Các cựu quan chức Trung Quốc cũng như giới quan sát nhận định việc tạm dừng các cuộc đối thoại cho thấy Bắc Kinh khó chịu vì vị thế bất lợi trên bàn đàm phán và mong muốn Washington giảm bớt kỳ vọng về sự thỏa hiệp từ phía Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Bộ Thương mại Trung Quốc cuối ngày 6/4 tiết lộ việc hai bên đã không đối thoại "một thời gian", giữa lúc nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa đánh thuế bổ sung trị giá 100 tỷ USD nhằm vào hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả Mỹ một cách không khoan nhượng.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cũng bác bỏ khả năng về "bất kỳ hình thức đàm phán nào trong tình hình hiện tại", cho thấy lập trường cứng rắn hơn từ phía Bắc Kinh. Hồi giữa tuần, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói Bắc Kinh sẵn sàng ngồi xuống đàm phán để giải quyết vấn đề.
|
Tổng thống Trump đe dọa đánh thuế bổ sung trị giá 100 tỷ USD nhằm vào hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Mỹ đang "đòi hỏi quá nhiều"?
Cuộc đối thoại được công khai cuối cùng giữa quan chức 2 nước diễn ra hôm 24/3, khi Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ông Lưu nói Trung Quốc sẽ bảo vệ các lợi ích của mình trong cuộc điện đàm diễn ra sau khi ông Lưu trở về từ Washington, nơi ông nhận sự đón tiếp lạnh nhạt.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng "có các trao đổi bí mật" giữa Mỹ và Trung Quốc và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đã đưa ra danh sách về "những điều chúng tôi muốn đạt được trong chuyện này".
Các nhà phân tích của Trung Quốc nói Bắc Kinh vẫn xem đối thoại là giải pháp hướng đến nhưng Mỹ đang đòi hỏi quá nhiều và không công bằng với Trung Quốc khi loại một số nước khỏi danh sách áp thuế nhập khẩu.
"Mỹ đã luôn đặt ra mục tiêu rằng Trung Quốc phải nhượng bộ. Nhưng đây không phải là đàm phán. Đây là hành động hạ mình trước sự hà hiếp", cựu thứ trưởng thương mại Wei Jianguo nói.
Ông Wei cũng nói không thể loại bỏ nguy cơ chiến tranh thương mại lan rộng, gây ra chiến tranh tài chính hoặc ảnh hưởng đến các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số chuyên gia không đồng tình với việc Bộ Thương mại Trung Quốc bác bỏ khả năng đối thoại với Mỹ.
"Chúng ta cam kết trả đũa một cách một mẽ nhưng chúng ta vẫn nên thể hiện thiện chí ngồi vào bàn đàm phán, tạo điều kiện hòa giải. Nếu cả hai tiếp tục hành xử như bây giờ, một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện sẽ nổ ra", giáo sư về quan hệ quốc tế Shi Yinhong tại Đại học Nhân dân nói.
Các khoản thuế với tổng giá trị 50 tỷ USD ban đầu nhằm vào hàng hóa Trung Quốc dự kiến không có hiệu lực cho đến tháng 6. Trong khi đó, Trung Quốc chưa đưa ra ngày có hiệu lực cho các biện pháp trả đũa của mình.
Giáo sư Shi nói nếu Trung Quốc và Mỹ không liên lạc trước thời hạn trên, "đây sẽ là một thất bại ngoại giao lịch sử".
|
Phó thủ tướng Lưu Hạc được xem là người phụ trách xử lý quan hệ với Mỹ của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc "không sợ mất mát"
Trong bài bình luận đăng cuối ngày 7/4, Hoàn Cầu Thời báo (Global Times), tờ báo nổi tiếng với các quan điểm mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa gây tranh cãi, nói Trung Quốc luôn muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với Mỹ nhưng "Mỹ không cho Trung Quốc sự lựa chọn nào khác ngoài cách kháng cự toàn diện".
Bài viết nhắc lại cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên năm 1950-1953, khi Mỹ và Trung Quốc tham chiến với tư cách đối đầu, kêu gọi "chiến đấu với tinh thần không sợ hy sinh hay mất mát trong cuộc chiến thương mại ngày nay".
"Nhận thức về tình thế hiểm nghèo khi chúng ta không còn đường rút lui đã đoàn kết xã hội Trung Quốc. Chúng ta biết sẽ có hy sinh nhưng chúng ta càng hiểu hơn rằng không có giới hạn nào cho sự tham lam giành quyền bá chủ. Nếu hôm nay chúng ta không bảo vệ giao thương, chúng ta sẽ không bao giờ biết được chúng ta sẽ mất gì ngày mai", tờ báo viết.
"Hãy để hai hệ thống tham gia vào cuộc đấu chiến tranh thương mại này. Khi chiến sự bắt đầu, chúng ta sẽ thấy ai bền bỉ hơn", Hoàn Cầu kết luận, lưu ý rằng "cán cân quyền lực đã thay đổi" so với cách đây 6 thập kỷ.
Theo giáo sư về nghiên cứu quốc tế Pang Zhongying tạo Đại học Hải dương Trung Quốc, mấu chốt của vấn đề là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không có nhiều niềm tin dành cho nhau.
"Trung Quốc không rõ liệu Mỹ có thực sự muốn đàm phán hay không", ông Pang nói. "Trung Quốc nhận thức rõ rằng tình hình rất nghiêm trọng và ngày càng leo thang. Họ đã liên tục bày tỏ ý định đối thoại nhưng chẳng ích gì".
Cựu thứ trưởng Wei cho rằng phát biểu của người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh từ chối tham gia các cuộc đàm phán trong thời gian tới.
"Không khí hiện tại không dành cho các cuộc thương thảo nhưng cánh cổng dẫn đến bàn đàm phán vẫn chưa khép lại. Chúng tôi vẫn hoan nghênh đàm phán nhưng việc đó phải diễn ra trong bầu không khí hữu hảo, nơi cả hai bên bình đẳng và thật tâm muốn giải quyết vấn đề", ông Gao nói trên SCMP.
|
Ông Trump gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 11/2017. Chuyên gia cho rằng mấu chốt căng thẳng là hai bên thiếu lòng tin dành cho nhau. Ảnh: Getty. |
Trong khi đó, ông Trump vẫn không cho thấy dấu hiệu sẽ từ bỏ việc trừng phạt Trung Quốc bằng cách áp đặt thuế quan, bất chấp sự phản đối từ nội bộ đảng Cộng hòa.
"Tôi không nói rằng sẽ không có chút thương đau nào... Chúng ta có lẽ sẽ thua thiệt một chút nhưng chúng ta sẽ có một quốc gia mạnh mẽ hơn khi việc này hoàn thành. Đó là tất cả những gì tôi hướng đến", tổng thống Mỹ nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 6/4.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse cho rằng "Trung Quốc có nhiều sai phạm nhưng tổng thống Mỹ không có kế hoạch thực sự để giành phần thắng lúc này".
"Ông ấy (Trump) đang đe dọa thiêu rụi nền nông nghiệp nước Mỹ", ông Sasse nói. "Hãy xử lý các hành vi xấu của Trung Quốc một cách triệt để, nhưng phải có kế hoạch trừng phạt họ thay vì trừng phạt chúng ta".
"Đây là cách ngu ngốc nhất để làm việc này", ông nói về các khoản thuế.