Điều gì xảy ra khi một đất nước vỡ nợ?

Khi lỡ hạn thanh toán, một quốc gia sẽ bị coi là vỡ nợ, phải tìm cách tái cấu trúc và thắt lưng buộc bụng để nhanh chóng thoát nợ.

Sri Lanka hôm 12/4 tuyên bố vỡ nợ với 51 tỷ USD nợ nước ngoài, trong bối cảnh nước này đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. Khối dự trữ của họ hiện chỉ còn 2,2 tỷ USD, trong khi năm nay phải trả 4 tỷ USD nợ.

Việc một quốc gia vỡ nợ không phải là chuyện hiếm gặp. Từ hàng thế kỷ trước, nhiều quốc gia đã phải lâm vào cảnh chật vật trả nợ. Vua Tây Ban Nha – Philip II từ thế kỷ 16 đã chứng kiến nước mình vỡ nợ 4 lần trong giai đoạn trị vì. Hy Lạp và Argentina cũng đã thất hẹn với các chủ nợ lần lượt 7 và 9 lần trong 200 năm qua.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết kể từ năm 1960, 147 chính phủ đã vỡ nợ. Con số này tương đương hơn nửa số chính phủ trên toàn cầu. Covid-19 gần đây làm tăng sức ép trả nợ, đặc biệt tại các nước thu nhập thấp và các nền kinh tế mới nổi, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Argentina, Ecuador, Lebanon và Zambia là các quốc gia mới nhất phải tái cấu trúc nợ.

Dù vậy, nói một cách chính xác, các quốc gia không vỡ nợ, mà là các chính phủ. IMF định nghĩa vỡ nợ chỉ đơn giản là thất hứa hoặc làm sai thỏa thuận. Khi một quốc gia vay tiền từ chủ nợ trong và ngoài nước, họ có nghĩa vụ trả lãi trên các khoản vay đó. Nếu việc thanh toán bị lỡ hẹn, quốc gia đó sẽ bị coi là vỡ nợ. Vỡ nợ xảy ra khi chính phủ không thể, hoặc không muốn, thực hiện một số/toàn bộ nghĩa vụ nợ với người cho vay.

Điều gì xảy ra khi một đất nước vỡ nợ?

Người Hy Lạp xếp hàng chờ rút tiền bên ngoài ATM tháng 6/2015. Ảnh: Reuters

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vỡ nợ, như kinh tế yếu đi hoặc chi tiêu bất cẩn. Các nước cũng có thể gặp rắc rối nếu đi vay bằng ngoại tệ. Trong trường hợp này, nếu ngân sách thâm hụt, họ sẽ không thể in thêm tiền để lấp đầy khoảng trống này.

Theo Moody’s, tăng trưởng chậm, thất nghiệp cao kéo dài là nguyên nhân chính gây vỡ nợ tại Nga và Ukraine năm 1998, Argentina năm 2001 và Venezuela năm 2017.

Trong khi đó, khối nợ cao, thâm hụt ngân sách và thương mại cũng khiến việc trả nợ khó khăn, như trong trường hợp của Hy Lạp năm 2012 và Lebanon năm 2020.

Một nguyên nhân khác đang ngày càng phổ biến là bất ổn chính trị và quản lý tài chính yếu kém, như Argentina năm 2014 và 2019, Ukraine năm 2015 và Ecuador năm 2008, 2020.

Vỡ nợ có thể là thời kỳ rất đau đớn với các quốc gia, đặc biệt nếu việc này nằm ngoài dự đoán và không theo trật tự. Người gửi tiền và nhà đầu tư trong nước lo ngại nội tệ mất giá sẽ đổ xô rút tiền khỏi ngân hàng và chuyển chúng ra nước ngoài. Để ngăn chặn tình trạng này và chống nội tệ mất giá, các Chính phủ sẽ đóng cửa ngân hàng và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn.

Như trong trường hợp của Hy Lạp tháng 6/2015, nước này phải đóng cửa thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng trong một tuần, đồng thời hạn chế lượng tiền mặt rút ra mỗi ngày và các giao dịch thanh toán với nước ngoài.

Dĩ nhiên, việc vỡ nợ của một nước rất khác so với một doanh nghiệp hay cá nhân. Thay vì phá sản, các quốc gia sẽ có những lựa chọn khác. Thông thường, họ tái cấu trúc nợ bằng cách đàm phán với các chủ nợ về việc gia hạn thời gian trả nợ, hoặc hạ giá nội tệ. Nội tệ yếu đi sẽ giúp hàng xuất khẩu của họ rẻ hơn, hỗ trợ ngành sản xuất, từ đó giúp kinh tế tăng trưởng mạnh hơn và trả nợ cũng dễ dàng hơn.

Sau vỡ nợ, nhiều quốc gia sẽ phải trải qua quá trình thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt. Năm 2015, Hy Lạp trở thành nước phát triển đầu tiên vỡ nợ với các khoản vay của IMF. Vài tháng sau đó, họ được nhận khoản cứu trợ lên tới 86 tỷ euro trong vòng 3 năm từ nhóm chủ nợ gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), với các điều khoản cải tổ và thắt chặt chi tiêu rất hà khắc.

Hậu quả thường thấy khi một quốc gia vỡ nợ là khó đi vay, hoặc phải vay với lãi suất cao. Tuy nhiên, nhiều chủ nợ vẫn sẵn lòng cho vay các quốc gia có tín nhiệm rất thấp. Miễn là về sau họ nhận được khoản trả tương xứng với hành động chấp nhận rủi ro này.

Vỡ nợ còn gây ra tác động kinh tế nghiêm trọng, khiến GDP giảm trong nhiều năm. Tuy nhiên, nó cũng có thể giúp các nước giảm nợ nếu họ gặp khó khăn. Sự hỗ trợ này thường là giảm lãi sau tái cấu trúc, hơn là giảm tiền gốc.

Một quốc gia vỡ nợ cũng có khả năng ảnh hưởng đến thế giới. Tuần trước, Nga bị hãng đánh giá tín nhiệm S&P tuyên bố vỡ nợ vì trả nợ bằng đồng ruble thay vì đôla Mỹ. IMF đánh giá việc này sẽ gây bất ổn trên toàn cầu. Các ngân hàng trên thế giới đang có 120 tỷ USD dư nợ tại Nga. Tuy nhiên, dù con số này nghe có vẻ lớn, nó không đủ để khiến hệ thống tài chính toàn cầu đứt gãy.

Việc đánh giá khả năng vỡ nợ của một quốc gia là rất khó. Thông thường, các hãng xếp hạng tín nhiệm sẽ đánh giá khả năng trả nợ của bên đi vay. Khi một quốc gia có xếp hạng tín nhiệm ở mức thấp, họ sẽ rất khó vay nợ. Trong trường hợp của Sri Lanka , nhiều hãng đánh giá tín nhiệm đã hạ xếp hạng của nước này xuống gần mức vỡ nợ, khiến họ không thể tiếp cận thị trường nước ngoài và phải dựa vào dự trữ ngoại hối để trả nợ công.

Tuy nhiên, với Nhật Bản, các nhà phân tích đã cảnh báo về khối nợ công của nước này suốt 15 năm nay. Nhưng hiện tại, với khối nợ tương đương hơn 200% GDP, lãi suất đi vay của Nhật Bản hiện còn thấp hơn năm 1998 – khi họ lần đầu bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Thậm chí, nhiều quốc gia vỡ nợ còn có khối nợ thấp hơn, chỉ tương đương 60% GDP.

Theo Hà Thu/VNE

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.