Các sản phẩm điều hòa nhiệt độ hiện nay đều được quảng cáo có tính năng tiết kiệm điện. Ảnh: Duy Vũ |
Thời tiết tiếp tục nắng nóng khi mùa hè đến khiến cho nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao. Dù chỉ mới vào đầu hè nhưng nhiệt độ cao khiến các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt mát, quạt điều hòa... phải hoạt động hết công suất. Nhiều gia đình “giật mình” khi nhận được hoá đơn tiền điện.
Người dùng nên tính toán kỹ mức điện tiêu thụ điện hàng ngày của điều hòa để “kiểm soát” hóa đơn mỗi tháng. Điều hòa có thể xem là thiết bị ngốn nhiều điện năng nhất trong gia đình, nhất là khi mùa hè đến. Nhiều sản phẩm trên thị trường hiện nay dều được dán nhãn ghi rõ mức điện tiêu thụ của điều hòa mỗi giờ trên sản phẩm. Tuy nhiên, con số này chỉ là tương đối.
Việc tính toán xem điều hòa ngốn của gia đình bạn bao nhiêu tiền điện phải dựa trên các chỉ số của sản phẩm và các yếu tố tác động khác.
Cách tính mức tiêu thụ điện của điều hòa nhiệt độ
Đơn vị tính công suất của các dòng điều hòa hiện nay là BTU hoặc mã lực (HP). Theo quy đổi, 9.000 BTU = 1 HP (1 mã lực);
1 kW = 3.412 BTU/h
1.000 BTU = 0,293 kW
Để tính lượng điện tiêu thụ của chiếc điều hòa, chúng ta sẽ dùng công thức:
A = P x t
Trong đó:
A: lượng điện tiêu thụ
P: công suất (đơn vị: kW)
t: thời gian sử dụng (đơn vị: giờ)
Để tính đầy đủ công suất tiêu thụ điện thực tế của toàn bộ hệ thống (dàn nóng, dàn lạnh), các thợ điều hòa cho biết người dùng phải cộng thêm từ 0,2 - 0,25 kW.
Như vậy với con số này, một chiếc điều hòa 9.000 BTU sẽ có công suất tiêu thụ điện khoảng 900Wh (gần 1 số điện). Điều hòa công suất 12.000 BTU có công suất khoảng 1.500Wh (1,5 số điện). Lưu ý đây là công suất tối đa, mức tiêu thụ trong thực tế có thể ít hơn.
Cách dùng điều hòa tiết kiệm điện
Để nhiệt độ không quá thấp. Ảnh: istockphoto. |
Để sử dụng điều hòa tiết kiệm điện , người dùng nên chọn nhiệt độ vừa phải. Nhiệt độ môi trường mà cơ thể con người thích nghi trong khoảng 25 – 27°C. Do đó, chọn nhiệt độ 26°C là nhiệt độ thích hợp để máy lạnh của bạn có thể hoạt động một cách tối ưu nhất, không tốn quá nhiều điện năng mà vẫn duy trì một nhiệt độ vừa phải và phù hợp (do nhiệt độ phòng và nhiệt độ bên ngoài không chênh lệch quá lớn).
Sử dụng kết hợp giữa quạt điện và điều hòa
Nhiều người có thói quen đặt một chậu nước sạch trong phòng điều hoà để tránh khô da. Bạn có thể kết hợp sử dụng thêm một quạt điện thổi vào chậu nước này, gió từ quạt sẽ giúp lưu thông không khí trong phòng nhanh hơn và phân bố khí mát từ điều hòa đều hơn, từ đó tiết kiệm điện hơn. Bạn sẽ thấy mát nhanh hơn mà không cần giảm nhiệt độ, rút ngắn thời gian sử dụng điều hòa và tiết kiệm tối đa điện năng.
Hẹn giờ tắt máy
Nếu thời tiết dịu đi vào ban đêm hoặc sáng sớm, bạn có thể hẹn giờ để máy điều hoà tự tắt điện thay vì chạy thâu đêm suốt sáng. Vào ban đêm khi bạn ngủ, nhiệt độ cơ thể hạ thấp và có thể bạn sẽ thấy lạnh khi bật điều hoà, vì thế hẹn giờ tắt máy vừa giúp tránh cho bạn bị lạnh, vừa giảm tiền điện.
Để chế độ quạt gió tự động
Việc này giúp tiết kiệm điện vì công suất hoạt động của máy nhỏ hơn các chế độ khác, đồng thời cả căn phòng sẽ được mát một cách toàn diện. Do gió được lưu thông trong phòng một cách tự động, bạn sẽ thấy không khí dễ chịu và dịu dần, thay vì quạt quá mạnh có thể gây mệt.