Đối thoại để thực hiện tốt chính sách với người có công Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đối thoại với người có công đi điều dưỡng tập trung để tiếp nhận, giải quyết những kiến nghị, vướng mắc liên quan là cách làm hay mà Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đang triển khai.

Từ đầu tháng 3/2024 đến nay, đều đặn vào sáng thứ 4 hằng tuần, Phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH) phối hợp với Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội Hà Tĩnh lại tổ chức chương trình đối thoại về chính sách người có công với các đại biểu là người có công, thân nhân người có công đến điều dưỡng tập trung phục hồi sức khoẻ tại trung tâm.

Đây là cuộc đối thoại mà các đại biểu người có công và thân nhân người có công rất quan tâm, phấn khởi vì được gặp gỡ, phản ánh trực tiếp những vấn đề chưa rõ, vấn đề liên quan đến quyền lợi bản thân... đến lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH.

Ông Đặng Công Nam - Phó Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH) tiếp thu, trả lời phúc đáp kiến nghị, đề xuất của đại biểu liên quan đến quá trình thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng.

Ông Phạm Quang Đạt (thương binh hạng 4/4, ở xã Phú Gia, Hương Khê) chia sẻ: "Tại các cuộc đối thoại, sau khi nghe chúng tôi phản ánh, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc..., cán bộ Sở LĐ-TB&XH đã giải đáp một cách thấu đáo. Tôi và các anh em đến điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội tỉnh đều thấy rằng, việc tổ chức đối thoại trực tiếp như thế này là cách làm hay để các chế độ, chính sách cho người có công được triển khai một cách hiệu quả, thiết thực. Mong rằng, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đối thoại trực tiếp với người có công để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn”.

Ông Phạm Quang Đạt (thương binh hạng 4/4, ở xã Phú Gia, Hương Khê) hỏi về thủ tục, quy trình giám định lại thương tật.

Bên cạnh việc giải đáp những thắc mắc, kiến nghị liên quan đến chế độ, chính sách thì thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp, cán bộ của Sở LĐ-TB&XH còn trực tiếp chuyển tải được nhiều nội dung, trình tự thủ tục giải quyết các chế độ liên quan... đến với người có công, thân nhân người có công. Từ đó, chính những người này sẽ chuyển tải những nội dung đã nắm bắt được cho những người dân khác có quan tâm đến lĩnh vực chính sách người có công.

Ông Trần Xuân Linh (thương binh 1/4, ở xã Hồng Lộc, Lộc Hà) kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cần tăng mức hỗ trợ mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho thương bệnh binh để phù hợp với chi phí thực tế.

“Đối thoại là dịp để cơ quan Sở LĐ-TB&XH trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng chính sách trên địa bàn, trên cơ sở đó giải quyết những thắc mắc, bất cập, nhắc nhở, chấn chỉnh thiếu sót, đồng thời cũng là dịp tuyên truyền để người có công hiểu rõ hơn về các chế độ, quy trình, thủ tục giải quyết các chế độ, chính sách...", ông Đặng Công Nam – Phó Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH) cho biết.

Phát tờ rơi tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Được biết, năm 2024, Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh dự kiến tổ chức điều dưỡng phục hồi sức khoẻ tập trung cho 33 đoàn với khoảng 4.200 người có công và thân nhân người có công. Mỗi đợt điều dưỡng tập trung tại trung tâm là 6 ngày, trong khoảng thời gian này, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiến hành các buổi đối thoại về các chế độ, chính sách người có công.

Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với người có công, thân nhân người có công và Nhân dân về thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi người có công nhằm giải quyết kịp thời, đúng quy định những vướng mắc, kiến nghị chính đáng của đối tượng. Những kiến nghị, đề xuất của các đối tượng tại các buổi tuyên truyền, đối thoại thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành Trung ương sẽ được chúng tôi tập hợp, trình lên cấp trên để kịp thời điều chỉnh, bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tiễn.

Ông Đặng Văn Dũng

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Chủ đề Người có công với cách mạng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói