Doanh nhân Hà Tĩnh xa quê trả nghĩa quê hương

(Baohatinh.vn) - Hoàn toàn tự nguyện và không có pháp luật chi phối, chỉ bằng ý thức hướng về quê hương, những người con xa quê, trong đó có doanh nhân, đã làm cho từng vùng quê Hà Tĩnh thay da đổi thịt.

Doanh nhân Hà Tĩnh xa quê trả nghĩa quê hương

Khu phức hợp Vincom Hà Tĩnh của doanh nhân Phạm Nhật Vượng tại quê hương. Ảnh: Huy Tùng

Tâm thức cộng đồng

Những người thành đạt, trong đó có lớp doanh nhân đã luôn hướng về quê hương, đó là nét nổi trội của phẩm chất “trọng tình” vốn ăn vào máu thịt. Đã đành vậy, nhưng trong sâu thẳm, những mong ước đền đáp, trả nghĩa giữa cuộc đời luôn ẩn chứa trong đó ý thức về xây dựng hình ảnh, danh phận – một thế đứng thiên về phẩm hạnh cá nhân.

Đất nước hội nhập, thị trường rộng mở đã tác động đến sự vươn dậy của nhiều cá nhân năng lực. Những doanh nhân thành đạt đã tỏa đi muôn phương để khẳng định phẩm chất bản thân. Hầu hết những người thành đạt trong môi trường kinh doanh đều đã hướng về quê hương bằng những tình cảm đầy “vị tha” (vì người khác) nhưng ẩn chứa trong đó là một cách khẳng định phẩm hạnh nơi cộng đồng, nơi quê hương, làng xã. Thì đấy, trước hết phải thấy rằng, doanh nhân tiến thân là để “lợi thân”, sau nữa, họ hướng về gia đình mình (bố mẹ, anh chị em), rồi đến họ tộc (xây dựng nhà thờ, công trình chung), đến làng xóm, xã và rộng hơn nữa…, tùy theo lợi nhuận và vị thế doanh nghiệp.

Tất cả những việc làm ấy không xuất phát từ tư lợi mà là từ lòng hào hiệp của những người thành đạt, cũng là một hình thức xây dựng hình ảnh những con người vì nghĩa, nặng tình với nơi đã sinh ra. Đây là một khát vọng hết sức chính đáng, được thực hiện bằng tài sức và cũng chỉ hình thành từ “tâm thức cộng đồng”, không phải đất nước nào cũng có. Doanh nhân nhiều nước, khi hiển đạt thường chỉ tâm niệm làm từ thiện với những nơi xa lạ hơn là hoài hương – bởi ý thức về cộng đồng nơi quê hương của họ không rõ nét.

Doanh nhân Hà Tĩnh xa quê trả nghĩa quê hương

Ông Nguyễn Đình Xuân - Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại CHLB Đức (bên phải) gặp gỡ ông Trần Văn Sơn - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Hợp tác Toàn Cầu, chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp hơn 152 tỷ đồng tại bãi biển Xuân Thành

Hoàn toàn tự nguyện và không có pháp luật chi phối, chỉ bằng ý thức hướng về quê hương (cũng là khẳng định giá trị bản thân tại nơi đó), những người con xa quê, trong đó có doanh nhân, đã làm cho từng vùng quê Hà Tĩnh thay da đổi thịt. Nói điều này để thấy, tâm niệm dành cho quê hương của lớp doanh nhân là nổi trội, là có cơ chế để thực hiện hơn, nhưng vẫn nằm trong tâm thức văn hóa thuộc về cộng đồng. Rồi lại phải nói lại, cũng tâm thức ấy mà “lực bất tòng tâm” thì thật khó thay! Đó cũng là lý do để người Hà Tĩnh nói chung, người từng vùng quê nói riêng biết ơn vô cùng với tỷ phú Phạm Nhật Vượng và nhiều doanh nhân khác.

Những công trình của ông Vượng trên đất Hà Tĩnh, người ta cho rằng, đó không phải là “làm ăn” mà là trả nghĩa quê hương, bởi các công trình ấy có giá trị thôi thúc phát triển và đem đến cái nhìn, cái biết về sự mới lạ cho người dân nhiều hơn là doanh số. “Tầm” của ông Vượng, việc xây dựng danh dự bản thân, dĩ nhiên phải nhìn trong phạm vi quốc gia, rằng ông đang là người Việt Nam trong tương quan với các tỷ phú các nước, sự hiển đạt của ông là sự hiển đạt của danh dự Việt Nam. Tuy vậy, trong ông, ý thức về một Phạm Nhật Vượng Hà Tĩnh vẫn rất rõ. Đó chính là một hình ảnh khác mà ông muốn xây dựng trong lòng người Hà Tĩnh. Điều đó thật chính đáng và rất đáng khích lệ, có giá trị thúc đẩy các khát vọng cống hiến khác của nhiều lớp doanh nhân, kể cả những người hôm nay đang trên ghế nhà trường.

"Quê hương mỗi người chỉ một"

Tôi đã từng nghe nhiều doanh nhân thành đạt tâm sự chỉ mong làm gì đó cho quê hương. Song song với đó, người ta cũng biết về tên tuổi, thiện tâm của doanh nhân nhiều hơn.

Doanh nhân Hà Tĩnh xa quê trả nghĩa quê hương

Doanh nhân Bùi Văn Liệu

Ông Bùi Văn Liệu – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Hào Hiệp Group chuyên sản xuất tôn thép, từ lâu đã được người dân Thạch Khê, các xã vùng bãi ngang, các lãnh đạo huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh biết đến với một tình cảm mang ơn..

Thành công trên thương trường từ những năm 1993, ông Liệu đã hướng về Hà Tĩnh với tấm lòng nhân ái. Để làm gì đó cho quê hương phải có tổ chức, sự kết nối, ông đã trở thành hạt nhân tích cực cho sự ra đời, phát triển Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh. Không chỉ tự mình đóng góp, ông còn vận động các doanh nhân tham gia xây dựng nhà tình nghĩa, chia sẻ với đồng bào bị lũ lụt, đóng góp xây tượng đài ở Ngã ba Đồng Lộc. Ông đã nhận được nhiều giấy khen của UBND tỉnh Hà Tĩnh trao tặng.

“Với quê hương Thạch Khê, ông trở thành người gần gũi, hầu như ai cũng biết. Ông đã hỗ trợ các công trình nhà văn hóa, cổng chào; hệ thống máy vi tính, xây bể bơi, công viên trường học cho các trường mầm non, tiểu học, THCS Lê Hồng Phong; thường xuyên quan tâm, tặng quà cho nhân dân. Ông là một trong những doanh nhân tiêu biểu của Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh, hiện là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Thạch Hà tại thành phố này. Điều đáng nói ở ông Liệu là được sinh ra trong truyền thống gia đình cách mạng” - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê Phạm Tiến Nam trò chuyện.

Doanh nhân Hà Tĩnh xa quê trả nghĩa quê hương

Trường đua chó, sân golf và nhà nghỉ dưỡng ở Xuân Thành do ông Nguyễn Ngọc Mỹ - một doanh nhân Việt kiều đầu tư

Sau khi được chấp thuận đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp hơn 152 tỷ đồng tại bãi biển Xuân Thành, ông Trần Văn Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty CP Hợp tác thương mại Toàn Cầu (Việt kiều Đức) đã tâm tình: “Điều quan trọng với tôi là phải làm gì đó cho quê hương. Nếu vì kinh tế, tôi sẽ không đầu tư vào Xuân Thành mà chọn tỉnh khác, nơi khai thác du lịch gần như quanh năm. Tôi sinh ra ở vùng quê này nên hiểu nơi đây và mong muốn nâng tầm khu du lịch, kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân”.

Mong muốn ấy, dĩ nhiên cũng là một hình thức khẳng định tên tuổi, ít nhất là với làng xóm, quê hương. Chính bởi vậy, trước hết, cơ ngơi mà ông Sơn xây dựng cho người nhà ở quê nhiều năm trước, cũng đã làm nhiều người trầm trồ, thán phục. Cũng tại Nghi Xuân, một hình thức khẳng định “doanh nhân Hà Tĩnh”, ông Nguyễn Ngọc Mỹ đã đầu tư trường đua chó, sân golf và nhà nghỉ dưỡng.

Những năm gần đây, doanh nhân Nguyễn Đình Xuân – Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại CHLB Đức với tình cảm “Mưa nắng quê người vẫn sâu nặng” (Đinh Miên Vũ) đã hướng về Hà Tĩnh bằng các chương trình kết nối, xúc tiến con em Hà Tĩnh đầu tư tại tỉnh và góp phần giới thiệu các sản phẩm Hà Tĩnh ra trời Âu.

“Quê hương mỗi người chỉ một”, quả là sâu nặng, ân tình. Cơn cớ gì lại sâu nặng? Thì là vậy. Vì đáp nghĩa với quê hương và cũng là một cách xây dựng hình ảnh bản thân - người có năng lực, trọng tình, vì nghĩa. Cách xây dựng hình ảnh như vậy thật đẹp và hình ảnh doanh nhân Hà Tĩnh hiện lên thật thân thiện, có dòng chảy âm thầm của truyền thống văn hóa - một dòng chảy trong huyết quản mọi người - trọng tình hơn trọng lý.

Chủ đề DOANH NHÂN HÀ TĨNH

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).