Dự kiến Hà Tĩnh có 2 nhà ga trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

(Baohatinh.vn) - Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến trình Bộ Chính trị xem xét vào tháng 9/2022 có chiều dài 1.545km, với 23 nhà ga; trong đó, cung đoạn Hà Tĩnh có 2 nhà ga.

Mô phỏng quy hoạch vị trí 23 nhà ga của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao này đi qua 20 địa phương, từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, với chiều dài 1.545km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320km/h. Đường sắt loại khổ đôi 1.435mm, điện khí hóa; đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán.

Để bảo đảm hiệu quả đầu tư và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, nhu cầu vận tải, dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP Hồ Chí Minh, chiều dài 665 km, tổng mức đầu tư dự kiến 24,72 tỉ USD, trong đó: chuẩn bị đầu tư cho toàn tuyến giai đoạn 2020 - 2026, thi công giai đoạn 2027 - 2031, đưa vào khai thác khoảng năm 2032.

Giai đoạn 2 đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến, chiều dài 894 km, tổng mức đầu tư dự kiến 33,99 tỉ USD, trong đó: khoảng năm 2040 đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng; khoảng năm 2045-2050 khai thác đoạn Đà Nẵng - Nha Trang.

Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD (gồm các chi phí: giải phóng mặt bằng 1,98 tỷ USD; xây dựng 31,58 tỷ USD, thiết bị 15 tỷ USD; quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 5,82 tỷ USD; chi phí dự phòng 4,07 tỷ USD).

Hà Tĩnh có 2 trong tổng số 23 nhà ga

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 50-60% chiều dài đi trên cầu cạn và có 23 nhà ga, với ga đầu là ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và ga cuối là ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh).

Các vị trí đặt ga cụ thể được dự kiến (theo lý trình Hà Nội - TP Hồ Chí Minh): ga Ngọc Hồi (gần khu công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) - ga Phủ Lý (cách trung tâm TP Phủ Lý, Hà Nam khoảng 4km) - ga Nam Định (cách trung tâm TP.Nam Định khoảng 6km về phía Tây) - ga Ninh Bình (khu vực Mai Sơn, TP.Ninh Bình).

Sau ga Ninh Bình đến ga Thanh Hóa (tại phường Đông Sơn, cách trung tâm thành phố khoảng 3-4km) và ga Vinh (dự kiến vị trí ga đường sắt hiện nay).

Tiếp đến là ga Hà Tĩnh (nằm ở phía Tây TP Hà Tĩnh) - ga Vũng Áng (TX Kỳ Anh) - ga Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) - ga Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) - ga Huế (phường Xuân Thủy, TP Huế; cách ga hiện tại khoảng 2km) - ga Đà Nẵng (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, cách trung tâm thành phố khoảng 6km, cách sân bay Đà Nẵng khoảng 4km).

Tiếp đến là ga Tam Kỳ (đặt phía Tây TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) - ga Quảng Ngãi (TP Quảng Ngãi) - ga Phù Mỹ (thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) - ga Diêu Trì (huyện Tuy Phước, Bình Định để kết nối với TP Quy Nhơn).

Sau đó đến ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên, cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng 8km, cách sân bay Tuy Hòa khoảng 2,2km) - ga Nha Trang (tại xã Vĩnh Thạnh, cách trung tâm TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khoảng 4,5km).

Từ ga Nha Trang sẽ đến ga Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận, đặt tại phường Đô Vinh, cách TP Phan Rang khoảng 5km về phía Tây) - ga Tuy Phong (xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) - ga Phan Thiết (xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết, Bình Thuận).

Từ Bình Thuận sang đến tỉnh Đồng Nai là ga Long Thành (trung tâm sân bay quốc tế Long Thành) và tiếp đến ga cuối là ga Thủ Thiêm (tại quận 2, TP Hồ Chí Minh).

Theo Bộ GTVT, quá trình nghiên cứu, Bộ GTVT đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học; đã thống nhất bằng văn bản với 20 địa phương có dự án đi qua và tổ chức lấy ý kiến các bộ, ban, ngành liên quan.

Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Khóa XIV, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo về dự án.

(tổng hợp)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói