Những tháng đầu năm nay, giá USD tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng mạnh. Ngày 9/4/2025, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại vượt mốc 26.000 đồng/USD ở chiều bán ra. Trong ngày 11/4/2025, tỷ giá USD dù có giảm, song vẫn ở mức cao (25.920 đồng/USD ở chiều bán ra). Các chuyên gia tài chính dự đoán, giá USD sẽ tăng khoảng 10% trong năm nay trước những diễn biến của thuế quan Mỹ.
Từ quý II/2025, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Hà Tĩnh tăng tốc kinh doanh, theo đó nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hoá ngày càng lớn. Thời gian qua, tỷ giá USD biến động tăng mạnh đã tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp này.

Theo ghi nhận, với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu lớn, tỷ giá tăng khiến doanh nghiệp phải bù đắp thêm chi phí. Còn với những doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ giá tăng sẽ được hưởng lợi; song lợi nhuận từ việc tăng tỷ giá còn phụ thuộc vào cơ cấu phần trăm hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến trường hợp tỷ giá tăng sẽ khiến cho các đối tác ở nước ngoài giảm sản lượng nhập khẩu từ Việt Nam, do vậy đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tại Hà Tĩnh sụt giảm nên lợi ích từ tỷ giá sẽ bị hạn chế.
Công ty CP Sao Mai (CCN Bắc Cẩm Xuyên) chuyên sản xuất bao bì xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Thời gian qua, đơn vị liên tục gặp khó khi tỷ giá biến động.
Bà Trần Thị Khuyên – đại diện Công ty CP Sao Mai cho biết: “Để duy trì dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp phải nhập khẩu hạt nhựa từ Hàn Quốc về với sản lượng khoảng 125 tấn/tháng. Chúng tôi nhập khẩu 60% nguyên liệu nên khi giá USD tăng đã kéo theo chi phí tăng cao. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp xuất khẩu bao bì sang các nước, khi tỷ giá USD tăng sẽ thu được nhiều tiền nội tệ hơn. Tuy nhiên, trước bối cảnh tỷ giá tăng, các nước này cũng giảm đơn hàng nhập khẩu bao bì từ doanh nghiệp chúng tôi kéo theo đơn hàng xuất khẩu giảm. Theo đó, sản lượng xuất khẩu quý I/2025 của Công ty CP Sao Mai nhìn chung giảm (đạt 20 triệu vỏ bao, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái), doanh thu 81 tỷ đồng (giảm 25 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái).
Để ứng phó với tình hình tỷ giá USD tăng cao, Công ty CP Sao Mai đã nghiên cứu và quyết định giảm sản lượng nhập khẩu nguyên liệu từ 60% xuống 40% và tăng sản lượng mua nguyên liệu trong nước từ 40% lên 60% để tiết giảm chi phí. Ngoài ra, công ty tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất tự động để tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng đó, khi các đơn hàng xuất khẩu đang có xu hướng sụt giảm, doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm đối tác tiêu thụ trong nước để duy trì ổn định chuỗi sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Hiện nay, Công ty CP Sợi Nghệ Tĩnh (đóng tại CCN Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh) cũng đang chịu áp lực khi tỷ giá USD tăng.
Theo đó, doanh nghiệp này nhập khẩu khoảng 95% bông từ các nước Mỹ, Brazil, Ấn Độ… để phục vụ dây chuyền sản xuất sợi nên tỷ giá USD tăng sẽ kéo theo chi phí phát sinh. Ở chiều ngược lại, dù tỷ giá cao sẽ kéo nguồn thu từ xuất khẩu của công ty tăng, tuy nhiên tỷ lệ hàng xuất khẩu của công ty chỉ chiếm 50% trong tổng cơ cấu thị trường tiêu thụ nên chưa thể bù lại mức độ chênh lệch từ chi phí nhập khẩu nguyên liệu.
Trước việc USD tăng tỷ giá, Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (CCN Đức Thọ) đã kịp thời nghiên cứu và tiến hành giảm sản lượng nhựa nhập khẩu từ các thị trường Hàn Quốc, Singapore… xuống còn 10%; thay vào đó, doanh nghiệp đẩy mạnh mua nguyên liệu nội địa lên tới 90% sản lượng.
Theo ông Phan Trí Nghĩa – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Bao bì Sông La Xanh: Thời gian qua, công ty đã nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời cơ cấu nguyên liệu nhập khẩu sao cho có lợi nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp chú trọng ứng dụng công nghệ, tiết giảm chi phí trong sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Song song với xuất khẩu, doanh nghiệp chú trọng thị trường nội địa với mục tiêu doanh thu trên 200 tỷ đồng trong năm 2025.

Theo cán bộ một ngân hàng thương mại trên địa bàn, nhìn chung tỷ giá tăng còn gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu trong việc lập kế hoạch tài chính do không thể dự báo chính xác chi phí sản xuất, giá bán sản phẩm cụ thể…, từ đó ảnh hưởng đến dòng tiền vay nợ bằng USD tại ngân hàng.
Đó là chưa nói đến việc hiện nay lãi suất vay USD tại các ngân hàng cũng đã tăng so với năm 2024 (năm 2024 lãi suất vay USD là 4,1%/năm, trong khi năm nay là 4,5%/năm - PV) đã gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp nhập khẩu trên địa bàn như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh, Công ty TNHH Havina Hồng Lĩnh…
Mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết vấn đề tỷ giá đang được tất cả doanh nghiệp quan tâm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sắc lệnh thuế. Lãnh đạo NHNN đánh giá diễn biến tỷ giá phức tạp, khó lường thể hiện rõ sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sắc thuế, nhất là khi đối tác thương mại áp dụng trả đũa chắc chắn thị trường tài chính tiền tệ diễn biến phức tạp từng ngày, từng giờ.
Thông tin về định hướng điều hành, lãnh đạo NHNN Việt Nam cho biết sẽ theo dõi rất sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hoà sự đánh đổi tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất.

Theo Sở Công thương Hà Tĩnh, quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh đạt 376,44 triệu USD, đạt 15% so với kế hoạch cả năm và giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2024; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa toàn tỉnh đạt 698,58 triệu USD, tăng 5,82% so với quý IV/2024.