Dìu dặt ca trù

(Baohatinh.vn) - Âm thanh trầm đục, du dương giống như tiếng đàn đáy đã dẫn dụ bước chân tôi đến trước ngôi nhà nhỏ mái tranh...

Ca trù đổ hột phách giòn. Ảnh: Quang Vinh

Cửa đóng, không thấy kép đàn, không thấy ca nương. Chẳng lẽ đó là âm thanh trong vô thức?! Từ phía sau, một cụ ông trạc 70 tuổi bước lại gần và hỏi:

- Cháu tìm ai?

Tôi chưa kịp trả lời thì ông tiếp:

- Cháu là nhà báo phải không?

- Dạ, đúng ạ!

Cụ Nga mất lâu rồi cháu à!

- Dạ, cháu biết, hôm nay, cháu có hẹn đi nghe hát ca trù đó ông. Chưa đến giờ hẹn nên cháu lang thang, không ngờ lại lạc vào nhà của cố đào nương Phan Thị Nga. Đến đây, cháu nghe văng vẳng bên tai mình tiếng đàn đáy và lời ca của cố Nga.

- Chắc là do cháu có duyên tao ngộ với cố Nga nên cháu mới nghe được như vậy đó – cụ ông nói.

Đàn đáy là một nhạc cụ dân tộc truyền thống độc đáo của Việt Nam. Đây cũng là loại nhạc cụ gắn liền với điệu hát ca trù hàng trăm năm qua. Tầm quan trọng của nó đã được khẳng định bằng quan điểm “phi đàn đáy bất thành ca trù”. Trong một cuộc hát, tiếng đàn không theo tiếng ca từng chữ, từng hơi mà thường mở đường, dẫn lối cho tiếng ca, có lúc đi rất gần tiếng ca để hỗ trợ, có khi vượt ra xa tiếng ca để gây sự chờ đợi. Đàn ca gặp lại ở cuối câu thơ, có khi từng chữ, từng câu chân phương, sang trọng, có khi hoa lá, bay bướm, phóng túng...

- Chắc là cháu biết nguồn gốc cây đàn đáy nhỉ?

- Dạ. Cháu biết ạ!

- Hồi ông còn nhỏ, giáo phường Cổ Đạm có nhiều đào nương thanh sắc lắm!

Trong rì rầm những câu chuyện ông kể, ký ức tôi hiện lên mồn một cuộc hát năm nào mà cố Nga đã hát cho tôi nghe. Trên chiếc chiếu hoa in hình bông hồng đỏ, không có kép đàn, không trống chầu, đào nương Phan Thị Nga hai tay gõ phách, mắt nhìn xa xăm ra hàng dương đang trút lá, từ từ cất lên tiếng hát: Ngự tiền ngào ngạt hương xông/ Phượng quanh tịch múa, hoa lồng chén bay/ Miếu Chu văng vẳng tâu bày/ Thiều xưa chín khúc tung bày tiếng ba… Những tuyệt kỹ của ca trù đang tuôn ra từng đợt, từng đợt, khi dìu dặt, lúc khoan thai, khi xa vắng, lúc réo rắt, khi níu kéo, lúc đứt lìa...

- Cháu ơi, có điện thoại kìa, cụ ông vừa lay tay tôi, vừa nói!

Sực tỉnh khỏi dòng ký ức, tôi tạm biệt ông, tạm biệt ngôi nhà lặng lẽ của cố nghệ nhân Phan Thị Nga và những hàng dương vấn vít thanh âm đàn đáy để đến với nghệ nhân tài năng nhất Cổ Đạm hiện nay – Dương Thị Xanh.

Nét duyên ca trù. Ảnh: Sỹ Ngọ

Vừa chạm ngõ đã nghe tiếng đàn đáy trầm ấm, gân guốc, chững chạc, trang nghiêm. Nghệ nhân Nguyễn Văn Đài đang so lại dây đàn và thử cung âm. Giữa nhà, chiếu hoa đã trải. Chiêu một ngụm nước chè, anh Đài rủ rỉ nói:

Muốn nghe hát ca trù thì nhà báo cứ đến đền Nguyễn Công Trứ, sao phải lặn lội xuống tận đây?

- Vì em muốn nghe trên chính đất cổ của ca trù anh à.

- Em nói phải, ca trù vốn dĩ xuất thân từ đây nên hát ở đây cảm xúc cũng khác với khi mình đi biểu diễn ở nơi khác - chị Xanh nói.

- Em nhớ mãi lần nghe cố Nga hát tại nhà cố năm 2008. Những cảm xúc trong lần nghe hát đó không dễ gì có lần thứ 2.

Thoáng lặng người, chị Xanh rưng rưng:

- Các cố lần lượt rủ nhau đi hết rồi, bỏ học trò lại bơ vơ. Có các cố thì như có điểm tựa, có niềm tin để mình phấn đấu và cống hiến cho ca trù…

Tôi còn nhớ những năm 2000, chị Xanh cùng với chị Vân, chị Nết cơm đùm, cơm nắm đến nhà các cố học hát những mong gìn giữ và phổ biến lối sinh hoạt văn hóa cho làng. Phong trào học và hát ca trù nhờ đó sôi nổi ở Cổ Đạm và một số vùng khác của Nghi Xuân.

- Anh chị vẫn sẽ theo đuổi niềm đam mê này mãi mãi chứ?

- Tất nhiên rồi, với anh chị, ca trù đã ăn sâu vào huyết quản. Không chỉ vì đam mê, chị sẽ hát vì trách nhiệm với tiền nhân. Phải giữ gìn văn hóa truyền thống của quê hương em à. Mong ước của chị bây giờ là có thật nhiều học trò để mình truyền lại những tuyệt kỹ của ca trù.

Nói rồi, chị ra hiệu cho anh Đài gẩy đàn, tiếng đàn dìu dặt dẫn lối cho tiếng ca cất lên: Ấy ai, tháng đợi năm chờ mà người ngày ấy, bây giờ là đây/ Hồng hồng tuyết tuyết/ Mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì/ Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…; Được mất dương dương người thái thượng/ Khen chê phơi phới ngọn đông phong/ Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng/ Không Phật, không Tiên, không vướng tục/ Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú/ Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung... Tiếng hát phả vào không gian mênh mông những thanh âm thanh thoát như dẫn dụ, như hờn trách, như buông lơi, như níu kéo, quyến rũ không dứt ra được…

Tôi ngoái nhìn ra hàng hiên, mặt trời đã nhuộm hồng không gian mùa xuân. Tiếng đàn và tiếng hát như muốn bay lên, thoát ra ngoài phạm vi chúng tôi đang ngồi. Mà kỳ thực, nó đã từng vươn mình ra thế giới, được hội đồng UNESCO chứng nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Trong những con ngõ nhỏ của làng Cổ Đạm, ngọn lửa tình yêu với ca trù vẫn còn âm ỉ cháy. Chừng ấy thôi cũng đủ để tin rằng, ca trù vẫn mãi được hát bằng chính niềm đam mê và trách nhiệm của các thế hệ con cháu làng Cổ Đạm…

Nghi Xuân, Xuân Bính Thân 2016

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói