“Thực hiện Luật Đầu tư mới và các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật càng trở nên cấp bách. Mặc dù những năm qua, Sở Tư pháp đã tăng cường công tác phổ biến pháp luật cho đội ngũ DN, song thực tế cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Sau hơn 1 năm thực hiện Luật DN 2014 (hiệu lực từ 1/7/2015) có một số nội dung pháp lý phát sinh, vì vậy, các đại biểu cần thẳng thắn chia sẻ để cùng nhau tháo gỡ’’ - Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh Lê Viết Hồng mở đầu buổi làm việc.
Phó phòng Đăng ký DN Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Vũ Hải cho rằng “trên cơ sở phát huy kế thừa Luật DN năm 2005, Luật DN năm 2014 có nhiều điểm mới thuận lợi hơn nhiều, đặc biệt là trong đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thời gian thẩm định từ các cơ quan chức năng. Kết quả cho thấy, sau 1 năm thực hiện Luật DN, trên địa bàn tỉnh đã có 902 DN ra đời, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước (cả nước tăng 27,8%). Tuy nhiên, Luật có những quy định mới liên quan đến Luật đầu tư, cam kết WTO…, đặc biệt có yếu tố liên quan đến nước ngoài còn bộc lộ nhiều hạn chế lúng túng”.
Ông Nguyễn Vũ Hải
Đề cập đến vai trò Hiệp hội DN Hà Tĩnh, Tổng thư ký Hiệp hội DN Hà Tĩnh Hoàng Trung Thông khẳng định “Hiệp hội DN Hà Tĩnh thường xuyên đồng hành trong quá trình hoạt động của DN; tập hợp lĩnh hội ý kiến các DN, đề đạt các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn Luật DN 2014 có chuyên gia đầu ngành giảng dạy. Tuy nhiên thực tế hiệu quả đạt được vẫn ngoài tầm mong đợi”.
Ông Hoàng Trung Thông
Tại hội nghị, luật sư Phan Duy Phong - Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Buổi đối thoại này rất có ý nghĩa, bởi các thành viên có thể chia sẻ khó khăn, vướng mắc để được tháo gỡ. Khó ở chỗ trong quá trình hoạt động, DN mải mê tìm kiếm việc làm, lợi nhuận, không chú trọng đến hành lang pháp lý nên rất dễ sai phạm nếu không được tư vấn pháp luật kịp thời”.
Luật sư Phan Duy Phong
Trong khi đó, Giám đốc Lê Viết Hồng thừa nhận: “Hà Tĩnh trong những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nhưng không được xử lý dứt điểm. Đơn giản là trên địa bàn tỉnh không có sự có mặt của trọng tài thương mại. Tất cả những vụ việc trên đương nhiên không được giải quyết thông qua vai trò hiệp hội DN”.
Ông Lê Viết Hồng
Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm hạn chế của DN khi cho rằng: “Mặc dù, hàng năm Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật nhưng số DN tham gia còn quá ít. Bên cạnh thiếu năng lực tổ chức quản lý quản trị kinh doanh, chế độ lưu giữ tài liệu của các DN còn rất lỏng lẻo, so sài vì vậy mỗi khi xảy ra tranh chấp, kiện tụng rất khó giải quyết….
Cũng tại hội nghị các vấn đề DN đặt ra như: DN có phải đối giấy chứng nhận đăng ký DN theo Luật cũ để cấp theo Luật mới hay không? Việc cấp giấy chứng nhận riêng, việc không ghi ngành nghề trong giấy chứng nhận ĐKKD có gây khó khăn cho DN không?...
Những vấn đề này được thảo luận sôi nổi và được đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư giải đáp thỏa đáng.
Với quan điểm đồng hành cùng DN, thời gian tới, các ngành chức năng cam kết tiếp tục thực hiện đồng bộ nghiêm túc Luật DN, Luật Đầu tư, tiếp tục rà soát đánh giá thực trạng hoạt động của DN; tháo gỡ những rào cản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm…