Năm 2025, kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư tăng lên kéo theo nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam gia tăng. Cùng đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP... tiếp tục được thực thi, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới và giảm thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn, Sở Công thương Hà Tĩnh đã theo dõi hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, vướng mắc, tham mưu UBND tỉnh triển khai giải pháp hỗ trợ, gỡ khó. Cùng đó, phối hợp tham mưu đẩy nhanh tiến độ các dự án chế biến, xuất khẩu đưa vào hoạt động đảm bảo tiến độ; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo, cung cấp thông tin thị trường, đối tác xuất khẩu, mở rộng cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Chính sách thông thoáng cùng giải pháp nội lực từ doanh nghiệp đã tạo lực đẩy để doanh nghiệp xuất khẩu Hà Tĩnh gia tăng hợp đồng, kỳ vọng thu về nhiều ngoại tệ trong nửa cuối năm 2025. Các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục ghi nhận nhiều khởi sắc như: sợi, bao bì, may mặc, chè, thủy sản, dăm gỗ…
Bước qua khó khăn thời kỳ hậu suy thoái kinh tế toàn cầu, từ năm 2024, hoạt động của Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (CCN Đức Thọ) được cải thiện. Đặc biệt năm 2025, doanh nghiệp liên tục “chốt” đơn hàng từ Philippines, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch công đoàn Công ty CP Bao bì Sông La xanh cho biết: “Thị trường rộng mở, nhu cầu hàng hóa lớn nên ngoài nhà máy sản xuất cố định tại CCN Đức Thọ, công ty xây thêm nhà xưởng tại xã Hương Sơn. Năm 2025, doanh nghiệp và người lao động phấn khởi vì “làm không hết việc”. Ngoài 450 lao động đang làm việc, doanh nghiệp cần tuyển 60 lao động để đáp ứng dây chuyền sản xuất, nỗ lực sớm đạt doanh thu 250 tỷ đồng. Nền tảng vững chắc này tạo đà cho kế hoạch sản xuất – kinh doanh của đơn vị trong những năm tiếp theo và góp phần khẳng định chất lượng, vị thế của sản phẩm bao bì Hà Tĩnh tại thị trường thế giới”.

Sợi là lĩnh vực “thắng lớn” trong năm qua khi đơn hàng xuất khẩu gia tăng. Ngoài các đối tác truyền thống, doanh nghiệp xuất khẩu sợi còn ký kết đơn hàng mới trên cơ sở đa dạng hóa thị trường, tăng nguồn thu ngoại tệ. 7 tháng năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của xơ, sợi dệt các loại đạt khoảng 7,99 triệu USD, tăng 102,28% so với cùng kỳ năm 2024.
Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh (CCN Nam Hồng) là đơn vị chuyên sản xuất và xuất khẩu sợi. Năm 2023, đơn vị thua lỗ do tác động chiến tranh quân sự, ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu khiến giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, chi phí sản xuất tăng... Tuy vậy, từ giữa năm 2024 lại nay, tình hình sản xuất – kinh doanh được cải thiện. Với chính sách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, ngoài đối tác chủ lực là Nhật Bản, Hàn Quốc, công ty đàm phán và ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp mới tại Thái Lan, Ai Cập, Bangladesh… Từ đầu năm lại nay, doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ khoảng 4.200 tấn sợi và đang tập trung cho các đơn hàng đã ký kết đến cuối năm 2025 với sản lượng khoảng 600 tấn sợi/tháng.

Là đầu tàu xuất khẩu của Hà Tĩnh, thời gian qua, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh (FHS) chịu tác động do thuế quan và chính sách bảo hộ thép từ các quốc gia trên thế giới. 7 tháng năm 2025, kim ngạch xuất khẩu thép, phôi thép của FHS đạt khoảng 795,62 triệu USD, giảm 31,16% so với cùng kỳ năm 2024.
Tuy vậy, nửa cuối năm 2025, tình hình xuất khẩu của FHS ghi nhận dấu hiệu khả quan từ thị trường, nhất là chính sách thuế quan từ Mỹ. Ngày 2/7/2025, sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Donald Trump, 2 quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận về thuế đối ứng. Cụ thể, hàng hóa từ Việt Nam khi vào Mỹ chịu thuế quan 20%, thay vì mức thuế 46% như tuyên bố trước đó (tháng 4/2025). Đây là một lợi thế để FHS tiếp tục tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Song song với Mỹ, FHS tiếp tục chiến lược đàm phán để gia tăng sản lượng xuất khẩu sang các thị trường khác.
Nhìn chung, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP... tiếp tục được thực thi, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới và giảm thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu của Hà Tĩnh. 7 tháng năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh đạt khoảng 958,96 triệu USD, đạt 38,4% so với kế hoạch cả năm. Sản phẩm của Hà Tĩnh đã có mặt trên 20 thị trường; trong đó một số nước chủ lực như như: Ấn Độ (kim ngạch xuất khẩu 170,15 triệu USD), ASEAN 81,40 triệu USD, Trung Quốc 33,71 triệu USD, Nhật Bản 5,3 triệu USD…
Ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay, Việt Nam đã hoàn thành ký kết và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do (FTAs) song phương và đa phương, doanh nghiệp Hà Tĩnh đã tiến hành xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tận dụng ưu đãi từ 13 hiệp định thương mại tự do với các đối tác chủ yếu như: ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…, kim ngạch xuất khẩu từ các FTAs chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Mục tiêu xuất khẩu hàng hóa năm 2025 của tỉnh đạt 2.500 triệu USD. Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách phát triển logistics và xuất khẩu giai đoạn 2026-2030; tiếp tục triển khai các quy hoạch, chính sách đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics như: Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu giai đoạn 2024-2025; chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025… Đồng thời, phối hợp các bộ liên quan lựa chọn, mời gọi các doanh nghiệp uy tín trong nước tham gia khảo sát và ký kết xuất khẩu với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh; tham gia chương trình xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài…

Cũng theo ông Võ Tá Nghĩa, chặng nửa cuối năm 2025, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng có nhiều cơ hội tăng trưởng, song cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng để vượt qua những thách thức. Các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với phát triển thương hiệu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn về môi trường và bền vững để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Cùng đó, cần đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm và khai thác thị trường xuất khẩu mới; liên tục cập nhật thông tin, kiến thức về thị trường, chính sách và các quy định liên quan đến xuất khẩu để chủ động thích ứng.