Đoàn kết tạo sức mạnh vượt qua thiên tai, dịch bệnh

(Baohatinh.vn) - Năm 2020 dần trôi về mốc cuối - năm mà người Hà Tĩnh trải qua bao biến cố của thiên tai, dịch bệnh. Nhưng từ trong gian khó, ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết, sự gắn bó giữa ý Đảng, lòng dân càng được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết…

Năm 2020 dần trôi về mốc cuối - năm mà người Hà Tĩnh trải qua bao biến cố của thiên tai, dịch bệnh. Nhưng từ trong gian khó, ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết, sự gắn bó giữa ý Đảng, lòng dân càng được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết…

Trở về sau những ngày di tản trong cơn lũ lịch sử, vợ chồng ông Phan Văn Khuyến (SN 1920), bà Hà Thị Cúc (SN 1925) trú tại thôn Sơn Trình - xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà), xót xa nhìn căn nhà nhỏ đã đổ sập hoàn toàn. Đã trên dưới 100 tuổi, tài sản chẳng có gì, con cháu đều thuộc diện khó khăn, ông bà đành chuyển đến ở tạm nhà người quen. Trước tình cảnh ấy, dù mới “gượng dậy” sau lũ, nhưng với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, người dân thôn Sơn Trình đã ưu tiên nhiều phần quà của các nhà hảo tâm để góp phần giúp vợ chồng ông bà Khuyến xây lại căn nhà mới.

Hàng xóm láng giềng phụ giúp gia đình ông Khuyến khởi công nhà mới.

Cơn lũ đi qua cũng để lại bao hoang tàn, ngổn ngang, thế nhưng, đến thôn Nam Bắc Thành (xã Cẩm Thành - Cẩm Xuyên), ai ai cũng cảm nhận được tinh thần lạc quan, tin tưởng của người dân nơi đây; họ đang gác việc nhà lại, cùng nhau khẩn trương dọn dẹp, trang hoàng nhà văn hóa thôn để kịp đón ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18/11). Với họ, đây không chỉ là một hoạt động văn hóa đơn thuần như bao năm trước mà thực sự là một ngày hội - ngày hội của tình đoàn kết, là dịp để động viên nhau gắng gượng, vực dậy sau những ngày gian khó.

Người dân xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) tin tưởng, quyết tâm khôi phục, tái thiết cuộc sống sau lũ.

Với tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân, cuộc sống đang hồi sinh dần trên từng ngõ thôn, đồng ruộng, phố phường mà cơn lũ đi qua. Dù nhịp sống chưa thể quay trở lại ngay nhưng trên những cánh đồng, bà con đã bắt đầu gieo những mầm xanh mới; các nguồn tiền ủng hộ cũng đã bắt đầu được sử dụng để tái thiết các công trình công cộng bị hư hỏng…

Người dân ủng hộ nhu yếu phẩm cùng chung tay chống dịch bệnh, thiên tai.

Năm 2020 dần đi về mốc cuối - một năm người dân Hà Tĩnh “vật lộn” với nhiều “cuộc chiến” đầy cam go, thử thách: chống dịch Covid-19, chống “giặc lửa”, chống bão lũ… Nhưng có một điểm chung, ở “cuộc chiến” nào cũng bắt gặp sự kiên cường trong ý chí và một tinh thần đoàn kết, đồng lòng giữa chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Chính trong thời điểm khó khăn, cam go, sức mạnh đại đoàn kết càng được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Các nhà máy, xí nghiệp trở lại trạng thái bình thường mới với một tâm thế chủ động ứng phó thiên tai, dịch bệnh để phát triển, ổn định sản xuất.

Nhớ lại những câu chuyện nhường cơm sẻ áo trong cao điểm chống dịch Covid-19, hẳn nhiều người vẫn còn tự hào về một xã hội đầy nghĩa tình. “Chống dịch như chống giặc”, tinh thần ấy đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành thông điệp cho toàn xã hội. Từ các cơ quan đến doanh nghiệp; từ cán bộ, chiến sỹ đến từng người dân, từ người già đến trẻ nhỏ, từ miền ngược đến miền xuôi… tất cả đều một tấm lòng, một ý chí quyết tâm chiến thắng.

Đội ngũ y, bác sỹ Hà Tĩnh đoàn kết, vững vàng trên tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Hoàng Hào

Không có điều kiện ủng hộ nhiều về vật chất, người dân ở khắp các miền quê Hà Tĩnh vẫn thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm với cộng đồng trong bão dịch. Đó là cụ bà 98 tuổi Nguyễn Thị Huệ (xã Quang Diệm - Hương Sơn) chắt góp được 1 triệu đồng ủng hộ chống dịch; là cô giáo Đậu Thị Thắm và con gái (xã Xuân Hải - Nghi Xuân) may hàng nghìn chiếc khẩu trang, làm hàng trăm mũ chắn giọt bắn tặng người dân và các cơ sở y tế; là bà Trần Chất (thị trấn Nghèn - Can Lộc) với rau, củ vườn nhà và bức thư cảm động gửi đến cán bộ, chiến sỹ…

Em Lê Nguyễn thu Thủy và bức thư cảm động khi em mang tiền tiết kiệm lên ủy ban ủng hộ chống dịch.

Trong cao điểm chống dịch Covid-19, nhiều câu chuyện cảm động đã được viết lên bằng tình yêu thương, sự sẻ chia. Em Lê Nguyễn Thu Thủy - học sinh lớp 6 (xã Sơn Lâm - Hương Sơn) chia sẻ: “Đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào… là những bài học em đã được học rất nhiều ở trường, ở ông bà, bố mẹ, nhưng em thực sự cảm nhận được điều đó trong đợt chống dịch Covid-19 vừa qua. Em đã ủng hộ toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình, chỉ mong đóng góp một phần nhỏ bé cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh để người dân trở lại cuộc sống bình thường và chúng em được đi học”.

Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã ủng hộ Hà Tĩnh nguồn lực để xây dựng nhà tránh lũ cho bà con Nhân dân vùng thường xuyên bị ngập lũ. Ảnh: Phúc Quang

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Mai Thủy cho biết: “Qua các đợt kêu gọi toàn dân tham gia chống dịch, ủng hộ đồng bào lũ lụt của Ủy ban MTTQ tỉnh, đã có hàng nghìn tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên cả nước, kiều bào ở nước ngoài ủng hộ hàng trăm tỷ đồng. Các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng lòng, chung sức cùng chính quyền trong thời điểm khó khăn”.

Xuyên suốt tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước, tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau như dòng chảy thấm đẫm trong huyết quản, hành động của bao thế hệ người Hà Tĩnh. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, tinh thần đó có những biểu hiện khác nhau nhưng đều đã góp phần tô đậm bản sắc văn hóa của mảnh đất và con người nơi đây. Đó cũng chính là sức mạnh để Hà Tĩnh về đích một năm vượt khó, tạo đà cho những thành tựu mới trên chặng đường kế tiếp.

Nhân dân thôn Nam Bắc Thành, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) vui ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Phan Trâm

ảnh: PV - CTV

thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói