Đường sắt tốc độ cao kết nối thế nào?

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam kết nối đồng bộ các phương thức vận tải, liên vận quốc tế, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Kết nối đồng bộ các phương thức vận tải

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, Báo cáo tiền khả thi dự án tuyến đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam đã tính đến việc kết nối với các tuyến đường sắt hiện hữu và quy hoạch cũng như mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM.

Cùng đó, phương án kết nối các cảng hàng không, cảng biển lớn, các khu kinh tế quan trọng và kết nối với mạng đường sắt quốc tế cũng đã được đề cập.

Mô hình ga Ngọc Hồi (Ảnh: Tạ Hải chụp).
Mô hình ga Ngọc Hồi (Ảnh: Tạ Hải chụp).

Cụ thể, khu vực phía Bắc, từ tổ hợp Ngọc Hồi, ga Thường Tín, tuyến ĐSTĐC kết nối với các tuyến đường sắt quốc gia phía Bắc như tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn thông qua tuyến đường sắt vành đai phía Đông hiện đang triển khai lập báo cáo NCTKT và tuyến vành đai phía Tây đã quy hoạch.

Tuyến kết nối với trung tâm TP Hà Nội qua tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 1; kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài qua tuyến ĐSĐT số 6; kết nối cảng biển khu vực Hải Phòng, liên vận quốc tế với Trung Quốc thông qua tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn.

Khu vực miền Trung, tuyến ĐSTĐC kết nối liên vận quốc tế với Lào tại ga Vũng Áng thông qua tuyến đường sắt Mụ Giạ - Vũng Áng - Viêng Chăn; tại ga Chu Lai kết nối với cảng hàng không Chu Lai được hoạch định là đầu mối vận tải hàng hóa bằng hàng không khu vực miền Trung.

Tuyến kết nối cảng biển Vũng Áng (qua ga hàng hóa ĐSTĐC Vũng Áng), cảng Kỳ Hà (qua ga hàng hóa ĐSTĐC Chu Lai), cảng Vân Phong (ga hàng hóa ĐSTĐC Ninh Hòa).

Ngoài ra, tại khu vực miền Trung, tuyến ĐSTĐC đã được hoạch định kết nối với tuyến đường sắt qua Tây Nguyên tại ga Đà Nẵng.

Khu vực miền Nam, tuyến ĐSTĐC kết nối với mạng lưới đường sắt khu đầu mối TP.HCM, cảng biển Cái Mép - Thị Vải thông qua tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (kết nối tại ga ĐSTĐC Trảng Bom); kết nối liên vận quốc tế với Campuchia thông qua tuyến đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh; kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo tuyến TP.HCM - Cần Thơ.

Từ ga Thủ Thiêm (điểm cuối tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam) kết nối với trung tâm TP. HCM, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thông qua các tuyến ĐSĐT; kết nối trực tiếp với Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại ga Long Thành.

"Hướng tuyến và vị trí nhà ga trong dự án đã được các địa phương thỏa thuận thống nhất và phù hợp với các quy hoạch tỉnh; có khả năng kết nối các ga với các trung tâm đô thị bằng hệ thống đường bộ thuận lợi. Dự kiến dự án sẽ đầu tư khoảng 13km đường kết nối mỗi nhà ga với hệ thống đường bộ khu vực, quy mô từ 4-6 làn xe.

Trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu tư vấn phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan để cập nhật dự án vào các quy hoạch có liên quan để bảo đảm kết nối đồng bộ, thuận lợi, nâng cao hiệu quả đầu tư", đại diện Ban QLDA đường sắt cho biết.

Kết nối liên vận quốc tế thuận lợi

Tàu liên vận quốc tế qua Trung Quốc, có thể kết nối giữa đường sắt khổ 1.000mm và đường sắt khổ 1.435mm bằng thiết bị nâng, hạ container (Ảnh: minh hoạ).
Tàu liên vận quốc tế qua Trung Quốc, có thể kết nối giữa đường sắt khổ 1.000mm và đường sắt khổ 1.435mm bằng thiết bị nâng, hạ container (Ảnh: minh hoạ).

Như tại tổ hợp ga Ngọc Hồi kết nối thông qua tuyến đường sắt đô thị số 1, số 6; tại ga đầu mối Thủ Thiêm kết nối thông qua tuyến đường sắt đô thị số 2, số 10 và tuyến đường sắt nội vùng Thủ Thiêm - Long Thành.

Tại ga khách Ngọc Hồi, TP Hà Nội dự kiến dành khoảng 250ha cho tổ hợp Ngọc Hồi để xây dựng đầy đủ chức năng của một ga đầu mối quốc gia và đô thị. Tại khu vực Ngọc Hồi quy hoạch đầy đủ hệ thống giao thông kết nối đồng bộ: Đường vành đai 3,5, Vành đai 4, QL1, 3 tuyến đường sắt đô thị (1, 1A, 6) và hệ thống xe buýt, quảng trường để đáp ứng các loại phương tiện taxi, xe cá nhân tiếp cận; cùng đó kết nối tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam hiện hữu, đường sắt vành đai phía Đông, đường sắt vành đai phía Tây, sẽ giúp giải tỏa nhanh chóng, thuận tiện lưu lượng hành khách ĐSTĐC.

Khu vực đầu mối TP.HCM, khu vực ga Thủ Thiêm quy hoạch đầy đủ hệ thống giao thông kết nối đồng bộ: Đường vành đai 3,5, VĐ 4, QL1, 3 tuyến đường sắt đô thị, tuyến đường sắt nội vùng Thủ Thiêm - Long Thành và hệ thống xe buýt, quảng trường để đáp ứng các loại phương tiện taxi, xe cá nhân tiếp cận. Vì vậy sẽ giúp giải tỏa nhanh chóng, thuận tiện lưu lượng hành khách ĐSTĐC. Còn công tác chỉnh bị, sửa chữa, bãi đỗ tàu ĐSTĐC, thực hiện tại Long Trường.

Riêng về kết nối liên vận quốc tế, tư vấn cho biết, hiện vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế chủ yếu kết nối ở khu vực phía Bắc với đường sắt Trung Quốc, từ đó đi nước thứ ba, đi châu Âu, thông qua hai tuyến đường sắt: Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Lào Cai.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng hiện hữu có đường sắt khổ lồng, chạy được cả tàu khổ 1.000mm và tàu khổ 1.435mm. Tuyến Lào Cai - Hà Nội hiện hữu khổ 1.000mm, nhưng tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ 1.435mm đang được chuẩn bị đầu tư theo quy hoạch.

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế trên hành lang Bắc - Nam chủ yếu là hàng dệt may, tiêu dùng, linh kiện điện tử, rau quả... Tuy nhiên, hàng vận chuyển bằng ĐSTĐC chủ yếu là hàng nhẹ, giá trị cao như hàng chuyển phát nhanh.

Khi có nhu cầu vận chuyển liên vận quốc tế, hàng có thể được vận chuyển thông qua 5 ga hàng hóa trên tuyến ĐSTĐC tại Thường Tín (Hà Nội), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai (Quảng Nam), Ninh Hòa (Khánh Hòa) và Trảng Bom (Đồng Nai). Trường hợp cần thiết, để kết nối với các tuyến đường sắt hiện hữu khổ 1.000mm, tại ga đầu mối bố trí thiết bị trung chuyển giữa các tàu khổ 1.000mm và 1.435mm.

"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy có thể bố trí thiết bị nâng, hạ để trung chuyển hàng hóa giữa 2 khổ đường sắt (1.000mm và 1.435mm), thời gian giải tỏa hàng hóa với đoàn tàu 2.000 tấn chỉ khoảng 1 giờ. Hiện nay, công nghệ trung chuyển này đã nghiên cứu thiết kế tại ga Trảng Bom thuộc dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu", tư vấn cho biết.

baogiaothong.vn

Đọc thêm

Tăng tốc thi công Dự án nâng cấp kè sông Trí ở TX Kỳ Anh

Tăng tốc thi công Dự án nâng cấp kè sông Trí ở TX Kỳ Anh

Dự án nâng cấp tuyến kè và đường hai bên bờ sông Trí có tổng chiều dài hai bên bờ là hơn 3km nối từ cầu sông Trí (phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh) tới khu vực chợ Cầu (thuộc xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh). Sau khi hoàn thành, công trình sẽ trở thành điểm nhấn về cảnh quan, thương mại và dịch vụ dọc hai bên bờ sông.
Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu (trừ diesel) giảm từ 15h hôm nay, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Giá vàng vượt mốc 92 triệu đồng/lượng

Giá vàng vượt mốc 92 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong nước đi lên phiên mở cửa sáng nay 20/2, trong đó thương hiệu SJC tại các doanh nghiệp cộng thêm 200.000 đồng/lượng, vàng nhẫn cũng điều chỉnh tương tự.
Vũ Quang phát triển nghề nuôi hươu lấy nhung

Vũ Quang phát triển nghề nuôi hươu lấy nhung

Những năm gần đây, nhiều gia đình ở Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã mạnh dạn triển khai mô hình nuôi hươu sao, mang lại nguồn thu nhập ổn định, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả.
Công ty MCC Việt Nam - những bước tiến vững chắc

Công ty MCC Việt Nam - những bước tiến vững chắc

Với bản lĩnh của một doanh nghiệp lớn, trong hơn 9 năm qua, Công ty MCC Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức trong sản xuất, kinh doanh, tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu trong lĩnh vực kết cấu thép.