng Thạch đang cùng với đám bạn đạp xe ngoài đường. Tiếng cười reo của nó làm bà mừng rơi nước mắt. Nó đâu biết rằng, cách đây mấy hôm, bà đã bán đi chiếc nhẫn vàng quý giá nhất của con gái bà để lại, mua xe làm quà sinh nhật cho nó. Gì chứ, vàng thì quý, nhưng nào có quý hơn việc gieo niềm tin, hạnh phúc vào trái tim của một con người.

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Kho từ vựng của gen Z đang mang đến làn sóng sáng tạo mới trong ngôn ngữ, tạo dấu ấn, phong cách của người trẻ trong giao tiếp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn nếu lạm dụng.
Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương (dân ca K’Ho Lạch) do Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Ngày 11/12 tại TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội Bánh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam - The Vietnam Bakery Cup 2024 (VNBC), thu hút gần 500 đầu bếp trong và ngoài nước tham gia.
Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá của tác giả Y Soái (phát triển dân ca K’Ho Lạch), do đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Đèo Gió có bao nhiêu là gió, sao không thể cuốn hết chuyện cũ đi để mỗi lần nhìn vào mắt chồng, Hạnh lại thấy mình rơi tõm vào cái hố buồn sâu hun hút...
Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Gió mùa về phố rồi tan vào mặt hồ, vào những con đường xa tít tắp để cả mùa đông ta cứ bâng khuâng tha thiết nhớ, một ký ức mang tên gió mùa…
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay gừng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh
Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Đêm đó, sân đình vang rộn ràng, người người kéo về đi xem hát. Khách ngồi vào giữa những hàng ghế trước sân khấu nhìn quanh. Không thấy bà hàng nước, chỉ thấy một đám trẻ vội vàng kéo nhau vào chật sân đình. Khách nghe họ bảo nhau: “Đêm nay, cô Hiền lên hát đấy”!