Anh Đặng Văn Đoàn (tổ dân phố 6, thị trấn Cẩm Xuyên) vẫn tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại để chuyển hướng chăn nuôi.
Anh Đặng Văn Đoàn (tổ dân phố 6, thị trấn Cẩm Xuyên) - hộ chăn nuôi đầu tiên phát hiện lợn dương tính với DTLCP trên địa bàn tỉnh, chia sẻ: “Lo sợ mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường tự nhiên nên tôi chưa có ý định sẽ tái đàn trong thời gian tới".
"Thời điểm này, chuyển sang nuôi gia cầm, thủy cầm đang là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi bởi thời gian nuôi ngắn, dễ quay vòng vốn đầu tư, giá cả trên thị trường khá ổn định do nhu cầu tăng", anh Đoàn cho biết thêm.
Hà Tĩnh đang ráo riết phòng chống dịch, đặc biệt là khâu tiêu độc khử trùng, hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Xuyên Nguyễn Anh Đức, địa phương đang khuyến khích người chăn nuôi chuyển hướng sang vật nuôi khác, như: Gia cầm, gia súc ăn cỏ (trâu, bò,…) trong lúc DTLCP đang diễn biến phức tạp tại các địa phương khác trong tỉnh. Đối với chăn nuôi lợn, tuyệt đối không tái đàn ồ ạt, tập trung duy trì số lượng, đảm bảo sức khoẻ đàn nái để chuẩn bị cho quá trình khôi phục chăn nuôi khi DTLCP cơ bản được kiểm soát.
Nhu cầu thị trường đang tăng lên nên giá các loại gia cầm như gà, vịt khá ổn định.
Cũng chung tâm lý lo ngại như anh Đoàn, gia đình anh Nguyễn Văn Long ở thôn Tân Văn (Thạch Văn, Thạch Hà) cho biết: “Tuy trên địa bàn xã chưa xuất hiện ổ dịch nhưng lại nằm trong vùng giáp ranh với địa phương có dịch, nguy cơ xâm nhiễm cao nên gia đình và nhiều hộ khác trong thôn đã làm thủ tục với xã để xuất bán dần số lượng lợn trong trại và tập trung đầu tư chăn nuôi gà, chờ thị trường ổn định trở lại thì mới xem xét việc tái đàn”. Từ 500 con gà ban đầu nay anh Long đã tăng đàn lên khoảng 1.000 con
Hiện nay, trên địa bàn xã Thạch Văn, nhiều hộ đã chuyển hướng chăn nuôi, tăng số lượng gia cầm như anh Nguyễn Kim Cường (thôn Tân Văn), anh Phan Văn Anh (thôn Bắc Văn), Đặng Thái Mạnh (thôn Trung Văn)...
Ông Nguyễn Văn Bằng – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn thông tin: "Trong lúc chờ dịch bệnh được khống chế, nhiều hộ dân trong xã cũng đang chú trọng phát triển chăn nuôi gà, vịt trên đất cát thay thế cho chăn nuôi lợn. Hiện tại, do nhu cầu thị trường tăng cao nên giá các loại vật nuôi này cũng đang trong giai đoạn ổn định, đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi."
Chăn nuôi vịt trên đất cát đang trở thành lựa chọn của một số hộ dân tại Thạch Văn trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi.
Dựa trên điều kiện thực tế hiện nay, việc chuyển đổi sang nuôi các loại vật nuôi khác là cần thiết nhằm duy trì ổn định chăn nuôi, tận dụng diện tích chuồng trại bỏ trống. Nhưng để đạt được hiệu quả kinh tế, các hộ chăn nuôi nên thận trọng, xem xét đầy đủ các yếu tố như vốn, thị trường, cơ sở vật chất…
Theo ông Trần Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Hà Tĩnh: “Trước tình hình DTLCP diễn biến phức tạp, khó lường, ngành chức năng khuyến cáo người dân vùng có dịch, vùng giáp ranh với vùng dịch chưa nên tái đàn, tăng đàn lợn trở lại vào thời điểm này.
Các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có thể chủ động chuyển đổi sang chăn nuôi đối tượng vật nuôi khác như: Chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, chăn nuôi đại gia súc… để ổn định kinh tế, giảm thiểu thiệt hại do DTLCP gây ra. Tuy nhiên, việc lựa chọn vật nuôi cần tìm hiểu kỹ thị trường, tránh chăn nuôi ồ ạt dẫn đến thua lỗ; chọn lựa con giống có nguồn gốc rõ ràng; chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vaccine đầy đủ tránh để phát sinh dịch bệnh.”