Trong khi bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở thị trấn Cẩm Xuyên...
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Cẩm Xuyên, hoạt động giết mổ, buôn bán sản phẩm từ thịt lợn đã được tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, tại các điểm bán thịt lợn lưu động, công tác này xem ra chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
Trên các ngõ xóm, góc phố, chúng ta dễ dàng bắt gặp các quầy hàng thịt lợn lưu động với những chiếc xe tự chế, nhưng nhiều xe bán sản phẩm không có xuất xứ, nguồn gốc, thịt lợn không qua kiểm dịch.
... thì rất nhiều quầy hàng lưu động như thế này vẫn bán thịt lợn không có dấu kiểm dịch
Cái lý của các chủ quầy lưu động là lợn nhà, tự làm, an toàn. Cái lý của người mua là tiện lợi, là người quen chắc không ai bán lợn dịch và không ăn thịt lợn thì biết ăn gì, vì thịt lợn bị dịch tả lợn châu Phi không lây sang người.
Tuy nhiên, cả người bán và người mua không hiểu được rằng, việc làm của mình đã tiếp tay cho các “tể lô” hoạt động trái quy định, lén lút giết mổ gia súc dù có thể, lợn đó không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đó là chưa nói, hoạt động giết mổ ngoài kiểm soát sẽ là một trong những nguy cơ góp phần làm lây lan dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời nó tạo nên môi trường kinh doanh không lành mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, buôn bán công chính của người chăn nuôi.
Hãy là "người tiêu dùng thông thái", chọn mua thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ, có dấu kiểm dịch để bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình mình.
Để phòng chống dịch tả lợn châu Phi nói riêng, bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung, mỗi người cần trở thành “người tiêu dùng thông thái”, nói không với thịt lợn không có kiểm dịch. Có như thế mới bảo vệ được sức khỏe gia đình và góp phần cùng người chăn nuôi vượt qua cơn “bão” dịch!