Chiều 8/6, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với nội dung thảo luận tại tổ về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam.
Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh điều hành thảo luận.
Các đại biểu Đoàn Hà Tĩnh bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của các cơ quan Quốc hội; đồng thời chia sẻ những tháng đầu năm 2020, tình hình KT-XH Việt Nam cũng như quốc tế gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt kịp thời hành động của Chính phủ, sự đồng lòng của toàn dân, đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các chính sách hỗ trợ tác động nhanh, KT-XH từng bước phục hồi…
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Nguyễn Văn Sơn tham gia một số nội dung giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo phòng chống dịch và từng bước khôi phục tạo đà phát triển kinh tế xã hội.
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Nguyễn Văn Sơn tham gia thảo luận
Trước hết, đại biểu cho rằng thời gian qua, 3 nhóm đối tượng: người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo đã được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, đối với đối tượng người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Đây là đối tượng cần được hưởng chính sách, cần hỗ trợ để giúp họ và doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất dịch vụ vượt qau khó khăn, vì vậy đề nghị Chính phủ xem xét toàn diện hơn đối với các nhóm đối tượng.
Theo rà soát, về cơ bản người lao động đều không đủ điều kiện xem xét, giải quyết chính sách chỉ vì một lý do: doanh nghiệp có phát sinh doanh thu trong quý I/2020 hoặc còn số dư tiền trong tài khoản (kể cả tiền trả nợ của khách hàng). Đối với chính sách vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động quy định quá chặt chẽ nên người sử dụng lao động không có cơ hội tiếp cận chính sách này.
Thứ hai, về mốc thời gian để xem xét, giải quyết các chính sách hỗ trợ đối với lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được áp dụng từ ngày 1/4/2020 đến ngày 1/6/2020. Như vậy, đối với những người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trước ngày 1/4/2020 sẽ không thuộc đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp người lao động đã tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ cuối tháng 2 và tháng 3/2020, nhất là đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, xuất khẩu lao động phải dừng các hoạt động theo chủ trương của bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; đối với đơn vị sản xuất các mặt hàng xuất khẩu phải thực hiện giảm công suất, cắt giảm nhân lực do một số nước nhập khẩu hàng như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã hủy bỏ nhập khẩu một số mặt hàng không thiết yếu từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng của doanh nghiệp Hà Tĩnh.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn giải đáp thắc mắc, khó khăn để các địa phương tổ chức thực hiện.
Thứ ba, đại biểu đề nghị Chính phủ kịp thời báo cáo Bộ Chính trị cho dừng dự án sắt Thạch Khê (nội dung đã được kiến nghị nhiều lần tại nhiều kỳ họp trước) để tỉnh kịp thời điều chỉnh quy hoạch chung, tập trung phát triển kinh tế biển, du lịch, dịch vụ, khai thác phát huy tiềm năng của khu vực, sớm khắc phục những ảnh hưởng hết sức nặng nề về đời sống dân sinh của nhân dân tại khu vực.
Hà Tĩnh sẵn sàng chia sẻ những thiệt hại với doanh nghiệp do dừng dự án, thể hiện quyết tâm và mong đợi của người lao động và người dân Hà Tĩnh để quyết định dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Thứ tư, về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2020, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung vào danh mục đối với các vùng dân tộc ít người thuộc các tỉnh và thành phố không nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời đại biểu cho rằng dự án số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” có vai trò quan trọng trong việc nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ. Tuy nhiên, ngoài việc thực hiện dự án này, chúng ta cần lồng ghép giới vào các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn tiếp theo.
Tham gia gia thảo luận, đại biểu Trần Đình Gia đánh giá trong nửa cuối năm 2019 đầu năm 2020, cả nước đã quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đại biểu Trần Đình Gia phát biểu ý kiến
Đây là chủ trương lớn và được mình chứng là đúng đắn, hợp với lòng dân. Vừa qua, đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở tại các đơn vị hành chính (sáp nhập 2 đến 3 đơn vị lại) đã diễn ra thành công tốt đẹp, nhiều đơn vị đã bầu trực tiếp và đạt 100%, tinh chọn những cán bộ đảng viên vừa năng lực vừa uy tín.
Ngoài việc thực hiện tốt chính sách cán bộ, đại biểu Trần Đình Gia cũng lưu ý cần chú trọng đến việc bố trí cơ sở hạ tầng cho các đơn vị sau sáp nhập, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch. Đối với cơ sở hạ tầng dôi dư sau sáp nhập, cần khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả tránh để xuống cấp, hư hỏng, lãng phí.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Đình Gia cũng đánh giá cao việc bố trí công an chính quy về xã, thị trấn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân; từ khi có công an chính quy về xã thì tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa bàn cơ sở có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, cùng với đó quá trình triển khai còn bộc lộ những khó khăn, vướng mắc việc bố trí công tác, giải quyết chế độ chính sách đối với lực lượng công an xã; do lực lượng này hầu hết được đào tạo chuyên ngành công an, nhưng trong quy định của Bộ Nội vụ khi chuyển từ ngành công an sang công chức xã thì không chuyển được, có nhiều vị trí thực tế rất phù hợp như công chức tư pháp nhưng không thể thực hiện.
Phát biểu về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, đây là một năm thành công, cùng với tỷ lệ GDP 7,08% cao nhất 10 năm trở lại đây, thì tỷ lệ bội chi NSNN năm 2018 là 2,8% thấp hơn rất nhiều so với mức 3,7% dự toán đề ra; điều đó, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong việc quản lý đầu tư công và tiết kiệm chi tiêu công.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu
Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn về những điều chưa phù hợp trong việc lập dự toán NSNN, nhiều sai phạm trong chấp hành dự toán ngân sách cũng như quyết toán mà báo cáo Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính ngân sách đã chỉ ra như: công tác giao và phân bổ dự toán 2018 vẫn còn một số bất cập, chưa phù hợp với thực tế ở các ngành và các địa phương; các sai phạm về việc chấp hành thu chi NSNN, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sau chi phí, từ đó tính thiếu thuế GTGT, thuế TNDN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN bị ảnh hướng; công tác quản lý thu ở các cơ quan thuế vẫn còn nhiều tình trạng đáng bàn; các báo cáo quyết toán chưa đúng mẫu,… điều này thể hiện việc quản lý NSNN còn lỏng lẻo, chưa tuân thủ pháp luật.
Đại biểu cũng quan tâm việc chi NSNN cho ngành giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, dạy nghề bị cắt giảm, trong khi Nghị quyết Trung ương cũng như các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đều đề ra ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, công nghệ cao, phát triển giáo dục đào tạo.
Thời gian qua, các hoạt động áp dụng công nghệ trong giáo dục đào tạo như là một điểm sáng của sự thích nghi nhanh chóng của ngành giáo dục đào tạo trong ứng dụng công nghệ trong vấn đề dạy và học trực tuyến. Vì vậy, đại biểu đề nghị trong thời gian tới, việc phân bổ NSNN cho các lĩnh vực cần được xem xét lại một cách tổng thể và thấu đáo hơn, phù hợp với chiến lược phát triển.
Đối với dạy nghề, đại biểu cho rằng, qua thực tiễn việc chi NSNN cho đào tạo nghề, đặc biệt đào tạo sơ cấp ở các địa phương còn mang tính hình thức, trong danh mục đào tạo nghề có những ngành quá đơn giản, không cần thiết. Cần có sự khảo sát nhu cầu ngành nghề mà xã hội thực sự cần, chuẩn bị đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên sâu và cơ sở vật chất để công tác đào tạo nghề thực sự hiệu quả và đáp ứng nhu cầu xã hội. Làm được điều đó, việc chấp hành ngân sách mới thực sự có ý nghĩa.
Về bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng NN&PTNT, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ thống nhất cao về sự cần thiết bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng tăng vốn sản xuất của người dân. Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn khi các hệ thống chính trị, các đơn vị hành chính sự nghiệp đang được sắp xếp, tinh gọn đầu mối thể hiện hiệu quả thì bộ máy của ngân hàng đang được mở rộng, cứ mỗi địa phương lại được tách làm hai làm ba đầu mối, điều này liệu có ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh cũng như sự giảm vốn điều lệ trong mỗi ngân hàng chi nhánh không. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu và xem xét một cách thấu đáo về mô hình quản trị của Ngân hàng NNPTNT.