Ông Hồ Sỹ Huy Thảo - Phụ trách Công ty CP Chăn nuôi Mitraco cho biết: Để phòng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) nói riêng và các loại dịch bệnh khác cho đàn lợn, Công ty quy định ở những khu chăn nuôi nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mặt khác, khi xuất lợn thịt đi bán, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, chúng tôi đã tăng bo lợn ra xa khu vực chăn nuôi gần 3 km. Tuy phòng dịch chặt chẽ như vậy và đàn lợn của Công ty đang an toàn nhưng do ảnh hưởng của DTLCP nên sản lượng xuất bán bình quân của đơn vị thời gian qua đã giảm từ 120 con lợn thịt/ngày xuống còn 80 con/ngày. Riêng lợn giống thì gần tháng nay không xuất được con nào.
Người chăn nuôi Hà Tĩnh đang gặp khó do giá lợn giảm
“Sản lượng giảm đã đành, giá lợn cũng bị thương lái ép. Chỉ trong khoảng 20 ngày, giá lợn thịt giảm từ 48.000 đồng/kg xuống còn 33.000 - 35.000 đồng/kg. Khó khăn chồng chất khó khăn, doanh nghiệp thua lỗ ba bề bốn bên” - ông Thảo lo lắng.
Cùng chung nổi lo, ông Trương Xuân Bính - HTX Minh Lộc (Cẩm Minh, Cẩm Xuyên) cho biết: "Hiện HTX có hơn 300 nái, 1.000 con lợn giống đến kỳ xuất bán nhưng vẫn chưa có thương lái mua. Từ khi có dịch tả châu Phi, giá lợn ngày càng đi xuống và bất ổn định. Nếu trước đây giá lợn giống 1,6 triệu đồng/con thì hơn một tuần nay, giảm còn 1,2 triệu đồng cũng không ai mua. Nếu không xuất chuồng được thời điểm này thì không thể tái đàn trong khi tiền thức ăn, tiền phòng dịch ngày một gia tăng. Mong muốn của chúng tôi hiện nay là chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân hiểu đúng về thịt lợn có nguồn gốc, giúp đỡ các hộ chăn nuôi tiêu thụ được đàn lợn sạch.”
Thị trường thịt lợn ế ẩm sau khi có thông tin DTLCP lây lan ở một số tỉnh thành
Không chỉ các doanh nghiệp, người chăn nuôi lo lắng khi đàn lợn không xuất bán được mà thị trường thịt lợn ở Hà Tĩnh hiện cũng ế ẩm.
“Từ khi xuất hiện thông tin có DTLCP, sức tiêu thụ thịt lợn giảm hẳn. Trước đó, ngày bán được một con nhưng bây giờ giỏi lắm cũng chỉ được vài chục kg/ngày. Thậm chí, nhiều hôm ế không bán được kg nào. Mặc dù Hà Tĩnh vẫn chưa xuất hiện DTLCP và dịch này cũng không gây bệnh trên người, thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm định, nhưng với tâm lý e ngại của người tiêu dùng vô hình trung tẩy chay thịt lợn”- chị Nguyễn Thị Thương, tiểu thương chợ Vườn Uơm (TP Hà Tĩnh) ngậm ngùi chia sẻ.
Công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi được tăng cường tại cơ sở giết mổ gia súc tập trung phường Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh (ảnh Nguyễn Oanh).
“Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, vì vậy người tiêu dùng không nên lo sợ, không nên tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Chủ động phòng tránh dịch nhưng không bài trừ thịt lợn có nguồn gốc. Hiện, các cơ quan chức năng của tỉnh đang tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống bệnh dịch, ngăn chặn tình trạng tuồn lợn từ vùng có dịch nên người tiêu dùng có thể yên tâm, nhất là khi mua thịt đã được kiểm dịch, rõ nguồn gốc”, ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh khuyến cáo.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: Dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, không nên tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Ông Trần Đắc Phu giải thích thêm, dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người. Một đặc điểm nữa là virus trong bệnh tả lợn này chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt hoàn toàn dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C... Nguồn: Dangcongsan.vn |