Khu vực kinh doanh thịt lợn tại chợ TP Hà Tĩnh thưa khách, lượng thịt bán ra giảm hẳn
Theo ghi nhận tại các chợ dân sinh lớn trên địa bàn TP Hà Tĩnh, đa số các quầy hàng thịt lợn đều trong tình trạng ế ẩm, lượng thịt bán ra "nhỏ giọt"; thậm chí có một số quầy hàng đã tạm dừng kinh doanh chờ thị trường “ấm” lại.
Chị Nguyễn Thị Thảo – Tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh buồn hiu: “Trước khi dịch vào đã vắng khách mua, nay lại có thêm thông tin Hà Tĩnh đã có dịch thì ế ẩm hơn. Chỉ vài người tạt qua quầy hàng thịt và mua rất với số lượng rất ít. Tôi đã nhập ít hơn, bán cầm cự có vài chục cân thịt mà cả ngày vẫn không hết”.
Tiểu thương nhập về ít hơn nhưng vẫn không bán hết do nhu cầu người dân hạn chế.
Cách đó không xa, chị Phạm Thị Linh cũng chung cảnh ế ẩm: “Tuy trên địa bàn tỉnh xẩy ra dịch nhưng các cấp, ngành đều khẳng định dịch tả lợn không lây sang người. Với lại thịt lợn chúng tôi bán có nguồn gốc, được sự kiểm định của cơ quan chức năng nhưng ngay cả khách quen đến đây vẫn ái ngại, họ tạm chọn món khác thay thế. Buôn bán những lúc khó khăn như này thì bà con nuôi lợn và tiểu thương không biết trông ngóng vào đâu nếu khách hàng "quay lưng".
Không chỉ tại TP Hà Tĩnh mà các chợ huyện, chợ cóc trên địa bàn tỉnh, tình hình cũng chẳng khá hơn. Đã hơn 11 giờ trưa nhưng quầy thịt lợn chị Trần Thị Mai (chợ Nghèn – Can Lộc) vẫn đầy hàng, hiếm hoi lắm mới xuất hiện người ghé quầy mua thịt.
Chị Mai chia sẻ: “Ngày thường, thời điểm này đã bán hết thịt lâu rồi. Mấy hôm nay có thông tin dịch tả lợn châu Phi nên tôi lấy hàng ít hơn mà vẫn không bán hết, tình trạng kéo dài lâu chắc tôi phải nghỉ tạm một đợt chờ ổn định rồi mới bán lại”.
Người dân lựa chọn thịt vịt, hải sản... làm nguồn thực phẩm thay thế thịt lợn giữa lúc Hà Tĩnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.
Theo các tiểu thương, nguyên nhân một phần là do tâm lý e ngại, lo sợ của người dântrước dịch tả lợn châu Phi. Chị Dương Thị Trâm (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Vẫn biết là dịch tả lợn châu Phi không lây bệnh sang người nhưng gia đình vẫn "ngại" và chọn món khác thay thế. Tâm lý người nội trợ hay chọn phương án “an toàn”.
Sức mua trên thị trường hạn chế, giá thịt lợn cũng đang trên đà giảm sâu. Theo đó, giá thịt lợn các loại đã giảm khoảng 5.000 – 8.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó. cụ thể: Thịt nạc, sườn còn khoảng 75.000 - 82.000 đồng/kg; thịt ba chỉ còn 65.000 - 70.000 đồng/kg.
Tình trạng này khiến không chỉ tiểu thương kinh doanh mà cả bà con chăn nuôi lâm vào cảnh điêu đứng, khó khăn vì vừa không bán được lợn, vừa phải bù lỗ do giá thịt lợn trên thị trường giảm quá sâu.
Người dân Hà Tĩnh không nên tẩy chay với thịt lợn mà cần thực hiện ăn chín, uống sôi, lựa chọn kỹ nguồn thịt có chất lượng... để đảm bảo nguồn thực phẩm cho gia đình.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú Y (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh), cho biết: “Bệnh tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh nhưng không lây sang người. Trong trường hợp người dân ăn phải thịt lợn bệnh thì cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Vì thế, người dân không nên tẩy chay, “quay lưng” hoàn toàn với thịt lợn, cần thực hiện các biện pháp an toàn như ăn chín, uống sôi, lựa chọn thịt lợn có nguồn gốc, có dấu kiểm dịch…. để ủng hộ, đồng hành cùng với bà con chăn nuôi, các cấp chính quyền vượt qua cơn "bão" dịch lần này”.