Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới tới 6 giờ sáng 14/3: Hơn 145.000 ca mắc bệnh, 5.416 người tử vong

Tính tới 6 giờ sáng 14/3, thế giới đã có 145.341 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 5.416 ca tử vong. Italy trải qua ngày có số ca tử vong tăng cao nhất, 250 người, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đêm qua (theo giờ VN) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước dịch COVID-19.

Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới tới 6 giờ sáng 14/3: Hơn 145.000 ca mắc bệnh, 5.416 người tử vong

Bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh được về nhà sau khi hoàn thành thời gian cách ly và giám sát y tế tại Vũ Hán, Trung Quốc ngày 12/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo cập nhật đến 6h sáng 14/3 của trang web thống kê trực tiếp dữ liệu thế giới worldometers, 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bị dịch COVID-19 tấn công đã ghi nhận tổng cộng 145.341 ca nhiễm bênh, trong đó 70.920 ca đã hồi phục, 5.373 người tử vong. Trong số những người đang điều trị có 5,965 ca nặng, chiếm 9%.

Trong thông điệp video phát đi từ trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) tại New York chiều tối ngày 13/3 (giờ địa phương), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi thế giới chung tay đối phó và ngăn chặn virus Corona.

Ông nhấn mạnh đây là lúc thế giới cần cẩn trọng nhưng không sợ hãi, đồng thời dựa vào khoa học và thực tiễn để có giải pháp tốt nhất chống đại dịch, dù rằng người dân khắp nơi sẽ còn phải chịu ảnh hưởng kinh tế, xã hội nặng nề trong mấy tháng tới.

Tổng Thư ký Guterres bày tỏ lạc quan đại dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát và nhiều người sẽ sớm khỏi bệnh, phục hồi nhưng trước hết cả thế giới cần phải cùng nhau đoàn kết hành động, thực hiện hiệu quả các chiến lược cách ly vùng dịch, kích hoạt và vận hành các hệ thống đối phó dịch khẩn cấp, tăng cường khả năng xét nghiệm và chăm sóc người bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở y tế và có biện pháp can thiệp cứu bệnh nhân hiệu quả.

Trong 24 giờ qua, trong khi số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đã giảm rất mạnh, với chỉ 22 người mắc mới và 8 ca tử vong thì Italy đã trải qua một ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại nước này, với 250 bệnh nhân thiệt mạng, thêm 2.547 người nhiễm mới. Như vậy tổng số ca nhiễm bệnh tại Italy đã lên tới 17.660 và 2.547 người tử vong.

Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới tới 6 giờ sáng 14/3: Hơn 145.000 ca mắc bệnh, 5.416 người tử vong

Tòa thánh Vatican đã quyết định đóng cửa toàn bộ nhà thờ Cơ đốc giáo tại thủ đô Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau Italy, Iran là điểm nóng thứ hai của dịch COVID-19 hiện nay. Trong 24 giờ qua, nước này đã có thêm 1.289 ca nhiễm mới và 85 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 11.364 và 514 người đã chết.

Trước tình hình dịch diễn biến căng thẳng, quân đội Iran ngày 13/3 tuyên bố sẽ “dọn sạch” các đường phố trên toàn quốc trong vòng 24 giờ nhằm ngăn ngừa virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) lây lan. Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Iran, Tướng Mohammad Bagheri tuyên bố một ủy ban mới thành lập của quân đội sẽ chịu trách nhiệm giám sát “dọn sạch các cửa hiệu, đường phố”.

“Trong vòng 10 ngày tới, cả nước Iran sẽ được giám sát bởi không gian mạng, điện thoại, và nếu cần thiết, bởi con người, và những người nghi nhiễm bệnh sẽ được nhận dạng đầy đủ”, ông Bagheri nói. Biện pháp này được đưa ra sau khi Giáo chủ tối cao Iran Ali Khamenei ra lệnh cho quân đội dẫn đầu cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới tới 6 giờ sáng 14/3: Hơn 145.000 ca mắc bệnh, 5.416 người tử vong

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại trung tâm thương mại ở Tehran, Iran, ngày 5/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Mỹ, trong đêm qua, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tình khẩn cấp quốc, một động thái nhằm mở thêm nhiều nguồn lực liên bang phục vụ cuộc chiến đấu chống dịch COVID-19.

Theo Đạo luật Stafford, việc Tổng thống “tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do bệnh truyền nhiễm” sẽ cho phép Cơ quan Quản lý Khẩn cấp liên bang (FEMA) cung cấp ngân sách đối phó thảm họa cho các chính quyền bang và địa phương, cũng như cung cấp sự hỗ trợ liên bang đối với việc ứng phó với virus SARS-CoV-2.

Đạo luật Stafford cho phép giải ngân gói cứu trợ khẩn cấp lên tới 40 tỷ USD, đồng thời cho phép FEMA dỡ bỏ các hàng rào pháp lý để phân phối ngân sách cứu trợ nhanh hơn.

Trong 24h qua, nước Mỹ đã có thêm 572 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.269 người và 48 ca tử vong. Riêng bang New York ghi nhận ít nhất 421 ca nhiễm bệnh, tăng mạnh 96 ca so với cập nhật một ngày trước đó. Thống đốc Cuomo đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp bang do dịch bệnh. Mặc dù vậy Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) cho biết vẫn tiếp tục mở cửa, tuy nhiên một số nhân viên được phép làm từ nhà.

Giới chức NYSE cho rằng việc duy trì Sở Giao dịch chứng khoán mở cửa là một biểu tượng quan trọng cho niềm tin của công chúng. Trong khi đó, Louisiana đã trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ hoãn các cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ của đảng Dân chủ vào tháng tới do lo ngại sự bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona SARS-CoV-2.

Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới tới 6 giờ sáng 14/3: Hơn 145.000 ca mắc bệnh, 5.416 người tử vong

Tổng thống Trump trao đổi với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 12/3. Ảnh: Getty Images

Tại Hàn Quốc, nước này ghi nhận thêm 110 ca mới mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên thành 7.979 người. Số ca tử vong tăng thêm 5 người lên thành 71 ca.

Tại Tây Ban Nha, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã tăng đột biến từ 3.004 người tối 12/3 lên thành 4.334 người tính đến 6 giờ sáng 14/3 giờ Việt Nam). Trong khi đó, số ca tử vong tại đây đã tăng lên thành 120 ca, cao hơn so với 84 ca một ngày trước đó.

Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới tới 6 giờ sáng 14/3: Hơn 145.000 ca mắc bệnh, 5.416 người tử vong

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 8/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Pháp, Tháp Eiffel, công trình biểu tượng của Thủ đô Paris đã bắt đầu đóng cửa vô thời hạn từ 21h tối 13/3 (giờ địa phương, tức rạng sáng 14/3 giờ VN). Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh tại châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ban bố tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại nước này trong một thế kỷ qua, đồng thời yêu cầu đóng cửa toàn bộ các trường học và đại học trên phạm vi cả nước cho tới khi có lệnh mới. Pháp đã đưa ra quy định cấm các cuộc hội họp có quy mô từ 100 người trở lên. Lệnh cấm trước đó áp dụng với các cuộc hội họp có sự tham gia của 1.000 người.

Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau đã có bài phát biểu toàn quốc cho biết ông cảm thấy khỏe và không xuất hiện triệu chứng gì liên quan đến bệnh COVID-19, một ngày sau khi phu nhân Sophie Trudeau được chẩn đoán đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Cùng ngày, Canada đã đóng cửa Quốc hội và khuyến cáo người dân dừng mọi chuyến đi không thực sự quan trọng ra khỏi đất nước. Trong 24h qua, Canada có 16 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 158 với 1 trường hợp tử vong.

Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới tới 6 giờ sáng 14/3: Hơn 145.000 ca mắc bệnh, 5.416 người tử vong

Ngươi dân Toronto, Canada đổ tới siêu thị tích trữ hàng hóa. Ảnh: Reuters

Trước tình hình dịch bệnh đã lan khắp toàn cầu, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) ngày 13/3 đã khuyến cáo hoãn các trận đấu quốc tế dự kiến diễn ra trong tháng này và tháng 4 tới. Thông báo của FIFA cũng khẳng định các đội có quyền từ chối để cầu thủ trở về làm nhiệm vụ đội tuyển trong tình hình hiện nay. Hiện các trận đấu vòng loại World Cup 2022 ở khu vực châu Á và Nam Mỹ đã bị hoãn. Tuy nhiên, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có hoãn Euro 2020 hay không. Dự kiến, UEFA sẽ họp vào tuần tới để đưa ra quyết định.

Trong khi đó, một loạt quốc gia châu Âu như Ukraine, Balan, CH Cyprus đã thông báo sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài trong ít nhất 2 tuần. Riêng Ukraine cho biết sẽ tạm dừng toàn bộ các hoạt động đường không. Đây được xem là biện pháp mạnh tay của Kiev nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Chính phủ Bỉ cũng đã ra các quy định nghiêm ngặt để phòng chống lây lan SARS-CoV-2 như tạm ngừng mọi hoạt động giải trí, văn hóa; các sàn khiêu vũ, quán bar, cà phê và nhà hàng đều phải đóng cửa.

Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới tới 6 giờ sáng 14/3: Hơn 145.000 ca mắc bệnh, 5.416 người tử vong

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một nhà ga ở Jakarta, Indonesia ngày 12/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Bồ Đào Nha đã đặt nước này trong tình trạng báo động để huy động các lực lượng hiến binh, cảnh sát và quân đội trong nỗ lực kiểm soát lây lan virus SARS-CoV-2. Thủ tướng Bồ Đào Nha đã thông báo nước này sẽ đóng cửa tất cả trường học, nhà trẻ và đại học từ ngày 16/3.

Cùng ngày 13/3, Quốc hội Đan Mạch đã thông qua luật dịch bệnh khẩn cấp trao cho chính phủ quyền hạn lớn hơn để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan. Theo luật này, chính quyền có thể cấm tất cả các cuộc hội họp công cộng có trên 100 người tham dự.

Trong đêm 13/3 (theo giờ VN), Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez xác nhận nước này đã xuất hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2, đồng thời thông báo quyết định của chính phủ tạm thời đóng cửa tất cả các trường học kể từ ngày 16/3 để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Trước đó, Tổng thống Nicolas Maduro đã ra lệnh tạm dừng các chuyến bay từ Colombia và Liên minh châu Âu trong thời gian 1 tháng.

Chính quyền Singapore cho biết sẽ áp đặt lệnh cấm đi lại với các du khách đến từ Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Đức, đồng thời hạn chế số người tụ tập không quá 250. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong nêu rõ kể từ 23h59" ngày 15/3, những người đến từ 4 nước trên trong vòng 14 ngày sẽ không được phép nhập cảnh hoặc quá cảnh tại Singapore.

Người dân Singapore và những người thường trú tại Singapore đã từng đến 4 nước trên trong vòng 14 ngày qua sẽ phải tự cách ly tại nhà trong 14 ngày sau khi trở về Singapore.

Theo TTXVN

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.