Tuy nhiên, nhiều câu chuyện “hậu trường” vẫn chưa được tiết lộ. Trong khi, những câu chuyện này quyết định toàn bộ kỳ thi, tác động đến niềm tin, hy vọng của nhiều cử nhân, thạc sỹ mong muốn trở thành công chức Hà Tĩnh trong những năm tới.
Cán bộ ra đề thấy mình như bị… giam lỏng
Một trong những khâu căn bản của quá trình thi là cách tổ chức ra đề thi. Bởi, suy cho cùng, ra đề thi, tổ chức và chấm thi là những khâu quyết định tính minh bạch, khách quan hay không của kỳ thi. Kỳ thi tuyển công chức lần này, tỉnh Hà Tĩnh tập trung rất cao cho việc ra đề thi và đã đề ra chế độ quản lý đội ngũ ra đề hết sức nghiêm khắc.
Thí sinh nghe phổ biến quy chế tại Kỳ thi công chức Hà Tĩnh vừa qua. Ảnh tư liệu
Thông tin từ Sở Nội vụ và Trường Đại học Hà Tĩnh, tất cả gần 60 giáo viên ra đề khi điều động đều không được thông báo trước, mà tiến hành đột xuất, nhằm đảm bảo an toàn thông tin. Giáo viên ra đề thi được triệu tập đến Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ quản lý của Sở GD&ĐT ở thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) thực hiện công việc.
Một giáo viên tham gia ra đề thi cho biết: “Quy trình ra đề thi rất “căng”. Chúng tôi được cách ly hoàn toàn với bên ngoài, tựa như giam lỏng, điện thoại được thu giữ niêm phong, không cho sử dụng. Khi cần liên lạc chỉ có máy để bàn nhưng khi nghe phải mở loa ngoài và có công an đứng cạnh giám sát, ngay cả khi Hội đồng thi tuyển liên lạc đến. Vào các bữa ăn, chúng tôi được mời vào phòng ăn nhưng không được tiếp xúc với nhân viên phục vụ. Tất cả đã chuẩn bị sẵn, chúng tôi chỉ việc ăn uống xong và trở lại làm việc. Chúng tôi chỉ được “tự do” và về nhà khi hết 2/3 thời gian môn thi cuối cùng”.
Theo thầy Nguyễn Đình Tuấn – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trường ĐH Hà Tĩnh: “Trong quá trình ra đề thi, có thầy N.Đ.S quê ở Can Lộc nhà neo đơn, mẹ ốm nặng cần thầy về chăm sóc, nhưng vì nhiệm vụ nên thầy không thể về. Trước tình hình đó, khoa đã cử cán bộ đến thăm và chăm sóc mẹ để thầy an tâm với công việc được giao”.
Áp lực phòng thi - giám thị và thí sinh chung một nỗi
Tính chất nghiêm túc, minh bạch, khách quan đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ trước nên giám thị và thí sinh đều lo lắng, sợ “dính” kỷ luật. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Tĩnh cho hay: “Với gần 50 phòng thi, tất cả đều được giám sát bằng hệ thống camera nên nhất cử nhất động mọi việc diễn ra trong phòng thi Hội đồng thi tuyển đều trông thấy. Do đó, giáo viên lúc nào cũng phải thực hiện nghiêm túc nhất vai trò trông thi, kể cả những cử chỉ nhỏ cũng phải dè dặt. Nhiều giáo viên cảm thấy căng thẳng khi bị giám sát quá kỹ lưỡng”.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh kiểm tra hồ sơ của Hội đồng thi... Ảnh tư liệu
Cùng chung áp lực với giáo viên, thí sinh dự thi cũng phản ánh chung và “tâm phục, khẩu phục” vì sự nghiêm túc trong phòng thi. Thí sinh Đoàn Thị Nguyệt kể một “sự cố” diễn ra khi làm bài thi môn chuyên ngành: “Khi đó, bút của em hết mực, rất lo lắng. Nhìn sang một bên thấy mọi người chăm chú làm bài nên không biết mượn ai; thấy trên bàn giám thị có một chiếc bút bi nhưng không khí im ắng quá nên em sợ. Do dự mãi, sợ hết giờ nên đành rón rén lên mượn bút của giám thị. Em thấy thi nghiêm túc hơn thi đại học”. Theo tổng hợp từ hội đồng thi tuyển, kỳ thi đã có 22 thí sinh bị kỷ luật.
Chuyện “hậu trường”, từ đề thi đến chấm thi
Việc ra đề thi hết sức vất vả và nghiêm ngặt, nhưng sau khi giáo viên ra đề thi xong, Hội đồng thi tuyển còn triệu tập bộ phận phản biện đề tiến hành phản biện để hoàn thành đề thi.
Hội đồng thi kiểm tra lại giấy thi, giấy nháp sử dụng trong kỳ thi. Ảnh tư liệu
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Liệu cho hay: “Quy định đã ghi rõ, nội dung đề thi phải nằm hoàn toàn trong chương trình ôn tập. Đề thi không có câu hỏi mở, câu hỏi liên hệ vì tránh trường hợp mỗi thí sinh làm một kiểu, không có mẫu số chung, tránh tình trạng vận dụng khi cho điểm sau này”. Ông Liệu cũng cho biết, quá trình chọn đề thi rất vất vả (1 môn thi chọn 2 đề, một đề chính thức, một đề dự phòng). Tất cả bộ phận liên quan đều phải thức trắng đêm trước ngày thi đầu tiên, vì sau khi Chủ tịch Hội đồng thi bốc đề phải in ấn trực tiếp, đóng gói, niêm phong, bảo đảm an toàn tuyệt đối khi di chuyển đề đến nơi thi.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ, để đảm bảo tính bảo mật, khâu làm phách bài thi, tỉnh đã mời chuyên gia từ Hà Nội vào thao tác trên phần mềm sử dụng trong các kỳ thi đại học. Việc chấm thi cũng thực hiện nghiêm ngặt, mỗi bài thi có 2 giáo viên chấm độc lập. Sau khi tổng hợp điểm, nếu 2 con điểm chênh lệch dưới 5 điểm thì tính bình quân, nếu chênh lệch trên 5 điểm thì hội đồng sẽ tiến hành đối chất và báo cáo Trưởng ban Chấm thi. Ông Liệu còn cho hay: “Quy định của Bộ Nội vụ là chênh lệch trên 10 điểm đối với thang điểm 100 thì mới đối chất, chuyển kết quả lên Trưởng ban Chấm thi xem xét, quyết định, trong khi chúng ta quy định, chỉ trên 5 điểm là tiến hành, đảm bảo các chỉ số điểm sát thực tế nhất”.
Vì sao chỉ có 38 thí sinh trúng tuyển?
1.581 thí sinh dự thi, nhưng chỉ 38 thí sinh trúng tuyển trong khi chỉ tiêu cần đến 86 vị trí. Lí giải điều này, ông Cù Huy Cẩm – Trưởng phòng Công chức, viên chức (Sở Nội vụ) cho hay: “Hồ sơ đăng ký dự thi là 1.581 nhưng có khá nhiều thí sinh bỏ thi; trong môn thi viết chuyên ngành chỉ còn 1.063 thí sinh tham dự. Tổng hợp chung về điểm số, toàn bộ kỳ thi chỉ có 90 thí sinh có số điểm mỗi bài thi trên 50 điểm (thang điểm 100).
Theo quy định, người trúng tuyển được lấy theo thứ tự số điểm từ cao xuống thấp, nhưng phải đảm bảo các môn thi đều trên 50 điểm. Trong khi, có những vị trí có tới 4 -5 người đều có điểm mỗi môn thi trên 50, thì có những vị trí không có thí sinh nào đều đạt trên 50 điểm mỗi bài thi. Vì thế, trong danh sách 90 người này chỉ có 38 người trúng tuyển”.
Theo lời ông Cẩm, kỳ thi vừa qua có những thí sinh điểm mỗi bài thi đều trên 50 nhưng vẫn trượt do tại vị trí mà thí sinh đăng ký có những thí sinh khác đều đạt trên 50 điểm mỗi bài thi nhưng tổng điểm cao hơn.
Niềm vui cùng đậu công chức của vợ chồng anh Đinh Sỹ Tráng và chị Đoàn Thị Nguyệt (cùng SN 1986, trú tại thôn Thanh Phúc, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh)
Ngoài ra, trước đó, để có được 38 thí sinh trúng tuyển, hội đồng thi tuyển đã chấm kiểm tra bài của 90 người có điểm số mỗi môn trên 50 điểm. Điều này có nghĩa, một số bài thi của thí sinh khi có đơn phúc khảo (có số nằm trong danh sách 90 người này) đã được chấm đến 3 lần: lần đầu, lần chấm kiểm tra, chấm phúc khảo. Lần chấm phúc khảo, Hội đồng thi tuyển đã mời các giáo viên không tham gia chấm thi ở lần thứ nhất chấm thi.
Với tính chất “khắc nghiệt” của kỳ thi, nhiều sở, ngành đã không thể tuyển đủ chỉ tiêu cần tuyển. Trong số này, Sở Nội vụ có 2 vị trí đều không tuyển thành công; Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) có vị trí cần tuyển thu hút 48 hồ sơ tham gia nhưng tất cả đều … trượt. Tính bình quân chung của kỳ thi, tỷ lệ canh tranh lên tới 18 thí sinh/1 chỉ tiêu.
Theo phân tích, tổng hợp từ Hội đồng thi tuyển, 38 thí sinh thi đậu công chức lần này đều tốt nghiệp đại học chính quy, trong đó có 31 thí sinh khá giỏi và 1 thạc sỹ. Số thí sinh từng học đại học tại thủ đô Hà Nội chiếm đến 30 người, còn lại ở các trường ĐH Hà Tĩnh, ĐH Vinh, Kinh tế Đà Nẵng, Luật TP. Hồ Chí Minh…
Cơ hội công chức Hà Tĩnh tiếp tục mở cửa vào năm 2017
Theo Sở Nội vụ, năm 2017 tỉnh Hà Tĩnh dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển công chức để bổ sung các vị trí việc làm còn thiếu. Tuy nhiên, kỳ thi tổ chức vào thời gian nào, số lượng cần tuyển ra sao còn phải chờ đợi quyết định cuối cùng của UBND tỉnh và căn cứ vào quy định mới nhất của Bộ Nội vụ.
Với những gì đã diễn ra trong kỳ thi năm 2016, tin tưởng rằng, kỳ thi công chức tiếp theo, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục lựa chọn được những công chức có đủ trình độ, năng lực bổ sung vào bộ máy biên chế. Theo đó, mỗi cử nhân, thạc sỹ khi trở thành công chức Hà Tĩnh đều có quyền tự hào bởi đã “thắng cuộc” hoàn toàn bằng năng lực, nỗ lực của chính bản thân.