Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết Nguyên đán.
Cụ thể, nhóm lương thực, thực phẩm đạt 4.420 tỷ đồng, tăng 14,91%; hàng may mặc đạt 633,51 tỷ đồng, tăng 11,15%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 1.224,044 tỷ đồng, tăng 2,6%; ô tô con tăng 60,52%,…
Theo đánh giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa vẫn đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, thị trường cung – cầu hàng hóa những tháng đầu năm đang chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. Sự tăng trưởng chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán.
Thị trường hàng hóa tháng 2 và tháng 3/2020 chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid- 19
Trong tháng 2 và tháng 3, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động vui chơi, giải trí, dịch vụ tạm dừng kinh doanh; các cơ sở giáo dục tạm nghỉ nên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, vật tư văn phòng giảm mạnh. Hoạt động vận tải hành khách giảm mạnh dẫn tới nhu cầu tiêu dùng nhiên liệu giảm.
Cùng với đó, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm đã tác động làm cho tổng mức bán lẻ tháng 2/2020 ước tính giảm 14,4% so với tháng 1 và tháng 3 giảm 2,14% so với tháng 2.
Tính chung 3 tháng, một số nhóm ngành có doanh thu giảm mạnh như: Vật phẩm văn hóa giáo dục giảm 42,43%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 12,07%; phương tiện đi lại trừ ô tô con giảm 14,75%; xăng dầu các loại giảm 1,45%; nhiên liệu khác giảm 10,73%.