"Đóa xương rồng" ngành giáo dục mầm non

(Baohatinh.vn) - Dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt đượm buồn khi nhắc đến gia đình, nhưng khi bước vào lớp học, cô giáo Phan Thị Thảo đĩnh đạc và đầy tình yêu thương với 41 đứa con thơ ngây. cô là người mẹ hiền của các em nhóm lớp 5 tuổi, là đồng nghiệp đáng quý, đáng nể của tập thể giáo viên (GV) Trường Mầm non Đức Đồng (Đức Thọ).

Chuyện những người “chèo đò” (Bài 2):

>> Chuyện những người “chèo đò” (Bài 1): “Duyên muộn” của một cựu chiến binh

doa xuong rong nganh giao duc mam non

Cô Thảo bên các học trò thân yêu.

Về trường đã hơn 5 năm vẫn chỉ GV hợp đồng nhưng cô giáo Thảo đã thực sự là một thành viên không thể thiếu của Trường Mầm non Đức Đồng. Từ việc đứng lớp, làm GV chủ nhiệm đến đi phổ cập giáo dục hay các hoạt động tập thể của nhà trường, công đoàn, đoàn thanh niên…, cô Thảo đều là hạt nhân.

Dáng người nhanh nhẹn và nụ cười luôn thường trực trên môi, đằng sau con người nhỏ bé ấy là một tấm gương đầy nghị lực. Trong câu chuyện của mình, đôi mắt cô ướt nước, những giọt nước mắt kìm nén như chực tuôn trào, giọng kể run run nhưng đầy bản lĩnh, kiên cường của cô giáo trẻ khiến chúng tôi khâm phục.

Cô Thảo lớn lên thiếu thốn tình cảm của người cha, 3 mẹ con đùm bọc, yêu thương nhau cùng vượt qua những chuỗi ngày cùng cực. Vất vả chồng lên đôi vai gầy của mẹ khi bà bị hở van tim độ 4. Sinh 2 người con nhưng chỉ được Thảo khỏe mạnh, còn người con trai thứ 2 bị bệnh viêm não Nhật Bản khi lên 4 tuổi, đến nay, dù là một chàng trai khôi ngô nhưng di chứng của bệnh khiến cậu không có khả năng lao động như người bình thường, thường xuyên lên cơn động kinh và sống dựa vào thuốc thang.

Để phụ mẹ, nuôi em, từ nhỏ, cô Thảo đã là lao động chính trong nhà, từ làm thuê, bắt cá, bắt ốc…, đưa mẹ, em đi bệnh viện. Vất vả là vậy nhưng những tháng ngày thơ ấu cơ cực đó vẫn không làm lung lay ý chí vươn lên của Thảo. Ý thức sâu sắc chỉ có sự học mới có thể thay đổi cuộc sống, Thảo đã quyết tâm học thật tốt và thi đậu vào Khoa Sư phạm mầm non (Đại học Hà Tĩnh). Những năm tháng học đại học, Thảo luôn là sinh viên khá giỏi. 4 năm học, cùng với khoản vay hỗ trợ vốn cho sinh viên, học bổng, Thảo tự đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tháng 10/2011, với khát khao được cống hiến cho quê hương và phụ giúp mẹ, cô Thảo được nhận về công tác tại Trường Mầm non Đức Đồng.

Nhà cách trường hơn 5 km, đồng lương thấp, lại phải lo trang trải chi phí sinh hoạt, thuốc thang cho mẹ và em nên 5 năm về trường nhưng ròng rã hơn 4 năm trời trên chiếc xe đạp cũ, ngày ngày, cô vẫn đến lớp, đến tận từng nhà phụ huynh để làm công tác phổ cập… Hết thời gian ở trường, cô lại tất bật với việc nhà, làm ruộng để có thêm thu nhập.

Bao công việc đều dồn lên đôi vai nhỏ bé nhưng không vì thế mà cô Thảo lơ là chuyên môn. Năm học 2015-2016, cô đạt GV giỏi huyện, là chiến sỹ thi đua xuất sắc cấp huyện. Năm học này, cô Thảo là một trong 15 GV xuất sắc đại diện cho hàng trăm GV bậc mầm non Đức Thọ thi tài trong cuộc thi chọn GV giỏi cấp tỉnh và cô đã mang niềm vinh dự về cho nhà trường, ngành giáo dục huyện nhà khi đạt GV giỏi tỉnh giai đoạn 2015-2020. Được Công đoàn Sở GD&ĐT tặng bằng khen vì có thành tích vượt khó trong kỳ thi khóa 2015-2020...

Cô Phan Thị Kim Loan - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Kỳ thi GV giỏi tỉnh qua 9 vòng, kéo dài từ tháng 12/2015 đến tháng 2/2016, cũng trong quãng thời gian đó, một lúc, cả mẹ và em trai cô Thảo đổ bệnh, 1 người nằm ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh, 1 người ở Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, cô Thảo một mình chạy đi, chạy lại như con thoi giữa 2 bệnh viện, lại vừa lo công tác chuyên môn và thi cử. Kết quả đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với Thảo và vô cùng xứng đáng.

Cô Loan tự hào: “Thảo là một GV có năng lực, trách nhiệm, nhiệt huyết với công việc. Tuổi đời và tuổi nghề chưa nhiều nhưng Ban Giám hiệu vẫn tin tưởng khi giao cho em phụ trách lớp 5 tuổi với 41 cháu cùng nhiều công việc quan trọng khác của trường. Các cháu còn rất yêu quý, lên lớp mới nhưng vẫn muốn cô Thảo dạy”.

Theo chân cô Loan, chúng tôi đến thăm lớp cô Thảo. Hình ảnh những đứa trẻ ôm chầm lấy cô giáo, lắng nghe cô kể chuyện và sà vào lòng cô đã nói lên tất cả. Và đến cả người lớn như chúng tôi, khi đứng nghe cô kể chuyện cũng thấy cuốn hút, mê say.

Nói về mình, cô giáo Thảo chia sẻ: “Được sự sẻ chia, quan tâm của công đoàn ngành giáo dục, Ban Giám hiệu nhà trường, sự yêu thương của anh chị em đồng nghiệp, tôi không thể không cố gắng. Nhìn những ánh mắt trong veo, nụ cười thơ ngây của học sinh, tôi càng có thêm động lực để vượt qua hoàn cảnh và tiếp tục cống hiến”.

Mấy ngày trước, cô giáo lên xe hoa về nhà chồng, lẽ ra là ngày vui trọn vẹn nhưng canh cánh bên lòng là nỗi lo không ai nuôi mẹ, chăm em. Với đồng lương ít ỏi của một GV hợp đồng có đủ cho cô trang trải cuộc sống riêng và lo thuốc thang cho mẹ, cho em?!

Nhìn cô Thảo, chúng tôi thầm liên tưởng đến đóa xương rồng, loài cây sống vươn mình giữa khô cằn, sỏi đá nhưng luôn nở những đóa hoa mang nét đẹp lạ kỳ! Mong sao niềm tin, nghị lực của cô luôn tỏa sáng và ngành giáo dục tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để cô Thảo yên tâm công tác và sớm ổn định cuộc sống.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.